Chứng khoán ngược chiều GDP

Chứng khoán ngược chiều GDP

(ĐTCK) Tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, mức thấp nhất trong vòng 12 quý gần nhất. Ðây là mức tăng trưởng không mong muốn, nhưng lại không bất ngờ dưới góc nhìn của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), bởi các chỉ báo vĩ mô 2 tháng đầu năm đã cho thấy sự giảm sụt rõ rệt ở ngành công nghiệp.

Khi kết quả tăng trưởng GDP trên được công bố, thị trường chứng khoán, “hàn thử biểu” của nền kinh tế lại vẫn tăng điểm. Dòng vốn vẫn chảy vào các cổ phiếu lớn của những doanh nghiệp đầu ngành và nhà đầu tư ngoại tiếp tục mua ròng trên thị trường.

Nhưng, nhìn sâu vào các giao dịch, có thể thấy, thị trường không có dòng tiền mới. Ðó cũng là lý do dòng tiền chỉ tập trung vào một số cổ phiếu có kế hoạch kinh doanh năm 2017 thực sự tốt. Giá các cổ phiếu này cũng nhích nhẹ, chứ tăng không quá mạnh.

Quan sát các cổ phiếu như TCM, DXG, SMC, có thể thấy giá tăng không nhanh như kỳ vọng của thị trường và nhà đầu tư cũng nhanh chóng chốt lời, khiến giá các cổ phiếu này dập dình tăng, giảm liên tục trong biên độ nhất định.

Sẽ khó có một đợt tăng giá cổ phiếu trên diện rộng trong gian đoạn tới, bởi những diễn biến của kinh tế vĩ mô sẽ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo phân tích vĩ mô của SSI, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2017 là 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp so với các năm trước mà nguyên nhân là do vốn đầu tư của khối FDI và từ ngân sách nhà nước đều chậm lại.

Trong cấu thành vốn đầu tư toàn xã hội, nhóm vốn tư nhân chiếm tỷ trọng cao nhất, với 39,4% và có mức tăng trưởng cao, 13,8% (cùng kỳ tăng 11,5%) nên đã kéo tăng trưởng vốn đầu tư nói chung. Nếu như không có sự tăng tốc này của vốn đầu tư tư nhân, tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội đã tụt xuống mức rất thấp.

Vốn đầu tư FDI là động lực cho tăng trưởng năm 2015 và đầu 2016, nhưng bắt đầu từ giữa 2016 dòng vốn này đã chậm lại. Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước mặc dù có sự hồi phục rất ấn tượng trong năm 2016, nhưng bất ngờ giảm tốc khi sang 2017, với mức tăng 5,3%, mức thấp nhất trong vòng 5 quý gần đây.

Những thông tin này đã phản ánh rất cụ thể vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Một công ty trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng ở địa bàn các tỉnh giáp TP.HCM đặt kế hoạch giảm doanh thu xây dựng hạ tầng do lo ngại xu hướng cắt giảm vốn đầu tư từ ngân sách.

Coteccons, nhà thầu xây dựng hàng đầu cho biết, các dự án của chủ đầu tư Vingroup chiếm khoảng 30% giá trị hợp đồng ký mới. Trong khi đó, ở mảng thi công nhà xưởng công nghiệp, Coteccons không ghi nhận dấu hiệu tăng rõ ràng như 2 năm trước đây khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lớn để đón đầu TPP…

Diễn biến tăng trưởng của dòng vốn đầu tư là một chỉ báo cho thấy, doanh nghiệp ở nhóm ngành nào sẽ được hưởng lợi, doanh nghiệp nào sẽ khó khăn hơn.

Thị trường chưa có dòng tiền mới cũng là lý do cổ phiếu của các doanh nghiệp có kế hoạch chia tách cổ phiếu tỷ lệ lớn khó tăng giá như trước. Nhà đầu tư sẽ chờ chia chốt xong mới giao dịch để tránh bị “om” vốn khi cổ phiếu chưa về tài khoản, như trường hợp cổ phiếu HPG vừa qua.

Dòng tiền trên thị trường sẽ trở nên năng động hơn, với kỳ vọng các nhóm cổ phiếu của những doanh nghiệp hiệu quả sẽ tiếp tục luân phiên nâng đỡ chỉ số chung thị trường.

Tin bài liên quan