Cơ hội với “sóng” ngành và blue-chips lên sàn

Cơ hội với “sóng” ngành và blue-chips lên sàn

(ĐTCK) Trong bối cảnh có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn và “sóng” các ngành thay nhau diễn ra, trong khi nhiều cổ phiếu blue-chips có P/E ở mức cao…, nhà đầu tư cần lưu ý gì để hạn chế rủi ro, tăng cơ hội thành công?

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thế Tài, chuyên viên tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS).

Thị trường đang xuất hiện nhiều cổ phiếu mới của các doanh nghiệp lớn, ông nhìn nhận cơ hội cho các nhà đầu tư khi có thêm nhiều hàng hóa ra sao?

Nếu coi cổ phiếu là hàng hóa, thì những doanh nghiệp lớn xuất hiện trên sàn chứng khoán gần đây là những hàng hóa chất lượng cao, thu hút sự chú ý của hầu hết các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, với nguồn lực dồi dào, thị phần lớn và ổn định, từ đó thu được mức lợi nhuận ổn định và lâu dài.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lên sàn trong thời gian qua và dự kiến lên sàn trong thời gian tới là doanh nghiệp Top đầu trong nhiều ngành nghề khá mới trên thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, Habeco và Sabeco hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia, Petrolimex hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu... Theo đó, nhà đầu tư có thêm lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực khi xây dựng danh mục đầu tư, qua đó đa dạng hóa danh mục, giảm thiểu rủi ro so với đầu tư tập trung vào một vài nhóm ngành.

Đồng thời, các doanh nghiệp lớn lên sàn là một dấu hiệu tích cực cho thấy chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán của Nhà nước đang triển khai hiệu quả. Khi lên niêm yết/đăng ký giao dịch, các doanh nghiệp buộc phải nỗ lực hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như quản trị doanh nghiệp, theo hướng hiệu quả hơn, minh bạch hơn, vì lợi ích của các cổ đông.

Cũng phải nói thêm rằng, các doanh nghiệp lớn tham gia thị trường chứng khoán sẽ tạo ra sức hút với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Từ đó, nâng cao vị thế chứng khoán Việt Nam và tăng quy mô vốn cho toàn thị trường. 

Gần đây, cổ phiếu các nhóm ngành thay phiên nhau tăng giá. Trong “sóng” ngành, nhà đầu tư cần chú ý gì, theo ông?

Việc đầu tư vào nhóm ngành đang có sóng, nhà đầu tư cần hiểu rõ những thông tin, nguồn lực hỗ trợ cho nhóm ngành đó trong thời gian vừa qua, sau đó đánh giá chính xác được các doanh nghiệp nào trong ngành đang được hưởng lợi và có thể tận dụng tối đa những thông tin nguồn lực nêu trên, phân tích cẩn trọng trước khi chọn lựa cổ phiếu để đầu tư trong sóng ngành.

Trong sóng ngành, sự phân hóa luôn tồn tại và có thể quan sát rất rõ trên thị trường. Theo quan sát, trong một đợt sóng của một ngành, thường do một hay nhiều yếu tố cơ bản thay đổi có tác động đến cả ngành, do đó hầu hết cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đều tăng. Tuy nhiên, cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, là những doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt và được hưởng lợi trực tiếp, thường tăng mạnh nhất và giữ được đà tăng lâu nhất.

Nhà đầu tư ngoài việc lựa chọn cổ phiếu theo ngành, cũng nên chọn lọc để tập trung đầu tư vào những doanh nghiệp tốt nhất trong ngành, như vậy sẽ đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất với mức rủi ro thấp. 

Một số ý kiến cho rằng, mức P/E của các cổ phiếu blue-chips tại Việt Nam hiện quá cao? Ông nhìn nhận gì về ý kiến này, nhà đầu tư quan tâm đến những cổ phiếu này cần lưu ý điều gì?

Như nhiều quan điểm trước đây, với chuẩn mực kế toán và điều kiện khác nhau nên sự so sánh P/E giữa các nước là không thực sự hợp lý.

P/E là chỉ số tài chính đánh giá mối quan hệ giữa giá và thu nhập của mỗi cổ phiếu của doanh nghiệp, cho biết nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu cho một đồng thu nhập nhận lại. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình phát triển trong chu kỳ kinh doanh với tốc độ tăng trưởng ở mức cao thì việc sử dụng chỉ số PEG sẽ phản ánh chính xác hơn tương quan giữa các cổ phiếu so với chỉ số P/E đơn thuần, do PEG bổ sung tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp (PEG = (P/E)/tốc độ tăng trưởng thu nhập cổ phiếu).

Đối với các cổ phiếu blue-chips, thường là những doanh nghiệp lớn, thị phần cao và sức cạnh tranh tương đối mạnh thì việc thị trường đánh giá các cổ phiếu này vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành là điều bình thường. Do đó, P/E của các mã blue-chips thường được thị trường định giá cao hơn so với trung bình ngành cũng như toàn thị trường. 

Ông có thể chia sẻ dự cảm về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm?

Với việc thị trường đang tiếp cận với nhiều thông tin không mấy lạc quan sau sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ (lo ngại Mỹ có thể không thông qua TPP, hay có chính sách hạn chế giao thương...), cùng với đó là các thông tin hỗ trợ ít nên thị trường chứng khóa khó có thể tăng mạnh trong ngắn hạn, nhiều khả năng VN-Index duy trì dao động trong vùng 650 - 690 điểm.

Trong kịch bản khả quan hơn, khi dòng tiền và quy mô các doanh nghiệp tham gia thị trường ngày càng lớn như hiện nay, VN-Index sau một thời gian tích lũy có thể vượt qua mức cản 700 điểm.        

Tin bài liên quan