Nữ lãnh đạo UBCK, HOSE cùng một số DN lớn hội ngộ khai trương phiên giao dịch đầu năm Bính Thân với niềm tin TTCK Việt Nam sẽ phát triển

Nữ lãnh đạo UBCK, HOSE cùng một số DN lớn hội ngộ khai trương phiên giao dịch đầu năm Bính Thân với niềm tin TTCK Việt Nam sẽ phát triển

Chứng khoán Việt Nam: điểm sáng đặc biệt

(ĐTCK) Trong tuần TTCK Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán, NĐT nhiều nơi trên thế giới bán tháo cổ phiếu, từ “khủng hoảng” liên tục được nhắc đến. NĐT đang lo sợ điều gì và triển vọng của TTCK thế giới cũng như Việt Nam như thế nào?

Nỗi sợ hãi trên TTCK toàn cầu

Diễn biến bán tháo trên TTCK toàn cầu vừa qua khiến nhiều người liên tưởng đến cuộc khủng hoảng năm 2008, 1997, thậm chí là 1930. Nguyên nhân nào dẫn đến nỗi lo sợ của thị trường? Có 3 vấn đề nổi lên trong lúc này, đó là: kinh tế Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giá nguyên liệu (dầu thô).

Trong đó, Trung Quốc là tác nhân quan trọng nhất, đang có ảnh hưởng lớn nhất. Những năm trước đây, Mỹ luôn đóng vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt kinh tế thế giới. Nhưng tình hình đã thay đổi. Với sự lớn mạnh của Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới này đã làm mờ đi vai trò của kinh tế Mỹ. Bây giờ, chỉ cần chứng khoán Trung Quốc “hắt hơi”, đồng Nhân dân tệ biến động là nhiều TTCK thế giới lao đao. Điều này cũng là hợp lý trong bối cảnh thế giới đa cực.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần lưu tâm ở đây. Một là, liệu kinh tế Trung Quốc có “hạ cánh cứng” hay không (nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó suy thoái)? Đương nhiên, đây là điều bản thân Trung Quốc không muốn xảy ra, cũng như cả thế giới đều không trông chờ. “Hạ cánh cứng” sẽ xóa bỏ những nỗ lực của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Cho dù Chính phủ Trung Quốc thường áp dụng những chính sách “khó hiểu”, nhưng nhìn về đại cục, xác suất xảy ra đổ vỡ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này là rất thấp.

Hai là, liệu Trung Quốc còn giữ được sự ảnh hưởng mạnh như hiện nay hay không? Thực tế, Trung Quốc là nước lớn, có tham vọng, có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua, nhưng xét về bề dày lịch sử, xét về văn hóa, kinh tế nước này rất khó giữ vị trí “tối thượng” như hiện tại. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, thậm chí cả nước Nga, là những nhân tố có thể làm cân bằng cán cân này. Khi những vấn đề của Trung Quốc không trở thành “quốc tế hóa”, thì sự ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và chứng khoán toàn cầu sẽ không còn quá lớn.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn là bài toán Trung Quốc với sự giảm tốc của nền kinh tế. Với tài nguyên là nguồn lực lao động dồi dào, kinh tế Trung Quốc đã dẫn dắt cả thế giới tăng trưởng tốt trong gần 1 thập niên qua. Khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, có vẻ nhiều NĐT đã không kịp thích ứng. Thực ra, tăng trưởng chậm lại vẫn là tăng trưởng, khác hẳn với suy thoái. Có thể, quá trình giảm tốc này sẽ còn kéo dài, nhưng đó không thể là khủng hoảng.

Yếu tố mang tính “kỳ lạ” khiến NĐT lo ngại là giá nguyên liệu, chủ yếu là dầu thô. Giá dầu thô giảm mạnh có nhiều nguyên nhân, có thể bắt nguồn từ các cuộc tranh đấu chính trị, từ nhu cầu giảm sút do kinh tế tăng trưởng chậm, hay do công nghệ khai thác dầu mới… Thế nhưng, dù bất kỳ lý do nào, giá dầu thô sụt giảm cũng không đồng nghĩa với kinh tế thế giới sụp đổ. Trong ngắn hạn, giá dầu giảm có thể gây ra những hệ lụy nhất định trong một số ngành công nghiệp, nhưng cơ hội lại mở ra ở các hướng khác. Mặt khác, giá dầu ở mức thấp, nhân loại sẽ có nhiều sáng kiến trong việc sử dụng sản phẩm quan trọng này.

Phân tích 3 tác nhân quan trọng nhất kể trên, chúng ta có thể thấy nỗi lo sợ của thị trường đến từ đâu. Cho dù những mối lo này không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, nhưng có lẽ quan điểm “gấu lên ngôi thống trị” (thị trường giảm giá) là vội vàng.

