Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chứng khoán Phú Hưng thua kiện: Nhà đầu tư cần biết tự bảo vệ mình

(ĐTCK) Đưa ra các ưu đãi “vượt rào” về cho vay ký quỹ và thực hiện bán giải chấp chứng khoán, mà theo phản ánh của nhà đầu tư là chưa thỏa đáng, gây thiệt hại nghiêm trọng tới quyền lợi của nhà đầu tư, là hành động đang khiến Công ty chứng khoán Phú Hưng bị “gậy ông đập lưng ông”.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) vừa công bố thông tin về 2 bản án tranh chấp hợp đồng liên quan đến Công ty này.

Thứ nhất là tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa PHS và khách hàng. Theo đó, ngày 12/1 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. HCM đã quyết định PHS sẽ phải bồi thường cho khách hàng gần 6,13 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty còn chịu án phí kinh doanh thương mại hơn 114 triệu đồng và án phí kinh doanh thương mại 200.000 đồng. Trong khi đó, khách hàng chịu án phí kinh doanh thương mại hơn 26 triệu đồng. Với bản án này, Chứng khoán Phú Hưng sẽ nộp đơn kháng cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Vụ việc thứ hai liên quan đến việc xét xử tranh chấp hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ giữa PHS và khách hàng, Tòa án nhân dân TP. HCM đã ban hành bản án phúc phẩm, theo đó, PHS phải bồi thường cho khách hàng 1,9 tỷ đồng, chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 28,9 triệu đồng và chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 200.000 đồng.

Với kết quả kể trên, cùng nhìn lại vụ việc liên quan đến giao dịch ký quỹ tại PHS để nhà đầu tư trên thị trường phần nào rút ra được kinh nghiệm hữu ích cho mình.

Theo đơn phản ánh của nhà đầu tư, từ ngày 9/2/2015 đến thời điểm tranh chấp xảy ra, ông có giao dịch chứng khoán tại Công ty Phú Hưng theo hợp đồng Q7-M0274 đã được ký kết ngày 9/2/2015, tài khoản số 052637.

Theo thoả thuận trong hợp đồng, tại điều 7: Khi tỷ lệ ký quỹ xuống dưới tỷ lệ ký quỹ duy trì, nhà đầu tư có nghĩa vụ bổ sung tiền mặt, hoặc bán chứng khoán để đạt được tỷ lệ ký quỹ duy trì (“bán giải chấp”).

Trong hợp đồng không nêu cụ thể tỷ lệ ký quỹ duy trì mà tỷ lệ này được ông Đặng Minh Trầm, Trưởng phòng môi giới của Công ty thông báo bằng thư điện tử cho nhà đầu tư là 20% vào ngày 10/2/2015 theo chỉ đạo của Bà Phạm Thị Thu Nhàn, Trưởng Bộ phận Quản lý rủi ro của Công ty. (Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tỷ lệ ký quỹ duy trì là 30% - PV).

Vào ngày 7/5/2015, nhà đầu tư và ông Ngô Viết Quốc Anh, nhân viên môi giới của Phú Hưng đã làm việc với nhau về tình trạng tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản.

Lúc 14 giờ 23 phút ngày 7/5/2015, ông Ngô Viết Quốc Anh đã gửi thư điện tử cho Bộ phận Quản lý rủi ro của Công Ty với nội dung tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đã đạt tỷ lệ ký quỹ 20,6%.

Tiếp đến 14 giờ 30 phút cùng ngày, ông Ngô Viết Quốc Anh đã xác nhận với nhà đầu tư qua tin nhắn khẳng định tài khoản giao dịch của ông này đã đạt tỷ lệ ký quỹ 20%.

Vào lúc 15 giờ, nhà đầu tư gọi điện trao đổi với ông Trần Thành Nam, Trưởng Phòng Môi giới của Công Ty về thị trường, nhà đầu tư và được ông Nam thông báo rằng, bộ phận Quản lý rủi ro của Chứng khoán Phú Hưng đã tiến hành bán cổ phiếu NT2 từ tài khoản của nhà đầu tư vào lúc 14 giờ 40 phút.

Cụ thể, số cổ phiếu bán ra là 176.000 cổ phiếu; giá thị trường chứng khoán trước khi thực hiện lệnh bán là 24.900 đồng/cổ phiếu; giá bán từ mức giá sàn 22.500 đồng/cổ phiếu đến 24.800 đồng/cổ phiếu, trong đó hơn 50% là mức giá sàn 22.500 đồng/cổ phiếu; chênh lệch 10% so với giá thị trường ngay trước khi bán. Tổng giá trị khớp lệnh là 4.138.010.000 đồng. Số lượng này được khớp lệnh trong vòng 3 phút giao dịch gần cuối của phiên (từ 14 giờ 41 phút đến 14 giờ 44 phút).

