Cổ đông cá nhân tránh bẫy chiếm dụng vốn góp

Cổ đông cá nhân tránh bẫy chiếm dụng vốn góp

(ĐTCK) Vụ kiện thành công của một cổ đông sáng lập bị tước quyền tư cách thành viên, chiếm dụng tiền góp vốn cho thấy phương thức giải quyết bằng con đường tòa án là cần thiết khi nổ ra xung đột.

Tước quyền cổ đông

Theo bản án phúc thẩm ngày 2/6/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên D được thành lập năm 2012, vốn điều lệ 10 tỷ đồng với 8 thành viên góp vốn. Trong đó, Công ty Xuất nhập khẩu ĐN góp 8,3 tỷ đồng (chiếm 83% vốn điều lệ), ông Nguyễn Văn K góp 550 triệu đồng (chiếm 5,5% vốn điều lệ). Theo tỷ lệ góp vốn, ông K giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng thành viên.

Đầu năm 2014, Công ty có chủ trương tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 16 tỷ đồng. Mục đích thực hiện dự án mở rộng nhà kho, phân xưởng sản xuất tại đường số 9 Khu công nghiệp Hòa Cầm. Tại phương án tăng vốn, Công ty quy định thành viên phải mua cổ phần của Công ty Xuất nhập khẩu ĐN. Cụ thể, cứ 1 cổ phần của cổ đông Công ty xuất nhập khẩu ĐN được góp vốn vào Công ty D là 5.000 đồng.

Ông K đã mua 97.500 cổ phần của 74 cổ đông với số tiền 487,5 triệu đồng. Cộng với số lượng cổ phần cũ (8.100 cổ phần), ông K sở hữu 105.600 cổ phần của Công ty Xuất nhập khẩu ĐN. Quy đổi ra, ông K được quyền góp thêm 528 triệu đồng vào Công ty D. Trong các ngày 28-29/4/2016, ông K góp tổng cộng 313 triệu đồng nhưng không được Công ty cấp giấy chứng nhận số vốn góp này.

Đặc biệt, trong cuộc họp Hội đồng thành viên Công ty, ông K không được mời dự họp. Cuộc họp này đã thống nhất giảm vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng xuống 2,9 tỷ đồng; giảm số lượng thành viên từ 8 xuống còn 2 thành viên. Ngày 4/9/2014, công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

Ngày 22/10/2014, Công ty tiếp tục tổ chức họp Hội đồng thành viên. Công ty Xuất nhập khẩu ĐN nhận chuyển nhượng nốt phần vốn góp của một cổ đông cá nhân. Do đó, công ty chuyển loại hình hoạt động thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Đáng nói là, ông K không rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn. Điều này đồng nghĩa là từ ngày 4/9/2014, ông K đã bị tước tư cách thành viên công ty. Cho rằng phần vốn góp bị chiếm đoạt, cổ đông này khởi kiện vụ việc ra tòa án, buộc công ty phải hoàn trả hơn 1 tỷ đồng.

Mặt khác, Công ty Xuất nhập khẩu ĐN đã làm ăn thua lỗ trong nhiều năm. Giai đoạn 2009 - 2014, Công ty đã mất toàn bộ vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính quý II/2014, Công ty vay và nợ vay ngắn hạn là 92,2 tỷ đồng; lỗ 62,4 tỷ đồng. Theo phương án tăng vốn của Công ty D, ông K bị thiệt hại số tiền 487,5 triệu đồng.

Khi chuyển đổi mô hình, Công ty D đã yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và dịch vụ tin học TP. HCM kiểm toán tài chính 8 tháng (từ ngày 1/1/2014 - 31/9/2014). Kết quả kiểm toán thể hiện, số dư quỹ đầu tư phát triển là 1 tỷ đồng và số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 2,1 tỷ đồng. Do đó, ông K đề nghị phân chia số dư này cho 8 thành viên theo tỷ lệ vốn góp và phần của ông là 172 triệu đồng.

Bản án sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty phải trả lại cho cổ đông tổng số tiền là 1,9 tỷ đồng gồm tiền góp vốn, lãi chậm trả, bồi thường thiệt hại, tiền phân chia lợi nhuận. Không đồng tình bản án, Công ty D đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tranh cãi lãi phạt

Trong các nội dung kháng cáo, Công ty cho rằng, cấp sơ thẩm tính khoản lãi chậm trả theo lãi suất của Ngân hàng Nhà nước ở mức 9% là không có cơ sở. Tuy nhiên, quá trình xét xử, Công ty thừa nhận sử dụng số tiền ông K góp vốn đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Cấp phúc thẩm xác định số tiền này là khoản nợ của Công ty với ông K nên phải tính lãi.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao cũng nhận định, Khoản 4 Điều 60 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định rất rõ về quyền cổ đông góp vốn. Nhưng Công ty không cấp giấy chứng nhận vốn góp cho ông K, không mời ông K tham gia cuộc họp hội đồng thành viên. Việc giảm vốn của Công ty cũng trái với quy định tại khoản 3, Điều 60 Luật Doanh nghiệp 2005 và điều lệ công ty.

Ông K không chuyển nhượng vốn góp, không rút vốn nên đương nhiên còn là thành viên Công ty. Việc Công ty đăng ký kinh doanh lần thứ 2 vào ngày 4/9/2014 không có tên thành viên là ông K là tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu tài sản của cổ đông.

Mặt khác, Công ty biết rõ tình trạng Công ty Xuất nhập khẩu ĐN nhưng vẫn đưa ra quy định ràng buộc để ông K mua 97.500 cổ phần nhưng không ghi nhận phần vốn góp này. Do đó, ông K có quyền yêu cầu Công ty bồi thường thiệt hại.

Với căn cứ trên, tòa án quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần buộc Công ty phải hoàn trả hơn 1,9 tỷ đồng cho cổ đông.      

Tin bài liên quan