Nhà đầu tư nhiều khi không đủ các công cụ để tự bảo vệ mình, để tránh những cái bẫy thông tin trên TTCK

Nhà đầu tư nhiều khi không đủ các công cụ để tự bảo vệ mình, để tránh những cái bẫy thông tin trên TTCK

Cổ đông chiến lược, đừng mất hút như GEM

(ĐTCK) Thu hút sự chú ý của giới đầu tư với hàng loạt hợp đồng hợp tác chiến lược với nhiều doanh nghiệp niêm yết, giá trị mỗi thương vụ lên tới hàng trăm tỷ đồng từ năm 2014, Quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM) đang cho thấy: từ cam kết đến thực tế là khoảng cách rất xa!

Cam kết rồi… bỏ đó?

Đầu năm 2014, Quỹ GEM gây chú ý lần đầu tiên với việc ký thỏa thuận hợp tác mua cổ phần HHS của CTCP Hoàng Huy dưới hình thức thu xếp từng lần, theo nhu cầu của Công ty hay cổ đông lớn, với tổng giá trị cho các đợt thu xếp lên tới 200 tỷ đồng (xấp xỉ gần 10 triệu USD tính theo tỷ giá tại thời điểm đó) trong thời hạn 30 tháng. Đồng thời, GEM cũng cam kết đăng ký mua 4 triệu cổ phần từ cổ đông lớn theo mức giá thỏa thuận 31.000 đồng/CP, tương đương với việc đầu tư thêm 124 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư theo cam kết của GEM lên đến 324 tỷ đồng, tương đương 16 triệu USD.

Còn nhớ, ông Chris Brown, Giám đốc điều hành GEM từng trả lời trước báo giới: “Chúng tôi sẽ thực hiện đúng những gì đã cam kết”.

Tuy nhiên, đến nay, đúng 30 tháng sau ngày ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với HHS, quỹ đầu tư nước ngoài này mới chỉ thực hiện mua hơn 184.000 cổ phiếu HHS từ Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ vào ngày 20/5/2014 (theo phương thức thỏa thuận). Trong khi đó, giao dịch bán 250.000 cổ phiếu HHS của ông Đỗ Hữu Hạ vào đầu tháng 7/2014 và bán 300.000 cổ phiếu HHS vào giữa tháng 9/2014 thì lại theo phương thức khớp lệnh trên sàn.

Theo văn bản giải trình về giao dịch bán cổ phiếu của Chủ tịch HHS tại thời điểm đó, ông Đỗ Hữu Hạ cho biết, mục đích là để “chuyển nhượng cho Quỹ đầu tư GEM Globla Yield Fund và các đối tác”. Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía các thành viên thị trường, với việc bán thẳng cổ phiếu trên sàn, khó khẳng định GEM mua đủ số cổ phần này, bởi lẽ không có thông tin nào về phía bên mua được công bố tiếp theo.

"GEM có công bố danh mục các công ty mà mình đầu tư, nhưng nhìn vào danh mục này không thể hiện được về việc đầu tư của Quỹ và hầu như không thể kiểm chứng được"

- Nhà đầu tư Chu Tuấn Linh.

Câu chuyện cũng diễn ra tương tự khi GEM công bố đầu tư 800 tỷ đồng vào Tập đoàn FLC (FLC) chỉ một ngày sau khi ký với HHS, thực hiện dưới hình thức cam kết hạn mức mua cổ phần của FLC bằng hình thức giải ngân 200 tỷ đồng trong vòng 12 tháng với mức giá tương đương thị trường.

Ngoài ra, GEM cũng cam kết thực hiện đăng ký mua 3 triệu cổ phần từ cổ đông lớn theo mức giá thoả thuận 20.000 đồng/CP. Ngoài cam kết đầu tư trực tiếp, trước đó, một công ty con của GEM, thông qua Asia Business Builders Holdings Ltd. (Hồng Kông) và ABB Advisory Vietnam cũng đã ký cam kết phương án đầu tư 800 tỷ đồng của Quỹ dành cho FLC dưới hình thức cam kết hạn mức mua cổ phần của Tập đoàn. Mặc dù vậy, sau tuyên bố này, không có thông tin nào nữa về việc GEM thực hiện theo đúng cam kết đã ký với FLC.