Theo nhà đầu tư, đây là mức giá thấp nhất đã được giao dịch của cổ phiếu NT2 trong thời gian từ tháng 1/2015 đến thời điểm tranh chấp và giao dịch này của Phú Hưng đã không được thông báo cho nhà đầu tư trước khi thực hiện. Điều này đã trái với Quyết Định số 637/QĐ-UBCK ngày 30/08/2011 của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (Điều 19, Mục 1, Khoản a - nếu tài khoản rơi vào tình trạng giải chấp: “Trước khi thực hiện lệnh bán giải chấp chứng khoán ký quỹ, công ty chứng khoán có trách nhiệm thông báo cho khách hàng).

Chứng khoán Phú Hưng thua kiện: Nhà đầu tư cần biết tự bảo vệ mình ảnh 1

Ngày 7/5/2015, nhà đầutư đến trụ sở Phú Hưng để làm việc với 4 đại diện của Công ty về việc PHS đã tự động bán cổ phiếu nhưng không thông báo cho ông. Đại diện của Công Ty đồng ý sẽ mua đủ số lượng chứng khoán mà PHS đã tự ý thực hiện lệnh bán trong ngày 7/5/2015 và cam kết sẽ hoàn thành trong ngày kế tiếp, tức ngày 8/5/2015 để bồi thường cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vào ngày 8/5/2015, Công ty đã không thực hiện việc mua cổ phiếu để bồi thường cho nhà đầu tư như thoả thuận. Nhà đầu tư đã đến làm việc với Phú Hưng lần 2 ngày 8/5/2015 nhưng không nhận được bất cứ cam kết rõ ràng nào từ phía Công ty, chưa kể PHS từ chối việc đưa ra biên bản làm việc cho nội dung cuộc họp ngày 7/5/2015 và ngày 8/5/2015.

Ngày 10/5/2015 (tức ngày Chủ Nhật), Phú Hưng gửi thư điện tử cho nhà đầu tư một công thức tính tỷ lệ ký quỹ đã được ông Chen Chia Ken, Tổng giám đốc ký ngày 6/4/2015, mà cách tính khác với định nghĩa trong hợp đồng.

Ngay ngày hôm sau, 11/5/2015, nhà đầu tư đã phản hồi với nội dung không đồng ý với cách tính này, vì đây là cách tính sai so với quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo đó, cách tính tỷ lệ ký quỹ mới dẫn đến việc tài khoản của nhà đầu tư bị đưa vào tình trạng giải chấp, vì mục đích cố tình hợp thức hóa việc làm sai quy định của Chứng khoán Phú Hưng khi đã bán cổ phiếu của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cho rằng, đây là hành vi cấu kết có tổ chức giữa các cá nhân và lãnh đạo của PHS nhằm che đậy sai phạm.

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, vụ việc này đã được nhà đầu tư phản ánh tới Thanh tra Ủy ban Chứng khoán và cả cơ quan công an điều tra. Vụ việc sau đó được nhà đầu tư khởi kiện ra tòa. Với những bằng chứng rõ ràng từ bên nguyên, Công ty Chứng khoán Phú Hưng đã thua kiện.

Một trong những lý do khiến giá trị mà Phú Hưng phải bồi thường cho khách hàng cao hơn rất nhiều giá trị thiệt hại mà nhà đầu tư tính toán ở trên là do giá cổ phiếu NT2 đã tăng mạnh sau thời điểm xảy ra tranh chấp giữa hai bên.        

Thanh kiểm tra về hoạt động cho vay ký quỹ của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) theo đơn thư của nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã phát hiện nhiều sai phạm của công ty chứng khoán này.

Không chỉ bị phạt tiền 150 triệu đồng do vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán, PHS còn bị “treo” nghiệp vụ cho vay ký quỹ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 15/11/2015. Công ty phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán về tài khoản đang thực hiện giao dịch ký quỹ, dư nợ giao dịch ký quỹ trước khi ngừng ký hợp đồng mới.

Theo tài liệu mà nhà đầu tư cung cấp, PHS đã vi phạm cả về tỷ lệ cho vay ký quỹ, tỷ lệ duy trì tài khoản và danh mục cổ phiếu được phép margin. Đơn cử, Phú Hưng áp dụng chính sách vay ký quỹ với tỷ lệ ký quỹ là 30% (có 30% được vay 70%).

Trong khi theo Quyết định số 09/QĐ-UBCK về việc sửa đổi một số điều Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán, tỷ lệ ký quỹ ban đầu do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 50% (khách hàng có ít nhất 50%, công ty chứng khoán được cho vay tối đa là 50%).

Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán, tỷ lệ ký quỹ duy trì do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 30%. Công ty Phú Hưng đã vi phạm quy định khi áp dụng tỷ lệ ký quỹ duy trì là 20%. Đồng thời, việc PHS đưa cả cổ phiếu đang giao dịch trên sàn UPCoM (thời điểm xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư, NT2 đang giao dịch trên UPCoM) vào cho vay ký quỹ là sai quy định.

Tin bài liên quan