Trong năm 2008, dự báo triển vọng thị trường chứng khoán lẫn CPI đều tốt hơn năm 2007.

Trong năm 2008, dự báo triển vọng thị trường chứng khoán lẫn CPI đều tốt hơn năm 2007.

CK và chỉ số giá: Năm nay sẽ sáng hơn

Quan hệ giữa chỉ số giá (CPI) và thị trường chứng khoán là mối quan hệ phức tạp, hai chiều, vừa có tính trực tiếp, vừa có tính gián tiếp. Để độc giả có cách nhìn tổng quát hơn, chúng tôi xin giới thiếu đến các bạn bài viết của TS Nguyễn Minh Phong.

Trong năm 2008, dự báo triển vọng thị trường chứng khoán lẫn CPI đều tốt hơn năm 2007.

 

Tác động qua lại và một số khác biệt

 

Thông thường, giả định các nhân tố khác liên quan đến thị trường chứng khoán không đổi, nếu CPI ổn định ở mức 5% là điều kiện lý tưởng để thị trường chứng khoán hoạt động bình thường, còn khi CPI tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán qua bốn cơ chế:

 

1. CPI tăng sẽ trực tiếp làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với việc phải tăng lãi vay tín dụng, tăng lương và các chi phí đầu vào khác. Điều này làm giảm lợi nhuận kinh doanh và lợi tức cổ phiếu, các báo cáo tài chính kém sáng sủa và chứng khoán của các doanh nghiệp cũng trở nên kém hấp dẫn hơn...

 

2. CPI tăng sẽ làm tăng áp lực buộc Nhà nước phải thực hiện chính sách tín dụng thắt chặt, như giảm hạn mức tín dụng, tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản và lãi chiết khấu ngân hàng, các điều kiện tín dụng khác cũng ngặt nghèo hơn, khiến các nhà đầu tư chứng khoán tiếp cận nguồn tín dụng khó khăn và đắt đỏ hơn, vì vậy làm giảm đầu tư vào thị trường chứng khoán...

 

3. CPI tăng sẽ kéo theo việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn, thúc đẩy việc tăng tiền gửi tiết kiệm hoặc mua vàng để bảo toàn tiền vốn của nhà đầu tư, điều này cũng làm thu hẹp dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán...

 

4. CPI tăng có thể còn gây hai tác dụng trái chiều khác là: tăng bán ra các chứng khoán “xấu” để rút vốn khỏi thị trường chứng khoán và tăng mua vào những chứng khoán “tốt” để tránh lạm phát.

 

Xu hướng bán tháo chứng khoán thường xảy ra khi trên thị trường chứng khoán có nhiều chứng khoán chất lượng thấp và điều này làm giảm sút lòng tin của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, vốn mỏng...

 

Lạm phát của Việt Nam 2007 đã ở mức kỷ lục 12,63% và ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam theo cả bốn cơ chế tác động nêu trên, nghĩa là về cơ bản sẽ làm giảm sự sôi động mua - bán trên thị trường này.

 

Tuy nhiên, có hai điểm đáng chú ý riêng có của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay khiến các cơ chế tác động nêu trên không hoàn toàn đầy đủ và đúng về mặt logic.

 

Một mặt, dường như các nhà đầu tư không chịu tác động nhiều lắm của các báo cáo tài chính chính thức của các doanh nghiệp và tổ chức niêm yết hoặc chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

 

Đây là hiện tượng không bình thường, mà nguyên nhân có thể từ hai phía, hoặc do chất lượng báo cáo tài chính và uy tín thực tế của doanh nghiệp chưa cao; tâm lý đầu tư ngắn hạn hoặc theo đám đông còn đậm; hoặc do lãi suất ngân hàng đang thực âm và lượng tiền trong dân còn lớn, khiến nhu cầu đầu tư chứng khoán vẫn khá nóng nếu xuất hiện các cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhất là trước tin đồn về các đợt IPO sắp tới của nhiều doanh nghiệp lớn.

 

Hơn nữa, ở Việt Nam lạm phát dường như đã ở đỉnh cao, trong khi thị trường chứng khoán lại đang ở đáy cơn sốt lạnh và đang trên đà hồi phục, dù chưa vững chắc.

 

Triển vọng trong năm 2008

 

Nói cách khác, trong giả định CPI không trở thành lạm phát phi mã hay siêu lạm phát kéo dài (tức từ trên 15% trở lên), thì thị trường chứng khoán vẫn chịu sự tương tác đồng thời và khá cân bằng bởi cả hai luồng sức ép nhiều chiều trên.Vì vậy, thị trường chứng khoán không hoàn toàn đóng băng, hay đổ vỡ, nhưng cũng khó sốt cao hoặc bán tháo như đã từng có vừa qua.

 

Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước tăng cường sử dụng các công cụ nghiệp vụ để hút tiền về, thì thị trường chứng khoán có bị tác động nhiều không?

 

Như trên đã phân tích, nếu thị trường tín dụng bị thắt chặt thì chắc chắn sẽ gây sức ép kiềm chế chung sự sôi động thị trường chứng khoán, nhất là đối với các nhà đầu tư dùng vốn vay ngân hàng để đầu tư chứng khoán. Trên thực tế, mức tác động của việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền về ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán còn tùy thuộc vào các công cụ nghiệp vụ mà Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng.

 

Nếu Ngân hàng Nhà nước tích cực dùng nghiệp vụ thị trường mở, nhất là tăng lãi suất cơ bản và lãi suất chiết khấu, tăng mức dự trữ bắt buộc, giảm hạn mức tín dụng ngân hàng... thì sẽ làm giảm lượng tiền trong lưu thông và giảm dòng đầu tư chứng khoán. Khi đó thị trường chứng khoán sẽ bị kiềm tỏa, lạnh hơn.

 

Còn nếu việc hút tiền của Ngân hàng Nhà nước chỉ dừng lại ở việc tăng phát hành các chứng khoán ngân hàng và trái phiếu chính phủ khác thì không gây ảnh hưởng kiềm tỏa, mà thậm chí còn tạo xung lực mới làm nóng thị trường chứng khoán hơn (vì cho đến nay giới đầu tư vẫn coi các chứng khoán do Nhà nước phát hành là hàng tốt, lãi suất hấp dẫn, an toàn và có tính thanh khoản cao...).

 

Ngoài ra, nếu loại trừ các nhân tố từ bên ngoài như xu hướng tăng lạm phát, giảm tốc độ tăng trưởng GDP và một số bất ổn về kinh tế xã hội ở nhiều nước trong khu vực... thì triển vọng thị trường chứng khoán và CPI Việt Nam 2008 về cơ bản sẽ tốt hơn năm 2007 vì các lý do chủ yếu sau đây:

 

- Do mặt bằng giá cả trong nước và giá chứng khoán mới đã được hình thành, dần đi vào ổn định sau một thời gian điều chỉnh.

 

- Động lực và cơ hội phát triển kinh tế của Việt Nam , nhất là nhu cầu và nguồn vốn đầu tư phát triển còn dồi dào cả vốn trong nước và vốn nước ngoài, sẽ tạo thuận lợi chung cả về nhận thức, tâm lý và thực tiễn hành động cho các bên có liên quan. Năm 2008 và thời gian tới sẽ có nhiều đợt IPO mới hấp dẫn giới đầu tư và giúp phát triển thị trường chứng khoán.

 

- Kinh nghiệm quản lý và cơ chế thị trường của Việt Nam sẽ tốt hơn nhờ quyết tâm của cơ quan quản lý và yêu cầu của thị trường. Cạnh tranh thị trường sẽ đầy đủ và lành mạnh hơn.