Chứng khoán còn rẻ không?

Chứng khoán còn rẻ không?

(ĐTCK) Nói chứng khoán Việt Nam hiện tại rẻ hay đắt là khó, bởi nếu so với giai đoạn đỉnh cao 2006 - 2007 thì nhiều cổ phiếu đã giảm đi nhiều lần, nhưng nếu chỉ so với cách đây 1 năm thì nhiều mã cổ phiếu hiện đã tăng bình quân 30% đến 40%, thậm chí nhiều mã tăng hơn 100%.

Dù vậy, so với mặt bằng chung trong khu vực ở thời điểm hiện tại thì chứng khoán Việt Nam hiện không còn quá rẻ.

Ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc CTCK IVS cho biết, chỉ số P/E bình quân của TTCK Việt Nam hiện nay (khoảng 15 lần) đang cao hơn với các nước trong khu vực, đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 thì P/E còn cao hơn nhiều. Hơn nữa, nhịp tăng mạnh của VN-Index trong thời gian qua, từ 600 - 610 lên 640 điểm, chủ yếu là do dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu lớn.

Dù vẫn luân phiên vào nhiều nhóm cổ phiếu, nhưng dòng tiền dồn dập đổ vào và những cổ phiếu như PVD, VIC, GAS… đã giúp cho sự bứt phá của VN-Index thành công. Chính vì vậy, nhà đầu tư có lý do để lo ngại về vùng đỉnh và rủi ro có thể đến, trong khi những thông tin có tính hỗ trợ, hay sự dột phá nào đó lại chưa xuất hiện để tạo nền tảng cho thị trường.

Với mặt bằng giá cổ phiếu như hiện tại, đầu tư ngắn hạn hay dài hạn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn? Khi đặt câu hỏi này với chuyên gia, đã có nhiều quan điểm trái chiều. Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc phân tích CTCK FPT (FPTS) cho biết, ở giai đoạn hiện tại, thị trường đang gặp ngưỡng kháng cự mạnh và áp lực chốt lời đang cao, nên sự tham gia của nhà đầu tư lướt sóng sẽ khá rủi ro. Theo ông Kiên, thị trường vẫn đang nằm trong kênh tăng trưởng dài hạn nên nhà đầu tư dài hạn cũng có thể tích lũy cổ phiếu ở thời điểm này.

Trong khi đó, một số quan điểm cho rằng, thị trường hiện tại phù hợp với các nhà đầu tư ngắn hạn lướt sóng. Nguyên nhân là do các mã cổ phiếu đầu cơ dù có mức tăng khá giai đoạn vừa qua, nhưng nhiều mã vẫn có giá dưới mệnh giá khá nhiều. Khi dòng tiền chảy mạnh trong thị trường và thanh khoản ở mức cao thì nỗi lo về rủi ro thanh khoản của các cổ phiếu đầu cơ cũng được giảm trừ. Với nền tảng kinh tế ngày càng thuận lợi hơn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp vượt qua được khó khăn và phát triển trở lại.

Trong khi đó, với các nhà đầu tư dài hạn, việc mua vào lúc này lại cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu lựa chọn các mã bluechip, các cổ phiếu đầu ngành thì hầu hết đã tăng cao. Còn lựa chọn các mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thị giá thấp thì phải xem xét triển vọng doanh nghiệp rất kỹ lưỡng. Chưa kể, khi dòng tiền đầu cơ chảy mạnh thì rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn hoàn toàn có thể xảy ra và mức giá mua thời điểm này có thể chưa đủ thấp để giảm bớt các rủi ro.

Xét ở mặt bằng giá hiện tại, mức định giá của nhóm cổ phiếu dầu khí đã tăng đáng kể, tuy nhiên, kỳ vọng sự tăng trưởng mạnh về kết quả kinh doanh trong quý III và 6 tháng cuối năm sẽ giúp P/E dự phóng của nhóm các cổ phiếu này giảm đáng kể so với mức P/E hiện tại. Dựa trên đánh giá về chỉ số P/E, CTCK SHS đánh giá nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian tới.

Với cổ phiếu chứng khoán, do thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích cực, cả về giá và khối lượng giao dịch bình quân, nên các chuyên gia tin rằng, cũng sẽ tiếp tục thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thủy sản nhiều khả năng cũng sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền do những kỳ vọng liên quan đến tăng trưởng doanh thu nhờ mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu quan trọng trong thời gian tới của nhiều doanh nghiệp thủy sản.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, ở giai đoạn hiện tại, nhiều mã chứng khoán đang tăng giá theo kiểu ăn theo, đặc biệt là các mã có thị giá rất thấp, hầu như không thể định giá bằng các phương pháp thông thường (cổ phiếu có EPS âm thì P/E không có ý nghĩa) nhưng lại vẫn tăng giá, nhiều cổ phiếu có hơi hướng “làm giá” khi giá cổ phiếu biến động tăng mạnh và “tỷ lệ nghịch” với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan