Việc cổ phiếu quá tập trung trong tay cổ đông lớn sẽ khiến tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ rất mờ nhạt

Việc cổ phiếu quá tập trung trong tay cổ đông lớn sẽ khiến tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ rất mờ nhạt

Cổ đông lớn mạnh tay gom cổ phiếu trước mùa ĐHCĐ

(ĐTCK) Trước mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), nhiều cổ đông lớn đã công bố mua cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại doanh nghiệp.

CTCP Thực phẩm PAN - Pan Food là công ty con của CTCP Xuyên Thái Bình Dương (PAN) hiện là cổ đông lớn của CTCP Bibica (BBC), nắm giữ 3,26 triệu cổ phiếu BBC, vừa đăng ký chào mua công khai 4,6 triệu cổ phiếu BBC với giá chào mua dự kiến 56.800 đồng/cổ phiếu. Tính toán theo mức giá này, để thực hiện thành công thương vụ, Pan Food sẽ phải chi ra khoảng 261 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền không nhỏ, nhưng ngược lại, nếu mua thành công, tỷ lệ sở hữu của Pan Food tại BBC sẽ tăng từ 21,13% hiện tại lên 51%. Với tỷ lệ này, Pan Food dĩ nhiên sẽ giành quyền kiểm soát tại BBC và BBC trở thành công ty con của Pan Food.

Trong thông báo chào mua, Pan Food nêu rõ, mục đích mua thêm nhằm nâng tỷ lệ sở hữu và đầu tư lâu dài tại BBC. Với việc kiểm soát quá bán, Pan Food sẽ có tiếng nói quyết định và có thể dễ dàng thông qua nhiều quyết sách lớn tại BBC trong ĐHCĐ tới. Mặc dù vậy, Pan Food có thực hiện được mục đích của mình hay không lại phụ thuộc vào việc các cổ đông lớn khác, vì số cổ đông nhỏ lẻ tại BBC là không lớn (khoảng 5%). Trong khi, cổ đông lớn khác là Lotte đang sở hữu 6,79 triệu cổ phiếu BBC, tương đương 44,03% vốn điều lệ.

ĐHCĐ BBC trong 2 năm gần đây luôn trong tình trạng căng thẳng khi các cổ đông lớn không thống nhất được số thành viên trong HĐQT. Ngoài Lotte, Pan Food, hiện CTCP Xuất khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT) cũng là công ty con của PAN, đang nắm giữ 3,58% vốn điều lệ của BBC, tương đương 553.000 cổ phần.

Lãnh đạo một DN đang niêm yết trên HOSE cho biết, động thái gom cổ phiếu tại các DN sẽ dẫn đến việc cổ đông lớn nắm quyền chi phối, có quyền tự quyết định nhiều vấn đề tại DN, vai trò của cổ đông nhỏ lẻ vì thế sẽ trở nên rất mờ nhạt. Điểm tích cực với thị trường là nếu cổ đông lớn muốn tăng sở hữu để vực doanh nghiệp đi lên, đầu tư và phát triển gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp thì cổ đông nhỏ lẻ cũng là người được hưởng lợi. 

Trước đó, trong tháng 2/2015, CTCP Kinh Đô (KDC) đã thông qua phương án chi gần 530 tỷ đồng để chào mua công khai cổ phiếu của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam-Vocarimex. KDC đã đăng ký mua thêm 27% cổ phần của Vocarimex, tương ứng với 32.886.000 cổ phiếu, để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 51%, tỷ lệ “chuẩn” để KDC nắm quyền kiểm soát Vocarimex và biến Vocarimex thành công ty con của mình.

Sau khi nắm được quyền kiểm soát đối với Vocarimex, KDC dự kiến sẽ hỗ trợ và phối hợp cùng Vocarimex thực hiện các thay đổi để cải thiện hiệu quả hoạt động của Vocarimex trong dài hạn; trong đó, tập trung vào một số mảng như: phát triển hệ thống phân phối, phát triển thương hiệu, hỗ trợ kỹ thuật. Hiện tại, Vocarimex có vai trò rất lớn trên thị trường dầu ăn khi sở hữu 51% cổ phần của Dầu thực vật Tường An.

Chiến lược tăng sở hữu cổ phần để nắm quyền kiểm soát Vocarimex có thể sẽ giúp cho KDC có sự hiện diện đáng kể trên thị trường dầu ăn và có thêm nguồn doanh thu lớn sau khi Công ty bán đi mảng bánh kẹo trong năm 2014.

Không chỉ các tổ chức, mà cá nhân lãnh đạo DN cũng có những động thái “gom” cổ phiếu trong thời gian gần đây. Đơn cử, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương tín (SCR) vừa mua hơn 7 triệu cổ phiếu trong số 7,5 triệu cổ phiếu đăng ký (tính đến ngày 6/3), qua đó nâng lượng cổ phiếu SCR nắm giữ lên 14,59%, tương đương nắm 21,9 triệu cổ phiếu.

Cũng thông tin từ SCR, đầu tháng 3 vừa qua, HĐQT Công ty đã thống nhất thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 2,6 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Kiến trúc Xây dựng Toàn Thịnh Phát (TTP) với giá chuyển nhượng là 20.400 đồng/CP, tương ứng tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 53 tỷ đồng. Tại CTCP Chiếu xạ An Phú (APC), bà Võ Thùy Dương, Chủ tịch HĐQT cũng vừa thực hiện mua thêm hơn 1,26 cổ phần từ một cổ đông cá nhân theo phương thức thỏa thuận để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 2,8 triệu CP, tương ứng với tỷ lệ 23.37%.

Chuyển động “gom” mua cổ phiếu không có gì khác lạ, nhưng hoạt động này trở nên đáng chú ý vì thường diễn ra mạnh mẽ và sôi động trước mùa ĐHCĐ.

Tin bài liên quan