Trong suốt từ thời điểm công bố chính thức đầu tư vào FLC đến nay là tròn 30 tháng, tuyệt nhiên không hề có giao dịch cổ đông lớn Tập đoàn liên quan đến Quỹ GEM, mà chỉ có xuất hiện các quỹ ngoại đã quen mặt trên thị trường như Vaneck Vectors Vietnam ETF, Market Vectors Vietnam ETF…

Một cổ phiếu được GEM mua tương đối lớn theo thông tin công bố trên thị trường tới thời điểm hiện tại là DLG (2 triệu cổ phiếu vào ngày 14/11/2014, ký cam kết ngày 7/8/2014) theo phương thức thỏa thuận với giá 23,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau đó, DLG đã phát hành 19.932.609 cổ phiếu hoán đổi cho các cổ đông của Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/CP, tỷ lệ hoán đổi 1:1,4 (1 cổ phiếu DLG đổi 1,4 cổ phiếu Mass Noble) để nắm quyền sở hữu Công ty Mass Noble Investments Limited (Mỹ), một công ty thuộc danh mục đầu tư của GEM.

Quy đổi, GEM đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng vào DLG. Tuy vậy, so với số cam kết trong bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa hai bên trị giá gần 400 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu là 20% thì còn một khoảng cách khá lớn.

Cũng trong tháng 11/2014, GEM cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD) vào cổ phiếu HAG. Dự kiến, toàn bộ giao dịch sẽ được hoàn tất trong 3 tháng (tức tháng 1/2015). Điều đáng lưu ý là ngoại trừ trường hợp tại HAG, Quỹ GEM đặt vấn đề với HAG phát hành riêng lẻ khoảng 10% cổ phần cho quỹ này, nhưng phía HAG không đồng ý và chỉ thống nhất cho mua cổ phiếu qua sàn. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào cho thấy tổ chức này đã giải ngân tới thời điểm hiện tại.

Tại buổi lễ trao quyền sở hữu Công ty Mass Boble (Mỹ) nêu trên, chính ông Chris Brown thừa nhận, hai thỏa thuận hợp tác đầu tư vào HAG và trước đó là FLC không thành công do các cổ đông lớn chưa bán cổ phiếu do mức giá chưa được như kỳ vọng.

Trong cuộc trao đổi gần đây với Đầu tư Chứng khoán, khi hợp đồng hợp tác chiến lược với GEM chính thức hết hiệu lực, đại diện HHS cho biết, GEM có ký kết hợp đồng với các cổ đông của HHS để mua cổ phần với giá trị tối đa khoảng 16 triệu USD. Theo đó, khi cổ đông có nhu cầu bán thì phải đăng ký với GEM, GEM sẽ mua trên cơ sở giá thị trường. Tuy nhiên, 16 triệu USD là giá trị tối đa của thương vụ, việc mua bao nhiêu còn phụ thuộc vào nhu cầu bán ra của các cổ đông HHS.

Ngoài các doanh nghiệp kể trên, hồi giữa tháng 7/2015, GEM cũng ký kết hợp tác đầu tư với CTCP Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC). Theo đó, GEM cam kết đầu tư 20 triệu USD vào HQC, thời hạn hợp đồng là 30 tháng kể từ ngày ký. Hơn 1 năm kể từ ngày ký hợp đồng, GEM chưa thực hiện rót vốn vào HQC.

Thông tin từ đại diện của HQC, hiện nay việc hợp tác giữa HQC và GEM đang trong giai đoạn đàm phán về phương án chi tiết nên HQC chưa thể trả lời các câu hỏi liên quan về GEM vì cần bảo mật thông tin trong quá trình đàm phán. 

