Ngay từ đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch "nâng cấp" sàn niêm yết cổ phiếu

Ngay từ đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch "nâng cấp" sàn niêm yết cổ phiếu

Chuyển sàn có làm nóng giá cổ phiếu?

(ĐTCK) Nếu năm 2016 chỉ có 3 doanh nghiệp thực hiện chuyển sàn từ UPCoM lên niêm yết, thì sang năm 2017, không khí chuyển sàn nóng lên với 2 cái tên rời UPCoM lên niêm yết là Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực 3 (PIC) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN). Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đang tính tới việc bước lên các sàn cao hơn.

Nóng việc chuyển sàn

Thông tin được nhà đầu tư quan tâm trên thị trường UPCoM hiện nay liên quan đến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã cổ phiếu ACV) là việc Aeroports de Paris dự kiến sẽ được chấp thuận mua lại 20% cổ phần tại đây và ACV sẽ chuyển sàn sang niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vào cuối năm 2017.

Với việc Bộ Giao thông Vận tải nắm 95,4% tại ACV, giao dịch của mã này trên UPCoM khá nhỏ giọt (vài chục nghìn cổ phiếu/phiên), nhưng hiện trạng này được kỳ vọng sẽ thay đổi nếu ACV “giải tỏa” bớt khối sở hữu của cổ đông Nhà nước và chuyển lên sàn giao dịch tương xứng với tầm vóc của doanh nghiệp lớn như ACV.

Cùng với ACV, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Vinataba (VTJ) là cái tên triển vọng sẽ chuyển sàn niêm yết trong thời gian tới, khi từ cuối năm 2016, Công ty đã nộp hồ sơ niêm yết 11,4 triệu cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX). Dù chưa có thông tin chính thức, HĐQT VTJ dự kiến hoàn tất việc niêm yết ngay trong quý I/2017. Công ty lên UPCoM từ tháng 12/2014 và có thanh khoản ở mức trung bình, với giá cổ phiếu hiện ở mức trên 12.000 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn – mã SSN - một trong các cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất trên sàn UPCoM hiện tại, cũng rục rịch chuyển niêm yết trong nửa đầu năm nay. Theo ông Vũ Cao Trung, Chủ tịch HĐQT SSN, Công ty đang tiến hành các thủ tục để chuyển sàn sang HOSE và dự kiến hoàn thành trong quý II/2017.

SSN là một doanh nghiệp ngành thủy sản, nhưng hiện đã chuyển hướng tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là lý do giúp SSN được chú ý thời gian gần đây. Năm qua, SNN ghi nhận lợi nhuận đột biến (hơn 250 tỷ đồng) nhờ thu nhập từ đánh giá lại tài sản góp vốn là mảnh đất rộng gần 8.000 m2 tại TP.HCM.

Một doanh nghiệp khác có động thái chuẩn bị cho kế hoạch chuyển từ UPCoM lên niêm yết là Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh (NAP). Doanh nghiệp này đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trên sàn UPCoM, NAP hiện gần như không có thanh khoản. Năm 2016, Công ty đạt 164 tỷ đồng doanh thu và 19,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 21,6% và 56% so với năm 2015.

Ngoài mấy doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần Thủy điện Gia Lai (GHC) và Công ty cổ phần Phân phối Topone (TOP) đều từng công bố kế hoạch niêm yết, nhưng không thể thực hiện. Trong các động thái mới nhất, GHC và TOP được các cổ đông chờ đợi sẽ biến “lời hứa” thành sự thực.

Cụ thể, tháng 12/2016, TOP công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường thông qua việc hủy đăng ký giao dịch tại UPCoM và thực hiện niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Tại ĐHCĐ 2017 mới đây, Công ty chưa công bố các thông tin thêm về hoạt động này, nhưng đặt ra mục tiêu tổng doanh thu đạt 110 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 11,5 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng gần 24%, cổ tức 4,5%.

Trong khi đó, GHC đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 20,5 triệu cổ phiếu trên HOSE, tương ứng vốn điều lệ 205 tỷ đồng. Thực tế, chủ trương niêm yết đã liên tục được đề cập tại ĐHCĐ của công ty này từ năm 2014 đến nay, nhưng hiện tại GHC vẫn “giậm chân” trên UPCoM.

Lên niêm yết có cải thiện được giá cổ phiếu?

Từ đầu năm 2017 đến nay, có 2 cái tên chuyển từ UPCoM lên niêm yết là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN) và Công ty cổ phần Đầu tư Điện lực 3 (PIC). Cả BHN và PIC, sau khi chuyển lên HOSE và HNX đều ghi nhận giao dịch không mấy sôi động. Đặc biệt, giá BHN giảm mạnh từ mức chào sàn 127.600 đồng/cổ phiếu xuống 104.000 đồng /cổ phiếu (chốt phiên ngày 6/3).

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Hùng, người sở hữu 10.000 cổ phiếu BHN chia sẻ, ông cảm thấy bị mất mát khi giá trị danh mục bị suy giảm đáng kể, bắt đầu từ khi BHN chuyển sàn. Lúc đầu, ông cứ nghĩ rằng, lên sàn niêm yết, BHN sẽ được định giá tốt hơn sàn UPCoM, nên đã quyết định giữ lại mã này trong danh mục. Tuy nhiên, thực tế không như ông nghĩ.

Doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn lớn hơn, cổ phiếu của doanh nghiệp phải chịu sức ép cạnh tranh thu hút vốn lớn hơn, nên đã giảm giá. Không riêng BHN, một số cổ phiếu chuyển từ HNX lên HOSE, chẳng hạn AAA, cũng chịu chung thực trạng giảm giá, chứ không phải tăng giá như mong đợi của cổ đông.

Hiện tại, sàn HOSE có quy mô vốn hóa chiếm gần 90% vốn hóa toàn TTCK Việt Nam, với thanh khoản khoảng 3.000 tỷ đồng/phiên. Theo nhiều ý kiến, động thái doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch có tiêu chuẩn cao hơn là rất đáng khuyến khích, xét trên ý thức tuân thủ chuẩn mực minh bạch. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp và các cổ đông cần cân nhắc đến yếu tố: doanh nghiệp có thể là “sao” trên sàn thấp, nhưng khi lên sàn cao hơn, có thể sẽ dễ dàng bị quên lãng khi đứng bên cạnh nhiều “sao” sáng hơn mình.   

Tin bài liên quan