Chứng khoán phái sinh: hẹn tháng 5 khai mở

Chứng khoán phái sinh: hẹn tháng 5 khai mở

(ĐTCK) Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, TS. Nguyễn Sơn cho biết, dự kiến, cuối tháng 3, Đề án khai mở TTCK phái sinh sẽ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng, trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ xem xét, với kế hoạch mở cửa thị trường vào tháng 5 tới. Mọi công tác chuẩn bị về pháp lý, công nghệ, sản phẩm, đào tạo... đang được gấp rút tiến hành.
Trao đổi với Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán trong cuộc tọa đàm về TTCK phái sinh do HNX và VSD tổ chức, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, bên cạnh Nghị định 42/2015/NĐ-CP và Thông tư 11/2016/TT-BTC, văn bản sửa đổi Thông tư 11 (sửa một số nội dung kỹ thuật) đã được UBCK trình Bộ Tài chính, với khả năng sẽ sớm được chấp thuận trong một vài tuần.
Cùng với đó, các quy chế, quy trình hoạt động trên TTCK do Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) xây dựng cũng đang được UBCK rà soát giai đoạn cuối, với dự kiến chấp thuận cùng thời điểm Thông tư sửa đổi Thông tư 11 được ban hành.

Là một thị trường hoàn toàn mới và phức tạp, để phái sinh được đón nhận, Bộ Tài chính, UBCK cũng đã tính đến những ưu đãi cần thiết cho các chủ thể tiềm năng tham gia thị trường này. Cụ thể, theo bà Bình, trong giai đoạn đầu hoạt động, Bộ Tài chính quyết định không thu phí giao dịch trên TTCK phái sinh của các thành viên tham gia thị trường này (Thông tư 241 và 242, có hiệu lực từ 1/1/2017 không quy định khoản phí này). Việc các thành viên (công ty chứng khoán) có thu phí của nhà đầu tư hay không, là tùy theo thỏa thuận với khách hàng.

Về thuế, nghiên cứu kinh nghiệm các TTCK quốc tế như Hàn Quốc (miễn thuế trên TTCK phái sinh 20 năm), Indonesia, Singapore... hiện cũng không thu thuế, bà Bình cho biết, UBCK đã có tờ trình đến Bộ Tài chính, đề xuất các cơ quan chức năng xem xét miễn thuế cho nhà đầu tư tham gia TTCK phái sinh Việt Nam trong 3 năm.

Cũng theo bà Bình, TTCK phái sinh có tính chất giao dịch khác biệt so với thị trường cơ sở. Cụ thể, trên thị trường cơ sở, giao dịch hoàn tất là phát sinh sự chuyển giao vật chất (tiền và chứng khoán), còn trên TTCK phái sinh, giao dịch hoàn tất chỉ là chuyển giao vị thế mua - bán, nên ngay cả một số quốc gia áp dụng thuế, thì mức thuế trên TTCK phái sinh cũng rất thấp (1% thậm chí 1 phần nghìn mức thuế suất trên thị trường cơ sở).

Tại Việt Nam, TTCK phái sinh mở cửa hoạt động, nhà đầu tư sẽ chịu thuế theo quy định hiện hành (pháp nhân tính thuế trên thu nhập hàng năm, cá nhân tính thuế khoán trên giá trị giao dịch). Nếu áp dụng nguyên cách tính thuế này với phái sinh, sẽ rất khó tạo sức hấp dẫn với các chủ thể tham gia và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trao đổi của Đầu tư Chứng khoán với các CTCK tiên phong xây dựng TTCK phái sinh như SSI, BVSC, MBS... cho thấy chung một đề xuất, Chính phủ, Quốc hội cần có chính sách ưu đãi thuế cho TTCK phái sinh để thu hút nhiều nguồn lực tham gia xây dựng thị trường non trẻ trong giai đoạn đầu.

Chứng khoán phái sinh: hẹn tháng 5 khai mở ảnh 1 

Để chứng khoán phái sinh dễ hình dung, dễ hiểu

Để giúp thị trường dễ hình dung trong so sánh TTCK phái sinh và cơ sở, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng TTCK phái sinh HNX cho biết, trên thị trường cơ sở, cổ phiếu sẽ niêm yết vào ngày lên sàn và có thể bị hủy niêm yết khi không đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết. Nhưng với chứng khoán phái sinh, do có kỳ hạn nhất định, việc niêm yết sản phẩm và hủy niêm yết thực hiện theo kỳ hạn này.

Ví dụ, tại một thời điểm cùng lúc có 3 hợp đồng trên cùng một tài sản cơ sở nhưng 3 kỳ hạn khác nhau. Khi đáo hạn kỳ hạn đầu tiên, kỳ hạn mới sẽ được tự động niêm yết. Chẳng hạn, hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ 5 năm luôn có 3 hợp đồng với 3 kỳ hạn khác nhau. Giả sử thời điểm hiện tại có 3 hợp đồng đáo hạn tháng 3, 6, 9. Khi đến ngày đáo hạn trong tháng 3, hợp đồng tháng 3 được tất toán và ngừng giao dịch, trong ngày giao dịch tiếp theo, hợp đồng tháng 12 sẽ niêm yết.

Trên thị trường cơ sở, tài sản cơ sở luôn có sẵn một số lượng niêm yết nhất định (là số lượng cổ phiếu/trái phiếu được phát hành bởi tổ chức phát hành), nhưng trên TTCK phái sinh không có khối lượng niêm yết cố định.