… Kỳ vọng ảo và trách nhiệm

Xung quanh câu chuyện về động thái ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác rất hoành tráng rồi… bỏ đó của GEM, nhà đầu tư Chu Tuấn Linh (có thâm niên đầu tư hàng chục năm nay) cho rằng, khó có thể đặt niềm tin vào những hứa hẹn “khủng” của quỹ này, khi mà thông tin về hoạt động của quỹ này quá mập mờ. Trên website của GEM (www.gemny.com) gần như không có bản công bố tỷ trọng danh mục đầu tư, hay NAV hàng quý, hàng năm, thông lệ mà các quỹ đầu tư minh bạch khác vẫn thực hiện.

“GEM có công bố danh mục các công ty mà mình đầu tư, nhưng nhìn vào danh mục này không thể hiện được về việc đầu tư của Quỹ và hầu như không thể kiểm chứng được”, ông Linh nhận xét.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư CTCK Maritime (MSI) cho rằng, có thể nhìn nhận bản chất GEM cũng giống các quỹ đầu cơ và thực tế danh mục mà quỹ này nhắm tới cũng chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu thị giá trung bình và thấp. Thực tế, hoạt động giải ngân kể từ khi bước vào thị trường Việt Nam của quỹ này cũng chưa nhiều.

Có thể có nhiều lý do dẫn tới việc GEM không thể thực hiện được đúng theo cam kết, chẳng hạn như thị trường diễn biến không thuận lợi, nhưng ở một góc độ nào đó, với những quỹ có lịch sử hoạt động không rõ ràng, nhà đầu tư cần hạn chế bị tác động bởi những cam kết của những quỹ đầu cơ dạng này.

Ở góc nhìn khác, ông Linh cho rằng, bản thân nhà đầu tư nhiều khi không đủ các công cụ để tự bảo vệ mình, để tránh những cái bẫy thông tin trên TTCK, do đó, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn trong việc công bố thông tin đến nhà đầu tư về thỏa thuận hợp tác tương tự như với GEM  trong trường hợp chưa chắc chắn.

“Nếu cứ công bố xong không làm gì sẽ gây mất uy tín của công ty đối với giới đầu tư, hoặc nếu cố ý công bố sai cần phải bị điều tra xem có dấu hiệu của lừa đảo để trục lợi hay không. Do đó, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp ban lãnh đạo doanh nghiệp cố ý công bố sai, cần có sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các trường hợp đăng ký công bố, cam kết về nhà đầu tư nước ngoài, trong trường hợp đã đăng ký đầu tư mà không thực hiện thì cần có sự xem xét, điều tra sâu hơn hoặc có hình thức xử phạt nào đó...”, ông Linh cho biết thêm.  

Tại Việt Nam, Global Emerging Markets (GEM) từng được giới thiệu là một Tập đoàn đầu tư của Mỹ, có tổng tài sản danh mục lên tới 3,4 tỷ USD. Quỹ có nhiều thành viên trên khắp thế giới chuyên đầu tư vào các công ty niêm yết và chưa niêm yết vừa và nhỏ tại các thị trường mới nổi, bao gồm Quỹ CITIC-GEM Fund (China International Trust & Investment Company), MENA Small & Medium Enterprise Fund (Middle East & North Africa), Kinderhook Industries, GEM Global Yield Fund, GEM India Advisors và GEM Brazil PE Fund.

Cũng theo giới thiệu về GEM, từ khi thành lập vào năm 1991, GEM đã thực hiện 305 thương vụ đầu tư tại 65 quốc gia.

Cho đến nay, GEM đã công bố đầu tư vào 4 doanh nghiệp tại Việt Nam là CTCP Tập đoàn FLC (FLC), CTCP Tập đoàn Hoàng Huy (HHS), CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) và CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Trong đó, chỉ cổ phiếu DLG là được GEM mua vào tương đối lớn, song vẫn cách khá xa so với số lượng đã cam kết với DLG.

Tin bài liên quan