Chứng khoán tháng 5: Lực đỡ từ nhóm vốn hóa lớn

Chứng khoán tháng 5: Lực đỡ từ nhóm vốn hóa lớn

(ĐTCK) 9/10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay đã hoàn tất họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), hầu hết đều lạc quan về kế hoạch kinh doanh 2017. Dự báo, VN-Index sẽ có lực đỡ của nhóm vốn hóa lớn, giảm thiểu áp lực tâm lý “bán tháng 5”.

Đa số đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh

Mùa ĐHCĐ 2017 bước vào giai đoạn cuối cũng là lúc bức tranh kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp dần hoàn thiện. Trong Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất hiện nay, ngoại trừ Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) sẽ tổ chức họp ĐHCĐ ngày 5/5 thì 9 công ty còn lại đều đã hoàn tất kỳ họp này.

Thống kê kế hoạch kinh doanh của Top 10 cho thấy, có sự phân hóa mạnh trong các chỉ tiêu kinh doanh năm nay. Trong khi nhiều đơn vị đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng mạnh thì một số đơn vị khác khá dè dặt và thận trọng, nhất là đối với chỉ tiêu lợi nhuận.

Cụ thể, xét chỉ tiêu doanh thu, ngoại trừ 3 ngân hàng Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG) và BIDV (BID) không công bố con số cụ thể, 6/7 doanh nghiệp còn lại đều đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017.

Đơn vị có kế hoạch doanh thu cao nhất trên sàn chứng khoán năm nay thuộc về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX). PLX hiện đang nắm 50% thị phần kinh doanh xăng dầu cả nước và mới niêm yết trên sàn HOSE từ ngày 21/4. ĐHCĐ ngày 25/4 của PLX đã thông qua mục tiêu doanh thu 143.000 tỷ đồng năm 2017, tăng 16,34% so với năm 2016.

Xét về tăng trưởng, ROS giữ vị trí dẫn đầu trong kế hoạch 2017. Theo tài liệu mà Công ty công bố, doanh thu năm nay dự kiến tăng 50,77%. Năm ngoái, kết quả kinh doanh của ROS tăng trưởng cao, doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 264% và 305% so với năm 2015.

Chứng khoán tháng 5: Lực đỡ từ nhóm vốn hóa lớn ảnh 1

Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (VIC) - một trong những đơn vị luôn góp mặt trong Top doanh thu, lợi nhuận lớn nhất sàn, đặt kế hoạch đạt 80.000 tỷ đồng doanh thu năm 2017, tăng 38,7% so với năm 2016, giữ vị trí số 2 trong Top 10 cả về số tuyệt đối lẫn tỷ lệ tăng trưởng. Năm ngoái, VIC đạt mức tăng trưởng doanh thu 69%.

Tuy nhiên, xét về chỉ tiêu lợi nhuận, trong khi ROS dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 56,6% thì PLX đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 25,71%, VIC đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm 14,6% so với mức thực hiện năm 2016.

PLX hoạt động trong ngành bán lẻ xăng dầu, chịu sự quản lý, điều phối của Nhà nước cùng những diễn biến khó lường của giá dầu thế giới và tỷ giá được dự báo sẽ không thuận lợi như năm 2106 được cho là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp này thận trọng khi lên kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Công ty thứ 3 trong Top 10 đặt kế hoạch lợi nhuận giảm là Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), lợi nhuận năm 2017 dự kiến giảm 31,2% so với năm 2016. GAS cũng là doanh nghiệp duy nhất có kế hoạch doanh thu giảm (-13,23%).

Trước đó, trong bối cảnh khó khăn của ngành dầu khí, kết quả kinh doanh năm 2016 của GAS giảm mạnh so với năm 2015. Có lẽ, viễn cảnh chưa sáng của giá dầu khiến Ban lãnh đạo GAS chưa thể kỳ vọng hoạt động kinh doanh năm nay sẽ khởi sắc.

Doanh nghiệp có mức vốn hóa đứng đầu thị trường là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) tiếp tục cho thấy sự ổn định khi thông qua kế hoạch doanh thu năm nay ở mức 51.000 tỷ đồng, tăng 8,56%; lợi nhuận trước thuế ở mức 11.800 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2016.

Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) đạt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng lần lượt 15,3% và 21,8% so với năm 2016.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 0,21%. Đây cũng là mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận mà BID đặt ra cho năm 2017.

VN-Index tháng 5 sẽ có lực đỡ

Kết thúc tháng 4/2017, VN-Index tăng hơn 10% so với đầu năm, dòng tiền tham gia chủ động kích thích thanh khoản tăng mạnh và nhiều cổ phiếu bứt phá.

Tuy nhiên, chu kỳ “bán tháng 5” đang khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Theo thống kê từ năm 2006 đến năm 2016, giai đoạn tháng 5, VN-Index có 7 lần giảm điểm và 4 lần tăng điểm. Mặc dù số lượng đơn vị khảo sát khá ít (11 năm), nên độ tin cậy không cao như tại nhiều thị trường nước ngoài, nhưng ít nhiều cho thấy thị trường thường có diễn biến trầm lắng trong tháng 5.