Chứng khoán phái sinh sử dụng chỉ báo là khối lượng mở (open interest) để thể hiện trạng thái, rằng hiện nay trên thị trường có bao nhiêu hợp đồng được giao kết giữa bên mua và bên bán. Do đó, khối lượng của chứng khoán phái sinh là không xác định, phụ thuộc vào nhu cầu giao dịch của các bên mua và bên bán.

Chứng khoán phái sinh: hẹn tháng 5 khai mở ảnh 2

Cũng theo bà Hà, nghiên cứu mô hình phát triển TTCK của nhiều nước cho thấy, TTCK phái sinh ra đời sẽ có tác động tích cực lên TTCK cơ sở. Cụ thể, phái sinh có thể làm tăng thanh khoản cho thị trường cơ sở nhờ có thêm công cụ phòng hộ rủi ro cho đầu tư, do đó thu hút thêm dòng vốn đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư phòng hộ.

Tại thị trường Nhật Bản, khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ trên thị trường cơ sở đã tăng trưởng mạnh mẽ sau sự ra đời của hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vào năm 1985. Ghi nhận cho thấy, bước sang năm 1986, thị trường trái phiếu chính phủ Nhật đã vượt qua thị trường này tại Mỹ và đứng đầu về lượng huy động trái phiếu chính phủ.

Tại Hàn Quốc, sự ra đời của giao dịch chứng khoán phái sinh đã hỗ trợ tăng tính hiệu quả thị trường, thúc đẩy minh bạch thông tin của các cổ phiếu là tài sản cơ sở cho chứng khoán phái sinh.

Tại Việt Nam, tác động cụ thể của TTCK phái sinh lên thị trường cơ sở sẽ chờ thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, việc khai mở TTCK phái sinh là con đường không thể khác để hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam. Tháng 5 đã rất gần, bên cạnh nỗ lực của nhà quản lý, rất cần sự vào cuộc của các thành viên tích cực, để quyết sách từ Chính phủ khai mở thị trường phái sinh sớm đi vào thực tế một cách chuẩn mực và hiệu quả.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc VSD

Một năm qua, chúng tôi cùng với Sở GDCK Hà Nội vừa xây dựng hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ cho TTCK phái sinh, vừa kết nối với các thành viên để hỗ trợ, đào tạo và tương tác cùng nhau. Các thành viên đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, để quá trình xây dựng cơ chế vận hành TTCK phái sinh đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn, trong mục tiêu chung thị trường mới ra đời sẽ vận hành an toàn, hiệu quả.

Về phía VSD, chúng tôi đã kiến nghị UBCK sửa một số điểm trong Thông tư 11/2016/TT-BTC, trong đó có việc cho phép thành viên được mở tài khoản tổng tại ngân hàng mà thành viên lựa chọn mở tài khoản để quản lý tiền giao dịch cho các nhà đầu tư, chứ không bắt buộc phải mở chi tiết đến từng nhà đầu tư. Quy định mới tạo thuận lợi về mặt kỹ thuật, phù hợp với tính chất chuyển giao sản phẩm trên TTCK phái sinh (chuyển giao vị thế), nhưng cũng đồng thời có những ràng buộc để đảm bảo tiền của nhà đầu tư chỉ được sử dụng cho mục đích giao dịch của nhà đầu tư, không sử dụng cho mục đích khác.

VSD đã trình UBCK quy trình, quy chế về hoạt động thanh toán bù trừ trên TTCK phái sinh sau khi lắng nghe và tương tác với các thành viên tiên phong tham gia thị trường này. Tôi tin rằng, văn bản khi này sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý rủi ro trên TTCK phái sinh và hài hòa với các đề xuất từ thị trường.

Với nhà đầu tư, hoạt động thanh toán bù trừ trên TTCK phái sinh có nhiều điểm khác biệt với TTCK cơ sở. Tôi mong rằng, các nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm, tìm hiểu để nắm vững cách thức tổ chức TTCK phái sinh trước khi tham gia giao dịch trên thị trường này.

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội

Trên TTCK cơ sở, sản phẩm giao dịch là cổ phiếu, trái phiếu, sẽ được chuyển giao quyền sở hữu ngay khi giao dịch khớp kết quả và VSD thực hiện bút toán lưu ký, giá của tài sản cơ sở là giá tại thời điểm thực hiện giao dịch, nhưng cách giao dịch trên TTCK phái sinh hoàn toàn khác.

Sản phẩm trên thị trường phái sinh không có chuyển quyền sở hữu, trên thực tế, khi sản phẩm đáo hạn, VSD thực hiện bù trừ thanh toán cuối cùng, sản phẩm được hiểu là “giao chuyển trong tương lai” nên giá của sản phẩm vào thời điểm thực hiện giao dịch là giá kỳ vọng trong tương lai của tài sản cơ sở vào lúc đáo hạn.

Một điểm khác biệt lớn nữa là khả năng bán khi không sở hữu chứng khoán. Trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư không thể thực hiện bán khi không có tài sản cơ sở theo quy định hiện nay. Nhưng trên thị trường phái sinh, nhà đầu tư chỉ cần có tài sản ký quỹ, là có thể tham gia vị thế bán trên cơ sở đoán định giá của tài sản cơ sở sẽ giảm.

Trong thời gian qua, HNX đã xây dựng dự thảo mẫu hợp đồng cho 3 sản phẩm chính, gồm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai chỉ số HNX 30. Khi khai trương thị trường trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn ra mắt những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Chúng tôi mong rằng, các sản phẩm này sẽ được nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp đón nhận trong bước vận hành ban đầu. Khi thị trường vận hành ổn định và trơn tru, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới, nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn cho nhà đầu tư.

Tin bài liên quan