Chứng khoán phái sinh tăng bất thường, nhà đầu tư cần lưu ý gì?

Chứng khoán phái sinh tăng bất thường, nhà đầu tư cần lưu ý gì?

(ĐTCK) Đã xuất hiện hiện tượng giao dịch bất thường trên thị trường phái sinh. Thời điểm hiện tại, số lượng nhà đầu tư giao dịch phái sinh chưa nhiều, hợp đồng giao dịch chưa lớn nên chưa xảy ra những hệ lụy nghiêm trọng. Thế nhưng, khi thị trường này trở nên phổ biến hơn, nếu không hiểu và đề phòng, rủi ro đến với nhà đầu tư là điều khó tránh khỏi.

Dấu hiệu bất thường

Không khó để nhận thấy hiện tượng bất thường trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhưng theo đại diện Công ty Chứng khoán MB (MBS), cần phải phân tích được mục đích của việc đẩy giá tăng đột biến. Ở các nền kinh tế phát triển, thị trường có thể tự điều tiết do có sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường, nhưng ở Việt Nam thì chưa.

Nhìn lại hiện tượng giao dịch như phiên ngày 11/10 vừa qua, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, việc đẩy giá lên quá cao có thể coi là “sai lầm” của bên thực hiện, bởi lẽ các nhà đầu tư khác trên thị trường sẽ sớm phát hiện ra cơ hội kinh doanh chênh lệch và đẩy giá về gần với giá trị hợp lý.

Trong khi số lượng hợp đồng chưa đóng của các hợp đồng tương lai kỳ hạn xa còn rất ít, khả năng đóng vị thế ồ ạt để có lãi cho người đẩy giá khó xảy ra. Về bản chất, việc tạo ra khoảng cách quá xa giữa giá hợp đồng tương lai và VN30 sẽ tạo cơ hội kinh doanh chênh lệch giá, do đó người sẵn sàng mua ở mức giá quá cao sẽ bị chịu thiệt nếu các bên khác tham gia thị trường có chiến lược đúng.

Vậy nhà đầu tư nên làm gì trong trường hợp này?

Theo ông Bùi Văn Huy, chuyên viên cao cấp phân tích Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), đối với nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua với hợp đồng bị tăng giá bất thường, nếu chỉ số cơ sở (VN30) chưa biến động quá mạnh thì khi giá hợp đồng tương lai (ví dụ VN30F1712) bị đẩy lên quá cao sẽ là cơ hội chốt lãi.

Sau đó,  nhà đầu tư sẽ canh mua lại với giá thấp hơn, vì thị trường sẽ tận dụng cơ hội này để thực hiện các chiến lược kinh doanh chênh lệch giá, đẩy giá hợp đồng tương lai về gần hơn với giá cơ sở.

Nhà đầu tư ở vị thế mua đương nhiên là có lợi nếu chốt được ở mức giá cao trong trường hợp này. Trong khi đối với nhà đầu tư ở vị thế bán khi hợp đồng tương lai tăng giá bất thường, nhà đầu tư đối mặt với khả năng bị nộp tiền ký quỹ bổ sung, đóng vị thế ngay thì phát sinh lỗ.

Chứng khoán phái sinh tăng bất thường, nhà đầu tư cần lưu ý gì?  ảnh 1

Tuy nhiên, thị trường có khả năng tự điều tiết. Diễn biến giao dịch sau đó cho thấy, giá lập tức giảm trở lại,   dao động  quanh mức giá hợp lý. Nhà đầu tư không nên quá vội vàng hành động, dễ gây thiệt hại cho tài khoản đầu tư.

Một số chuyên gia phân tích nhận xét, hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường phái sinh hiện chưa có chiến lược đầu tư cụ thể. Theo đó, các chuyên gia lưu ý nhà đầu tư cá nhân một số vấn đề để có thể quản trị rủi ro tốt hơn. Cụ thể, việc giao dịch nên được dựa trên một chiến lược giao dịch nhất quán, phân tích kỹ thuật có thể là một công cụ hữu hiệu để nhà đầu tư tham khảo.

Các nhà đầu tư giao dịch trong phiên nên trang bị đồ thị kỹ thuật cập nhật thời gian thực. Hiện tại, đồ thị với khung 15 phút và 1 giờ cho tín hiệu giao dịch có khả năng tạo lợi nhuận khá tốt khi áp dụng các công cụ phân tích kỹ thuật để giao dịch trong ngày.

Nhà đầu tư cũng cần hạn chế giao dịch các hợp đồng có tháng đáo hạn xa. Các hợp đồng này có thanh khoản thấp và biến động giá lớn, tạo các rủi ro bất ngờ cho nhà đầu tư, như trường hợp xảy ra cuối phiên ngày 11/10.

Cần thay đổi quy định để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân

Thực tế, rủi ro ở mức cao đối với các mã kém thanh khoản. Nếu có sự tham gia của các nhà tạo lập thị trường thì có thể giúp ích rất nhiều cho nhà đầu tư cá nhân, nhất là trong trường hợp giá biến động bất thường.

Ở thị trường nước ngoài, nhà đầu tư đồng thời nắm giữ vị thế mua hợp đồng tương lai một kỳ hạn, ví dụ tháng 10 và bán 1 hợp đồng tương lai kỳ hạn khác, ví dụ tháng 12, số tiền yêu cầu ký quỹ sẽ nhỏ hơn. Nếu giá hợp đồng tương lai kỳ hạn nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế bán bị đẩy lên quá cao, thay vì đóng vị thế, nhà đầu tư có thể mua 1 hợp đồng tương lai ở kỳ hạn khác.

Bằng việc thực hiện như vậy, nhà đầu tư cá nhân biến vị thế bán hợp đồng tương lai ban đầu thành vị thế của chiến lược spread (kinh doanh chênh lệch giá giữa 2 hợp đồng tương lai có kỳ hạn khác nhau).

VN30 hiện đang giao dịch ở ngưỡng 800 điểm, VN30F1710 là 802 điểm và VN30F1712 là 810 điểm. Giả sử nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế bán với VN30F1712 và VN30F1712 bị đẩy lên mức giá 850 điểm ở cuối phiên, trong khi đó VN30 vẫn ở 800 điểm và VN30F1710 là 802 điểm, thay vì đóng vị thế bán VN30F1712 và phát sinh lỗ lớn, nhà đầu tư có thể mua 1 hợp đồng VN30F1710 và chờ VN30F1712 trở về mức giá hợp lý, sẽ không bị yêu cầu ký quỹ bổ sung (call margin).

“Nếu thị trường Việt Nam áp dụng chính sách này, nhà đầu tư cá nhân sẽ có thêm lựa chọn về chiến lược giao dịch và có thêm công cụ bảo vệ mình, đồng thời với quá trình abitrage (kinh doanh chênh lệch giá), các nhà đầu tư thực hiện chiến lược spread cũng sẽ giúp thị trường tự điều tiết hiệu quả hơn”, đại diện HSC nói. 

Tin bài liên quan