Chứng khoán phái sinh: Vững kiến thức mới “chơi” được

Chứng khoán phái sinh: Vững kiến thức mới “chơi” được

(ĐTCK) Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, một hợp đồng tương lai đối với chỉ số VN30 dự kiến có mức yêu cầu ký quỹ tối thiểu 40-50 triệu đồng. Ngoài vấn đề về tiền, nhà đầu tư cần có kiến thức vững mới nên tham gia thị trường này.

Hàn Quốc: phạt CTCK không đào tạo phái sinh cho nhà đầu tư

Tại hội thảo “Triển khai sản phẩm phái sinh ở Việt Nam - thách thức và chính sách” do Trường đại học Kinh tế TP. HCM tổ chức cuối tuần qua, câu chuyện làm cách nào để nhà đầu tư đại chúng sớm gia nhập vào TTCK phái sinh (dự kiến khai trương giữa năm 2017) là một trong những chủ điểm chính được bàn thảo. Các học giả nhận định, công tác đào tạo là mấu chốt trong việc thúc đẩy nhận thức của nhà đầu tư về TTCK phái sinh.

Khi chưa nắm rõ bản chất thị trường, nhà đầu tư đại chúng hoặc không quan tâm, hoặc có quan điểm coi phái sinh như một sòng bạc.

Theo thông lệ tại các thị trường, nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư phải được bồi dưỡng và phổ cập kiến thức về chứng khoán phái sinh trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, khi một nhà đầu tư tham gia ký hợp đồng chứng khoán phái sinh mà không được công ty chứng khoán đào tạo, phổ cập kiến thức tối thiếu 50 giờ thì công ty chứng khoán sẽ bị xử phạt, vì chưa trang bị đủ kiến thức cho nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, vấn đề phổ cập kiến thức phái sinh cho nhà đầu tư cũng đang được một số công ty chứng khoán coi trọng. Ông Giang cho biết, riêng HSC đã phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức 2 lớp phổ biến kiến thức về chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư, tổ chức đào tạo nội bộ cho hơn 250 môi giới, từ đó đội ngũ này sẽ giải thích cho khách hàng của họ. Tuy nhiên, TTCK hiện có 1,6 triệu tài khoản được mở và gần 80 công ty chứng khoán đang hoạt động, quản lý số tài khoản này.

Ngoài một số CTCK lớn như SSI, HSC, BVSC, MBS… có động thái thực hiện đào tạo cho nhân viên, cho nhà đầu tư về chứng khoán phái sinh, còn rất nhiều khoảng trống kiến thức, kinh nghiệm ở các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư khác.

Thực tế, khi chưa nắm rõ bản chất thị trường, nhà đầu tư đại chúng hoặc không quan tâm, hoặc có quan điểm coi phái sinh như một sòng bạc. Bình luận về vấn đề này tại Hội thảo, ông Giang cho rằng, về bản chất, chứng khoán phái sinh không phải là một sòng bạc, thị trường này nếu có đủ độ rộng và độ sâu thì sẽ song hành cùng sự phát triển của nền kinh tế, góp phần không nhỏ vào việc phân bổ vốn.

Cũng theo ông Giang, suy nghĩ về những giá trị của TTCK phái sinh sẽ mang lại cho nền kinh tế khi đủ lớn đã thôi thúc HSC tham gia vào việc tạo lập thị trường vào những bước đầu, dù đây là thị trường rất mới, rất khó, đòi hỏi đầu tư bài bản cả về nhân lực và tài chính. 

“Bàn tay” Nhà nước rất quan trọng

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, GS.TS Trần Ngọc Thơ cho rằng, để xây dựng và duy trì TTCK phái sinh chuẩn mực, sự can thiệp của Nhà nước là rất quan trọng. Điểm khó khăn là can thiệp mức độ thế nào là phù hợp, bởi nếu quy định quá chặt thì sẽ dẫn đến sự yếu ớt của thị trường, thậm chí “chết non”, nhưng nếu quá lỏng, rủi ro sẽ chồng chất rủi ro trên thị trường mới.

Là thị trường giao dịch của những công cụ phòng ngừa rủi ro, TTCK phái sinh cần có sự quản lý vững vàng mới có thể đạt được lợi ích cao hơn thách thức, rủi ro phải gánh chịu.

Ở góc nhìn của công ty chứng khoán, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC cho rằng, hiện nay, nhà đầu tư đại chúng trên thị trường chứng khoán chủ yếu là đầu cơ, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của thị trường phái sinh non trẻ. Khả năng chi phối chỉ số hiện nay không quá khó, nhiều cổ phiếu có mức giá rất phi lý vẫn diễn ra hàng ngày trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, nếu cứ nhìn vào những mặt tiêu cực, thì không biết bao giờ chúng ta mới dám dấn thân xây thị trường mới. “Vì vậy, cách làm phù hợp là vừa triển khai, vừa học và thận trọng trong từng bước thực hiện, để đi đến thành công”, ông Tuấn nói.

Theo các chuyên gia, TTCK phái sinh của Thái Lan bắt đầu hoạt động từ năm 2006 với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai (HĐTL) trên chỉ số. Giao dịch bình quân 1.200 HĐTL/ngày đã tăng lên khoảng 279.000 HĐTL/ngày vào năm 2016, đạt mức tăng trung bình 70%/năm.

Đến nay, Thái Lan đã triển khai các sản phẩm phức tạp hơn, dựa trên hàng hóa cơ bản. Sự phát triển của TTCK phái sinh Thái Lan cho thấy, không gian cho TTCK phái sinh Việt Nam rất rộng mở. Tuy nhiên, việc triển khai phải có sự thận trọng ngay từ những bước đầu tiên, trên nền tảng kiến thức và sự hiểu biết chung của các thành viên tương lai sẽ tham gia thị trường.

Tin bài liên quan