Việc cổ đông lớn - Tổng CTCP Phong Phú ấn định việc sáp nhập công ty con PHH đã gây bức xúc cho cổ đông nhỏ doanh nghiệp này

Việc cổ đông lớn - Tổng CTCP Phong Phú ấn định việc sáp nhập công ty con PHH đã gây bức xúc cho cổ đông nhỏ doanh nghiệp này

Cổ đông nhà nước: Cần chuẩn hóa quy tắc ứng xử

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đã chứng kiến không ít trường hợp mà cách hành xử duy ý chí, không tuân thủ luật pháp của cơ quan đại diện vốn nhà nước khiến các nhóm cổ đông khác bức xúc.

Tư duy áp đặt vẫn phổ biến ở cổ đông nhà nước  

“Nếu áp dụng các nguyên tắc, quy trình, con người của quản lý nhà nước vào thực hiện chức năng chủ sở hữu trong doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối sẽ dễ gây bức xúc, phản ứng với các nhóm cổ đông khác trong doanh nghiệp”, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận xét. TTCK Việt Nam đã chứng kiến không ít trường hợp cho thấy cách hành xử duy ý chí, không tuân thủ Luật Doanh nghiệp của cơ quan đại diện vốn nhà nước, gây phản ứng bức xúc cho các nhóm cổ đông khác.

Đơn cử, hồi năm 2014, cổ đông CTCP Dệt Gia dụng Phong Phú (PPH) đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi phản đối phương án sáp nhập doanh nghiệp này vào Tổng công ty Phong Phú (công ty mẹ nắm giữ 53,3% cổ phần của PHH) với tỷ lệ hoán đổi cổ phần 1:1.

Theo nhóm cổ đông, tỷ lệ hoán đổi này là không hợp lý vì PHH là doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh trên vốn tốt hơn hẳn Tổng CTCP Phong Phú. Và theo Luật Doanh nghiệp, Tổng công ty Phong Phú không được bỏ phiếu thông qua phương án này tại Đại hội đồng cổ đông của PHH vì xung đột lợi ích với các nhóm cổ đông khác. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của các nhóm cổ đông nhỏ, Tổng công ty Phong Phú vẫn bỏ phiếu thông qua phương án trên tại Đại hội đồng cổ đông PPH.

Trước đó, nhóm cổ đông sở hữu gần 20% cổ phần tại CTCP Thủy điện Nà Lơi đã gửi đơn khiếu nại tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, thậm chí dự kiến khởi kiện Tổng công ty Sông Đà, đơn vị sở hữu 51% số cổ phần Thủy điện Nà Lơi và 51% vốn của đơn vị cùng ngành là Thủy điện Cần Đơn ra tòa. Lý do là tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 của CTCP Nà Lơi, cổ đông lớn – Tổng công ty Sông Đà đã vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp, tham gia bỏ phiếu thông qua phương án quyết định sáp nhập hai doanh nghiệp này.

Đề cập về hai trường hợp này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đó chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp thể hiện tư duy quản lý nhà nước vẫn chi phối hoạt động của doanh nghiệp cổ phần mà Nhà nước nắm đa số. Ở nhiều doanh nghiệp khác, cơ quan đại diện vốn nhà nước áp đặt hầu hết các quyết định về đầu tư, nhân sự, phân bổ lợi nhuận..., mà không coi trọng ý kiến của các nhóm cổ đông khác. Trong khi đó, Nhà nước với vai trò là cổ đông trong doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp giống như các cổ đông khác.

Cần chuẩn hóa quy tắc ứng xử

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường, mà đã theo cơ chế thị trường thì tổ chức chủ sở hữu vốn nhà nước phải hành xử theo các nguyên tắc thị trường, tôn trọng các quy định pháp luật, tôn trọng, hợp tác với các cổ đông thiểu số, chứ không phải cứ cổ đông nhà nước, cổ đông lớn nhất là có toàn quyền ra quyết định.

Hiện nay, chủ trương của Nhà nước về việc tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ngành nghề không cần nắm giữ rất quyết liệt. Điều này đồng nghĩa với việc các tập đoàn, tổng công ty tới đây sẽ cổ phần hóa. Lúc này, Nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò là một cổ đông trong doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan quản lý cấp trên như lâu nay. Mối quan hệ tương tác với các cổ đông khác, khi ấy, sẽ hoàn toàn phải tham khảo, dẫn chiếu dựa trên sự tuân thủ pháp luật và các thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Vậy làm thế nào để cải thiện quản trị trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước? Trong số các vấn đề về quản trị doanh nghiệp, theo đại diện JICA tại Việt Nam, thách thức nhất là việc tách bạch chức năng sở hữu và quản lý nhà nước. Tầm quan trọng của vấn đề này đã được nhấn mạnh tại: “Hướng dẫn của OECD về quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước”.

Thông thường, khi đề cập đến quản trị doanh nghiệp, khái niệm này bao gồm các quy tắc để quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Nhà nước đang là cổ đông lớn tại rất nhiều doanh nghiệp. Thực trạng này dẫn đến việc cần thiết phải thông qua một cơ chế quản trị thích hợp để quản lý những cổ đông lớn. Theo đại diện JICA tại Việt Nam, việc phát triển và công khai các quy tắc ứng xửcủa cổ đông Nhà nước là cần thiết để ngăn chặn việc can thiệp quá sâu của Nhà nước vào hoạt động quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Trong 2 năm gần đây, JICA đã tài trợ Dự án Nâng cao năng lực quản lý tài chính doanh nghiệp nhằm triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Dưới sự tư vấn và hỗ trợ của JICA, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã ban hành tài liệu hướng dẫn biểu quyết vào tháng 12/2015. Đây là tài liệu tham khảo quan trọng đối với hệ thống người đại diện vốn của SCIC tại các doanh nghiệp, hướng dẫn người đại diện cách thức đưa ra quyết định về các vấn đề quản trị doanh nghiệp tại các kỳ họp đại hội đồng cổ đông và họp hội đồng quản trị dựa trên các thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới.

Sau khi được phổ biến lần đầu và lấy ý kiến bản dự thảo Hướng dẫn biểu quyết đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực từ phía người đại diện vốn. Tài liệu này sau đó đã được áp dụng thử nghiệm trong mùa Đại hội đồng cổ đông 2016 và được tiếp tục xem xét, chỉnh sửa định kỳ hàng năm nhằm phù hợp với thực tế áp dụng tại doanh nghiệp cũng như những thay đổi về tình hình kinh tế Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ dự án, JICA sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho SCIC, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp, sử dụng cho các cán bộ quản lý vốn đầu tư và Bộ chỉ số quản trị rủi ro dùng cho các hoạt động đầu tư mới của SCIC. Cùng với Hướng dẫn biểu quyết, các tài liệu này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị vốn tại các doanh nghiệp, thông quá đó thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả và nâng cao giá trị doanh nghiệp.

Giới chuyên gia cho rằng, những tài liệu và cách làm trên nên được xem xét, nhân rộng tại Việt Nam nhằm góp phần cải thiện quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và tối ưu hóa vốn nhà nước.

Tin bài liên quan