Chứng khoán phái sinh tuần qua: Bất ngờ phiên cuối tuần

Chứng khoán phái sinh tuần qua: Bất ngờ phiên cuối tuần

(ĐTCK) Cuối tuần qua (3/11), VN30 bất ngờ tăng mạnh trong phiên chiều, khi một loạt cổ phiếu lớn chuyển từ sắc đỏ sang xanh. Theo đó, nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua chứng khoán phái sinh tiếp tục lãi. Bên nắm giữ vị thế bán thì thêm một tuần thua lỗ.

Trong phiên sáng 3/11, VN30 có diễn biến giằng co, thận trọng. Cụ thể, chỉ số mở cửa tăng rất nhẹ, sau đó tăng giảm nhẹ, đến khoảng 10h thì dần tăng cao, đạt hơn 838 điểm vào lúc 10h30, tức tăng hơn 5 điểm, nhưng đến 11h thì giảm dưới tham chiếu, thời điểm kết thúc phiên sáng tăng hơn 2 điểm.

Vậy nhưng, trong phiên chiều 3/11, VN30 liên tục tăng, với mức tăng hơn 10 điểm, nâng tổng mức tăng cả ngày lên 12,38 điểm, đóng cửa tại 840,04 điểm. Giá các mã chứng khoán phái sinh theo đó có diễn biến tăng cao, nhiều nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua tiếp tục thu lãi.

Chứng khoán phái sinh tuần qua: Bất ngờ phiên cuối tuần ảnh 1

 Diễn biến chỉ số VN30 trong 3 tháng qua.

Diễn biến tăng điểm trong phiên chiều là nhờ sự khởi sắc của nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn. Kết thúc phiên sáng, VN30 tăng nhẹ là nhờ ROS tăng giá mạnh, bởi trong nhóm cổ phiếu có tác động lớn nhất đến chỉ số,  VNM, VCB, BID, MSN giảm giá; PLX, VPB, HPG tăng giá; SAB, VIC, GAS đứng giá. Nếu ROS không tăng giá mạnh (+6,3%), mà đứng giá, VN30 chắc chắn sẽ giảm điểm.

Tuy nhiên, sang phiên chiều, nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn chuyển từ sắc đỏ (giảm giá) và vàng (đứng giá) sang xanh (tăng giá), hoặc giảm mức đỏ, một số mã đang xanh thì xanh hơn. Cụ thể, VCB, BID, MSN, CTG, MBB chuyển từ giảm sang tăng; SAB, VIC, GAS từ đứng giá sang giảm giá; VNM chỉ còn giảm 0,5% so với mức giảm 1,2% trong phiên sáng; ROS thì tăng thêm mức tăng.  

Thực tế, nhiều mã lớn đồng loạt tăng giá là diễn biến khả quan so với tình trạng kéo chỉ số của một vài mã riêng lẻ như nhiều phiên trước đó. Mặc dù vậy, VN30 tăng cao đã vượt xa mức dự đoán của nhiều nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán chứng khoán phái sinh.

“4 phiên đầu tuần có 2 phiên tăng giảm đan xen theo chiều hướng giảm. Tôi kỳ vọng phiên cuối tuần giảm điểm để đóng vị thế bán từ tuần trước đó, không ngờ giá lại tăng mạnh”, một nhà đầu tư nói.

Cụ thể, diễn biến VN30 từ đầu tuần như sau: Tăng 2,61 điểm, giảm 5,9 điểm, tăng 3,76 điểm, giảm 7,72 điểm, phiên cuối tuần tăng 12,38 điểm. So với cuối tuần trước đó, VN30 tăng 5,13 điểm.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, giá hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 11 (mã  VN30F1711) trong tuần qua tăng 7 điểm (tuần trước đó tăng 17,1 điểm); giá hợp đồng đáo hạn tháng 12 (mã  VN30F1712)  tăng 8 điểm (tuần trước đó tăng 10,4 điểm; giá hợp đồng đáo hạn tháng 3/2018 (mã  VN30F1803) tăng 9,2 điểm (tuần trước đó tăng 2 điểm); giá hợp đồng đáo hạn tháng 6/2018 (mã  VN30F1806) tăng 10,6 điểm (tuần trước đó tăng 4,3 điểm). 

Giá thanh toán cuối ngày của các mã chứng khoán phái sinh và VN30 

Ngày

VN30F1711

VN30F1712

VN30F1803

VN30F1806

VN30

27/10

831,0

832,0

832,0

833,0

834,91

30/10

836,2

838,1

839,1

839,1

837,52

31/10

831,9

837,0

838,6

838,0

831,62

1/11

835,8

838,9

839,6*

838,0

835,38

2/11

830,0

836,5

839,3

837,0

827,66

3/11

838,0

840,0

840,3*

843,6

840,04

Như vậy, những nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua tiếp tục thu lãi, những nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán tiếp tục thua lỗ.

