Nhà đầu tư kiếm lãi trên TTCK phái sinh dựa trên kỳ vọng và dự đoán sự biến động của chỉ số VN30-Index

Nhà đầu tư kiếm lãi trên TTCK phái sinh dựa trên kỳ vọng và dự đoán sự biến động của chỉ số VN30-Index

Chứng khoán phái sinh: Thách thức nhất là sản phẩm

(ĐTCK) Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố hướng dẫn giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư. Theo đó, bước chân vào thị trường này không khó, chỉ cần mở 1 tiểu tài khoản bên cạnh tài khoản sẵn có, nhưng để giao dịch được và hứng thú với thị trường mới, đòi hỏi các bên phải cố gắng rất nhiều.

Thách thức nhất là sản phẩm

Ông Peter Kolz, Chuyên gia quốc tế về TTCK phái sinh cho rằng, sự quan tâm của nhà đầu tư đến sản phẩm phái sinh Việt Nam là thực tiễn, nhưng làm thế nào để thu hút họ tham gia là bài toán không dễ dàng.

Thực tế, TTCK Việt Nam dù có quy mô tăng nhanh kể từ năm 2015 đến nay, nhưng vẫn có đến 99% nhà đầu tư là các cá nhân.

Ông Peter cho rằng, sản phẩm muốn hữu dụng, phải làm sao hợp khẩu vị của không chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà của số đông nhà đầu tư trên thị trường. Câu chuyện sản phẩm là thách thức lớn nhất với TTCK phái sinh Việt Nam.

Sau hơn 2 năm xây dựng, HNX cho biết, sản phẩm đầu tiên được đưa vào giao dịch trên TTCK phái sinh là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index.

Cùng một lúc sẽ có 4 “tháng” hợp đồng cùng được giao dịch với chỉ số VN30-Index gồm hợp đồng tương lai cho tháng hiện tại; hợp đồng tương lai cho tháng kế tiếp; hợp đồng tương lai cho tháng cuối quý gần nhất và hợp đồng tương lai cuối quý tiếp theo. Tỷ lệ ký quỹ trên thị trường này chỉ là 10%, với biên độ dao động giá là 7%.

Đến thời điểm này, Bộ Tài chính mới phê duyệt cho phép triển khai Hợp đồng tương lai VN30-Index, mà chưa phê duyệt Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Liên quan đến diễn biến này, đại diệnỦy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này đang trình Bộ Tài chính xem xét phê duyệt sản phẩm này.    

Nhà đầu tư kiếm lãi trên TTCK phái sinh dựa trên kỳ vọng và dự đoán sự biến động của chỉ số VN30-Index.

Chẳng hạn, nếu dự đoán chỉ số này sẽ tăng hoặc giảm trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ thực hiện một lệnh mua một hợp đồng tương lai. Khi chỉ số tăng/giảm đúng như dự đoán thì có thể bán hợp đồng đó đi để chốt lãi.

Thực chất là nhà đầu tư thực hiện một lệnh bán một hợp đồng tương lai cùng kỳ hạn với hợp đồng đang nắm giữ, để cân bằng vị thế với hợp đồng đang có và tổng vị thế bằng 0, số tiền lãi sẽ được thu về bằng tiền mặt. Nếu chưa nắm giữ hợp đồng để cân bằng vị thế thì việc bán hợp đồng mới thực ra lại là mua. Nhà đầu tư sẽ phải trả tiền (tiền ký quỹ ban đầu) để có một hợp đồng.

Điểm khác biệt căn bản của TTCK phái sinh là cả người mua và người bán đều tương tác với đối tác là Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). VSD đóng vai trò trung tâm, mua của người muốn bán và bán cho người muốn mua sản phẩm này.

Nhà đầu tư không lo bị ế hàng, bán mãi không ai mua hay mua mãi không ai bán. Như ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD chia sẻ, VSD đã sẵn sàng về mọi mặt (pháp lý, hạ tầng, năng lực quản trị...) để đảm nhiệm vai trò là đối tác bù trừ trung tâm trên TTCK phái sinh Việt Nam.

Với nhà đầu tư cá nhân, việc hiểu và nhận diện được sản phẩm chứng khoán phái sinh là câu chuyện khó. Lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán còn chia sẻ, họ đã học vài buổi về phái sinh mà chưa hiểu đâu vào đâu.

Với một thị trường mới mẻ, sản phẩm phức tạp, làm sao chuyển thành thứ dễ hiểu, dễ tiếp nhận và giúp nhà đầu tư quản trị được, rất cần sự dày công của nhiều chủ thể.

Việc chọn đưa sản phẩm phái sinh VN30-Index ra trước cũng tạo sự chú ý của nhiều người, nhưng thực tế cho thấy, nhiều công cụ tài chính phức tạp, khi xây dựng rất được kỳ vọng như chứng chỉ quỹ đại chúng, chứng chỉ quỹ ETF..., khi đi vào thực tiễn vẫn chưa tạo nên sức hút dòng vốn như kỳ vọng.

Chuyện đường dài với chứng khoán phái sinh

Tính đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép cho 6 công ty chứng khoán hoạt động trên TTCK phái sinh. Trên cơ sở đó, HNX đã chấp thuận cho 3 trong số 6 công ty này làm thành viên giao dịch (SSI, HSC, VPBS).

Nhận được giấy phép của nhà quản lý là câu chuyện hôm nay, nhưng trước đó, các công ty này mất ít nhất 2 năm để chuẩn bị nền tảng con người, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ...

Tại một số đơn vị, câu chuyện tham gia TTCK phái sinh được cân nhắc rất kỹ, bởi nếu tham gia, tiền bỏ ra đầu tư là không nhỏ, trong khi lợi ích thu về cần thời gian dài mới có thể tính đếm được.

Tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), việc tham gia TTCK phái sinh đã được Hội đồng quản trị đưa ra xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông, để thống nhất chủ trương như một hoạt động lớn, cần đầu tư dài hạn.

Theo Chủ tịch MBS Lê Quốc Minh, việc cung cấp các ản phẩm dịch vụ chứng khoán phái sinh nằm trong Chiến lược phát triển của MBS đến năm 2020.

Khát vọng của MBS là từ năm 2020 sẽ nằm trong TOP 3 thị phần dịch vụ môi giới và theo đó, trong mô hình kinh doanh chủ chốt, các sản phẩm chủ chốt của MBS bao gồm các sản phẩm dịch vụ tài chính và các sản phẩm phái sinh.

Chia sẻ với cổ đông về lộ trình xây dựng các sản phẩm phái sinh Việt Nam gồm nhiều giai đoạn, HĐQT MBS đề xuất cổ đông xem xét và quyết định việc đăng ký kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Dù đánh giá phái sinh là tương lai xa, nhưng cổ đông MBS đã ủng hộ đề xuất này. MBS cùng với SSI, HSC, BSC, VNDS, VPBS là những CTCK đầu tiên được nhận giấy phép kinh doanh trên TTCK phái sinh từ nhà quản lý.

Câu chuyện về TTCK phái sinh đang dần được chuyển tải qua các phương tiện truyền thông, nhưng thực tế, thị trường này cần sự hợp sức của nhiều chủ thể trong tầm nhìn dài hạn.

Ông Peter Kolz cho rằng, thị trường phái sinh sẽ chỉ hoạt động tốt nếu các thị trường cơ sở như thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, thị trường tiền tệ hoạt động tốt. Những điều kiện này cũng cần thêm rất nhiều... thời gian.             

Tin bài liên quan