Thực tế, bước sang tháng 5, thông tin có tác động đến thị trường ít dần, nhất là các thông tin hỗ trợ trở nên khan hiếm. “Vùng trống thông tin” khiến thị trường thiếu điểm tựa, vận động kém tích cực, khó tạo sự bứt phá. Trong khi đó, khi đạt được mức sinh lời nhất định, dòng tiền có xu hướng nghỉ ngơi, chốt lời để bảo vệ thành quả, chờ đợi nhịp điều chỉnh và chỉ mua trở lại khi nhận thấy thị trường chung đạt mức chiết khấu (giá cổ phiếu giảm) đáng kể.

Hiện nay, trên thị trường đang có một số thông tin đáng chú ý là dòng tiền giao dịch ký quỹ (margin) ở mức cao, tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng gây áp lực lên lãi suất trung hạn, căng thẳng chính trị trên thế giới, dòng tiền mới chảy vào thị trường cao hơn mọi năm nhưng vẫn chậm hơn tốc độ gia tăng lượng cung cổ phiếu, giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới như dầu mỏ, phân bón, cao su thiên nhiên có dấu hiệu suy giảm sau quãng thời gian hồi phục.

Đặc biệt, mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại trở nên kém hấp dẫn sau đợt tăng kéo dài trước đó. Từ đầu năm 2017 đến ngày 11/4/2017, VN-Index tăng từ vùng 660 điểm lên 730 điểm. Sau đó, chỉ số có nhịp điều chỉnh xuống dưới 710 điểm vào ngày 25/4, gần đây có diễn biến tăng lên gần 720 điểm.

Trên đây là những yếu tố có thể khiến thị trường tái diễn nhịp điều chỉnh.

Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh quý I/2017 của nhiều doanh nghiệp ghi nhận đà tăng trưởng tốt, nhất là nhóm cơ bản, vốn hóa lớn đã có tác động tích cực lên thị trường. Chẳng hạn, VCB đạt 2.736 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20%; CTG đạt 2.544 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5,8%; BID đạt 2.277 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.848 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trên 9% so với cùng kỳ 2016. Kỳ vọng, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được duy trì trong những quý tiếp theo.

Bên cạnh đó, động thái mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng giúp không ít cổ phiếu tăng giá. Chẳng hạn, khối ngoại mua ròng gần 3.500 tỷ đồng cổ phiếu VNM trong 4 tháng đầu năm. Nhóm cổ phiếu mới niêm yết như SAB, ROS, PLX cũng ghi nhận lực mua mạnh và luôn nằm trong Top mua ròng của khối ngoại.

Mặt khác, mức tăng giá tại nhiều cổ phiếu cơ bản vẫn khá thấp trong thời gian qua nếu so với nhóm vốn hóa trung bình (midcap) và nhóm cổ phiếu nhỏ (penny). Do vậy, sau khi chốt lời tại nhóm đầu cơ, dòng tiền kỳ vọng luân chuyển qua nhóm cổ phiếu cơ bản, vừa nhằm phòng thủ, vừa tìm kiếm cơ hội sinh lời mới. Dự báo, đây sẽ là lực đỡ cho VN-Index, giúp thị trường không giảm sâu.

Trong báo cáo nhận định thị trường quý II/2017, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận xét, VN-Index từng bước chinh phục những đỉnh cao mới với sự cải thiện rõ rệt của dòng tiền cùng tín hiệu đồng thuận tại nhiều phân lớp cổ phiếu cho thấy, cơ sở cho đợt tăng vừa qua tương đối vững. Nhiều yếu tố hỗ trợ được duy trì khiến xác suất xảy ra nhịp giảm sâu không cao. Trạng thái phân hóa mạnh sẽ khiến vai trò dẫn dắt được luân phiên đảm nhận bởi các nhóm cổ phiếu khác nhau.

Chứng khoán tháng 5: Lực đỡ từ nhóm vốn hóa lớn ảnh 2

10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất hiện chiếm 55% vốn hóa sàn HOSE, biến động tại nhóm này có ảnh hưởng mạnh đến xu hướng của VN-Index nói riêng và thị trường nói chung. Với sự lạc quan chiếm ưu thế trong kế hoạch kinh doanh 2017 và kết quả kinh doanh quý I khả quan, nhóm doanh nghiệp lớn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ VN-Index vượt qua giai đoạn điều chỉnh.

Hiện mức độ phân hóa trong diễn biến giá cổ phiếu rất cao. Trong giai đoạn chỉ số chung tăng điểm, không ít cổ phiếu liên tục giảm giá và ngược lại. Do vậy, bên cạnh xu hướng chung của toàn thị trường thì lựa chọn doanh nghiệp và chiến lược phù hợp là yếu tố quan trọng trong việc đem lại hiệu quả cho danh mục đầu tư.

Tin bài liên quan