“Bán ra thì xót (vì lỗ lớn), mà giữ thì lo lắng, trong bối cảnh một số cổ phiếu có tác động lớn đến chỉ số có biến động giá bất thường”, nhà đầu tư trên chia sẻ.

Theo nhà đầu tư này, ROS không phải là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất, nhưng có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số. Sau khi tăng mạnh từ 115.500 đồng/CP phiên 17/10 lên 209.700 đồng/CP phiên 30/10, cổ phiếu ROS có 4 phiên tăng giảm đan xen, với mức biến động giá gần như kịch khung (tăng trần, giảm sàn). Đáng chú ý là gần đây, trong từng phiên giao dịch, giá cổ phiếu này biến động mạnh, từ giảm sang tăng và ngược lại. Điểm ảnh hưởng của riêng mã ROS lên chỉ số khoảng 2 - 2,5 điểm mỗi phiên.

Đây là lý do khiến các nhà đầu tư chứng khoán phái sinh theo dõi sát sao diễn biến của các mã vốn hóa lớn để dự báo diễn biến chỉ số, từ đó đưa ra quyết định giao dịch.

Biến động mạnh của các mã này cũng như chỉ số và giá chứng khoán phái sinh trong từng phiên khiến không nhiều nhà đầu tư duy trì vị thế một mã chứng khoán phái sinh. Trung bình chỉ có 4.000 hợp đồng có hiệu lực vào thời điểm cuối mỗi phiên. Trong khi đó, tuần qua, có từ gần 16.000 đến trên 22.000 hợp đồng được chuyển nhượng mỗi phiên. Biến động giá mạnh trong phiên khiến nhiều nhà đầu tư bán ra nhằm cắt lỗ, mua vào nhằm hiện thực hóa lợi nhuận, cũng như thực hiện lướt sóng nhằm hưởng chênh lệch giá. 

Diễn biến giá hợp đồng đáo hạn tháng 11

Ngày

Cao nhất

Thấp nhất

Mở cửa

Đóng cửa

Khối lượng

27/10

831,0

819,1

822,3

831,0

18.567

30/10

839,8

831,0

834,0

836,2

15.450

31/10

837,4

830,5

834,2

831,9

19.633

1/11

835,8

830,3

830,5

835,8

15.611

2/11

839,8

830,0

836,5

830,0

22.192

3/11

838,0

828,2

828,7

838,0

20.823

 “Thị trường lại đang hừng hực khí thế. Liều ăn nhiều. Nhưng cần tiếp tục theo dõi sát sao các mã vốn hóa lớn”, môi giới tại một công ty chứng khoán nói.

Tuần qua, tổng cộng có gần 95.000 chứng khoán phái sinh được giao dịch, trị giá hơn 7.900 tỷ đồng, bình quân mỗi phiên có 18.940 hợp đồng, trị giá 1.580 tỷ đồng được chuyển nhượng, tăng 26,5% về lượng và tăng 29,3% về giá trị so với tuần trước đó (23 - 27/10). So với tuần trước đó nữa (16 - 20/10) thì khối lượng giao dịch tăng 125,5%, giá trị giao dịch tăng 130,2%. 

Khối lượng và giá trị giao dịch chứng khoán phái sinh 

Ngày

Khối lượng (hợp đồng)

Giá trị (tỷ đồng)

30/10

15.700

1.312,5

31/10

19.803

1.651,5

1/11

15.749

1.312,3

2/11

22.420

1.875,7

3/11

21.042

1.749,7

Theo nhà môi giới trên, đầu tư cổ phiếu, đặc biệt là đầu tư ngắn hạn, không dành cho phụ nữ mang thai và người yếu tim. Với chứng khoán phái sinh, đối tượng được khuyến nghị không nên tham gia là rất nhiều. Bởi lẽ, thị trường biến động mạnh, nếu đưa ra quyết định giao dịch sai, thì đòn bẩy tài chính lớn có thể thổi bay phần lớn giá trị tài khoản sau vài phiên.

“Tuy nhiên, không nên nghĩ xấu về thị trường này. Các nước khác cũng vậy thôi, số lượng nhà đầu cơ luôn áp đảo nên thị trường thường biến động mạnh. Có như vậy thì giao dịch mới sôi động, thanh khoản cao, qua đó nhà đầu tư mới mạnh dạn mua cổ phần, doanh nghiệp mới huy động được vốn”, vị môi giới nói.

Tin bài liên quan