Cơ hội thay đổi luật chơi chứng khoán (kỳ 3)

Cơ hội thay đổi luật chơi chứng khoán (kỳ 3)

(ĐTCK) Hai nhóm vấn đề lớn cuối cùng trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) là về tổ chức kinh doanh chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Trong đó, đáng chú ý là nội dung sửa đổi quyền và nghĩa vụ của công ty chứng khoán, bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCK khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm.

Vấn đề 6: Về tổ chức kinh doanh chứng khoán

Theo Luật Chứng khoán hiện hành, giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định này chưa đồng nhất với Luật Doanh nghiệp. Trên thực tế, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã chấm dứt hoạt động nhưng vẫn chưa giải thể được vì vẫn còn giải quyết các quyền, nghĩa vụ liên quan.

Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc thực hiện tái cơ cấu cũng như giám sát tuân thủ. Trách nhiệm kiểm soát, trách nhiệm về phối hợp triển khai công tác giám sát giao dịch, báo cáo liên quan đến giám sát giao dịch của công ty chứng khoán chưa được quy định rõ trong Luật, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giám sát giao dịch trên TTCK.

Do đó, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sửa đổi quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về TTCK cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của công ty chứng khoán được sửa đổi theo hướng:

Thứ nhất, bổ sung nghĩa vụ thực hiện báo cáo đầy đủ, trung thực và kịp thời các báo cáo định kỳ và báo cáo theo yêu cầu theo quy định của Bộ Tài chính; thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán của khách hàng mở tài khoản tại công ty theo hướng dẫn của Sở giao dịch chứng khoán. Trường hợp phát hiện giao dịch có dấu hiệu vi phạm các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán có trách nhiệm báo cáo Sở giao dịch chứng khoán, UBCK.

Thứ hai, bổ sung quy định về trách nhiệm của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải tuân thủ và duy trì các điều kiện cấp giấy phép theo quy định. Trường hợp công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không duy trì các điều kiện cấp giấy phép, công ty chứng khoán phải thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc hạn chế hoạt động theo quy định của Bộ Tài chính.

Thứ ba, bổ sung, luật hóa quy định về quản lý tài sản của khách hàng. Theo đó, tài sản của khách hàng do công ty chứng khoán tiếp nhận và quản lý bao gồm tiền gửi giao dịch chứng khoán, chứng khoán lưu ký, lưu giữ tại công ty chứng khoán và các quyền có liên quan là tài sản của khách hàng, không phải của công ty chứng khoán. Trường hợp công ty chứng khoán giải thể hoặc bị phá sản, các tài sản này phải được hoàn trả cho khách hàng sau khi trừ đi nghĩa vụ nợ phải trả của khách hàng đối với công ty chứng khoán.

Công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. Đối với chứng khoán đã được đăng ký lưu ký tập trung, công ty chứng khoán phải quản lý tách biệt chứng khoán thuộc sở hữu của từng khách hàng với chứng khoán thuộc sở hữu của công ty chứng khoán.

Đối với chứng khoán chưa được đăng ký lưu ký tập trung, công ty chứng khoán được đăng ký và lưu ký chứng khoán của khách hàng tại công ty chứng khoán theo hợp đồng ký kết với khách hàng. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc quản lý chứng khoán chưa được đăng ký, lưu ký tập trung của khách hàng.

Tài sản của khách hàng ủy thác trên tài khoản lưu ký của công ty quản lý quỹ là tài sản của khách hàng ủy thác, không phải của công ty quản lý quỹ. Trường hợp công ty quản lý quỹ giải thể hoặc bị phá sản, các tài sản này phải được hoàn trả cho khách hàng sau khi trừ đi nghĩa vụ nợ phải trả của khách hàng đối với công ty quản lý quỹ.

Khi quản lý tài sản ủy thác, công ty quản lý quỹ phải lưu ký toàn bộ tài sản ủy thác tại ngân hàng lưu ký, giám sát. Công ty quản lý quỹ quản lý tài sản của khách hàng ủy thác phải đảm bảo nguyên tắc độc lập và tách biệt tới từng khách hàng ủy thác, tách biệt tài sản ủy thác và tài sản của chính công ty quản lý quỹ.

Thực tế, quy định công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) là nhằm luật hóa quy định tại Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 15/1/2013.

Cụ thể, Thông tư 210 yêu cầu, trong vòng 1 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán.

Công ty chứng khoán không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại. Công ty chứng khoán không được lạm dụng tiền của khách hàng dưới mọi hình thức. Các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tiền của nhà đầu tư do công ty chứng khoán quản lý. Công ty chứng khoán gửi toàn bộ tiền của nhà đầu tư vào một tài khoản chung tại ngân hàng và ngân hàng chỉ biết tổng số tiền trong tài khoản chung, còn số liệu cụ thể trong từng tài khoản của nhà đầu tư chỉ có công ty chứng khoán nắm được. Với cách quản lý tiền này, nếu có sự thông đồng giữa bộ phận giao dịch và kế toán trong công ty chứng khoán, tiền của nhà đầu tư sẽ bị sử dụng tùy tiện và thực tế đã xảy ra một số vụ việc vi phạm.

Sau khi Thông tư 210 được ban hành, các công ty chứng khoán nỗ lực tuân thủ quy định trên. Hết thời hạn 1 năm, một số công ty chậm triển khai thực hiện tách bạch tiền gửi nhà đầu tư đã bị UBCK xử phạt theo quy định tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP năm 2013 (Nghị định này sau đó được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 145/2016/NĐ-CP năm 2016).

Vấn đề 7: Về hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBCK

Luật Chứng khoán hiện hành chưa quy định quyền hạn của UBCK trong việc thanh tra, kiểm tra, xác minh các vi phạm về hoạt động chứng khoán và TTCK; trong đó có vấn đề thẩm quyền trong việc yêu cầu đối tượng vi phạm đến làm việc để đối chất, hoặc yêu cầu các cơ quan liên quan như ngân hàng liên quan cung cấp các thông tin về dòng tiền giữa các tài khoản nghi vấn hoặc trao đổi thông tin giữa các đối tượng nghi vấn. Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của UBCK gặp nhiều trở ngại và hạn chế.

Để đảm bảo cho UBCK có đủ thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và cưỡng chế thực thi, nhằm đảm bảo hoạt động TTCK lành mạnh, tuân thủ pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật của thị trường, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCK khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm.

Một là, tổ chức lực lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin trong nước và ngoài nước liên quan đến hoạt động chứng khoán để chủ động phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Hai là, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu để phục vụ việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Ba là, yêu cầu tổ chức tín dụng có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các giao dịch tài khoản ngân hàng; yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp sao kê điện thoại để phục vụ hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi thao túng, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán.

Bốn là, yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan đến làm việc để giải trình, đối chất làm rõ hành vi vi phạm.

Năm là, thực hiện các yêu cầu phối hợp điều tra, xác minh, thu thập thông tin của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán các nước và chia sẻ thông tin trong khuôn khổ thỏa thuận đa phương hoặc thỏa thuận song phương với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán nước ngoài mà UBCK là một bên ký kết.

Đồng thời, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bổ sung thẩm quyền của UBCK trong xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán theo hướng cơ quan này có quyền áp dụng các biện pháp: thông báo vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính. 

Tin bài liên quan