Hai nhiệm vụ lớn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giao cho ngành chứng khoán năm 2016 khi ông đến khai trương giao dịch đầu Xuân Bính Thân tại HNX là xây dựng TTCK phái sinh và thị trường trái phiếu doanh nghiệp  

Việt Nam - điểm sáng đặc biệt

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều mảng tối, Việt Nam đang nổi lên là một điểm sáng.

Thứ nhất là sự ổn định chính trị. Đại hội Đảng lần thứ XII vừa kết thúc tốt đẹp là sự khẳng định với thế giới về tính ổn định của chính trị, kinh tế Việt Nam. Quan điểm xây dựng kinh tế thị trường mở đã làm an lòng giới đầu tư quốc tế.

Thứ hai là triển vọng tăng trưởng. Dù chúng ta đang là một trong những nước có tốc tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng dư địa vẫn còn. Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Cơ hội bơi ra biển lớn với nhiều DN Việt Nam đang hiện ra rõ ràng.

Thứ ba là sự tiến bộ của chính sách. Dù đâu đó vẫn có sự ca thán về tính chậm trễ của một số chính sách, nhưng nhìn chung, sự cải tổ là thấy rõ. Chính những chính sách mới, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đã trở thành “con đường trải thảm” cho dòng tiền nước ngoài. Những con số FDI, FII hay kiều hối kỷ lục cho thấy điều đó.

Nhìn chung, Việt Nam đang là địa chỉ đáng tin cậy trong mắt giới đầu tư quốc tế. Tuy còn nhiều DN có quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu sức đột phá, nhưng không ít DN đang trở nên lớn mạnh, lọt vào danh sách “những người khổng lồ” như VCB, CTG, VIC, Vietnam Airlines, MobiFone…

Cơ hội đầu tư

Tỷ phú George Soros có câu: “Trong kinh doanh, đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền”. Thực tế, rất nhiều NĐT, thậm chí chuyên gia, có cái nhìn tỉnh táo, quan điểm thể hiện sự thông thái. Thế nhưng, họ không đủ can đảm để hành động, không đủ kiên nhẫn để đi đến cùng trong sự “kiếm tiền”. Trong khi đó, cơ hội thường xuất hiện nhiều hơn khi đám đông hoảng loạn. Vậy nên nhìn nhận TTCK giai đoạn này như thế nào? Đâu là cơ hội?

Với những phân tích về tác động từ bên ngoài và bên trong nêu trên, chúng ta có thể tin tưởng rằng, “bóng ma” đại khủng hoảng, hay chu kỳ suy thoái, chỉ là nỗi sợ hãi bị phóng đại. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, không thể không cảnh giác với sự “dọa dẫm” này, “thị trường con gấu” có thể tiếp diễn. Vì vậy, trước khi nghĩ đến việc kiếm tiền, hãy làm sao đừng mất thêm tiền. Công cụ tài chính luôn giúp NĐT kiếm được tiền nhanh nhất, nhưng nó cũng có thể lấy đi tài sản của NĐT nhanh không kém. Chính vì vậy, trong lúc này, nên ưu tiên danh mục đầu tư dài hạn.

Chứng khoán Việt Nam có bước khởi đầu năm mới không thuận lợi, xuất phát điểm khá thấp, dòng tiền yếu, không có điểm nhấn và yếu tố “dẫn dắt”. Thế nhưng, nếu kéo chu kỳ đầu tư lên 1 năm, mọi thứ sẽ hoàn toàn khác. VN-Index khó có thể “thủng” ngưỡng hỗ trợ trung hạn 510 điểm. Dù thiếu các cổ phiếu trụ cột nâng đỡ, nhưng những mã lớn, ảnh hưởng đến chỉ số như GAS, VNM, FPT, VCB, VIC… khó có thể giảm giá mạnh. Đáng chú ý, nhiều DN đang được định giá ở mức thấp. Chỉ số P/E toàn thị trường khoảng 11 lần, một con số khá lý tưởng và không ít DN hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình đang được giao dịch với P/E = 8, P/B nhỏ hơn 1. Đây chính là cơ hội lớn.

Với cái nhìn dài hạn, chúng tôi đề cử 3 ngành đáng quan tâm đầu tư trong năm 2016. Đầu tiên là cảng biển và logistic, nhờ tác động tích cực từ TPP và lợi thế giá dầu thấp. Thứ hai là nhóm dầu khí. Ngoại trừ một vài DN như PVD, PVS có thể có độ trễ nhất định, thì giá dầu thấp đã phản ánh vào tình hình kinh doanh của hầu hết DN khác. Như vậy, nếu giá dầu cuối năm có diễn biến phục hồi, đây sẽ là nhóm ngành có tương lai rất sáng. Nhóm cuối cùng là các DN hàng đầu, có nền tảng cơ bản tốt như VNM, VCB, HPG, VIC…

Cho dù có những thách thức, nhưng năm 2016 này, TTCK sẽ mang lại nhiều cơ hội.

Tin bài liên quan