Chứng khoán chờ thương vụ M&A lớn nhất

Chứng khoán chờ thương vụ M&A lớn nhất

(ĐTCK) Ngày mai (6/8), Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 sẽ được tổ chức tại GEM Center - TP. HCM. Đây là diễn đàn về mua bán, sáp nhập lớn nhất Việt Nam do Báo Đầu tư phối với với AVM tổ chức thường niên.

Theo những thông tin ghi nhận từ Ban tổ chức Diễn đàn, sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tới sự kiện là rất lớn. Nguyên nhân là do thị trường M&A tại Việt Nam đang diễn ra sôi động và hứa hẹn sẽ có sự bùng nổ trong thời gian tới.

Các dữ liệu thống kê đang ủng hộ nhận định này.

Năm 2014, tại Việt Nam có tổng cộng 339 thương vụ M&A với tổng giá trị khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2013. Còn năm 2015 được dự báo sẽ tiếp tục có khoảng 400 thương vụ được thực hiện với giá trị dự kiến vượt 5 tỷ USD.

Con số này có thể không lớn khi so sánh tổng giá trị M&A toàn cầu, đạt 2,2 nghìn tỷ USD cho nửa đầu năm 2015, nhưng vẫn đủ để đưa Việt Nam vào hạng thứ 20 thế giới xếp về mức độ tăng trưởng (năm 2014, thứ hạng này là 24).

M&A tại Việt Nam đang diễn ra tại hầu hết các lĩnh vực từ ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ, bất động sản… Không ít thương vụ gây chú ý lớn như MHB sáp nhập vào BIDV, PGBank sáp nhập vào Vietinbank, KDC chuyển nhượng 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương (BKD) cho Mondelez, Vingroup mua lại 70% cổ phần của Ocean Retail, Indochina Land chuyển nhượng một số dự án cho một quỹ đầu tư thuộc Gaw Capital Partners…

Trong lĩnh vực chứng khoán, M&A diễn ra có chút trầm lặng hơn. Bên cạnh sự sôi động của khối doanh nghiệp niêm yết thì khối các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn đang chuyển động nhẹ trong mục tiêu giảm bớt số lượng CTCK yếu.

Từ đầu năm tới nay, số thương vụ được công bố khá khiêm tốn như CTCK Hải Phòng sẽ hợp nhất CTCK Á - Âu; CTCK Sacombank (SBS) xin ý kiến cổ đông hợp nhất với một CTCK khác, mà thông tin ban đầu cho thấy có thể là CTCK Phương Nam (PNS); CTCK Sen Vàng sáp nhập với CTCK Thái Bình Dương,…

Tính tới cuối năm 2014, số lượng CTCK mới giảm được 23% và còn tới 83 CTCK đang hoạt động, trong đó không ít công ty đang trong tình trạng “cầm chừng”. Thực tế cho thấy, thị phần môi giới, ký quỹ, tư vấn… chủ yếu nằm trong tay 10 CTCK dẫn đầu, phần còn lại rất nhỏ nhưng lại san cho tới khoảng 70 CTCK khác nhau.

Chính điều này dẫn tới dự báo hoạt động M&A trong khối các các CTCK sẽ diễn ra mạnh hơn trong năm nay và những năm tới.

Một TTCK với các thành viên thị trường ít hơn nhưng chất lượng phục vụ tốt hơn là một đích đến quan trọng trong kế hoạch tái cấu trúc của thị trường. Sự tinh gọn và hiệu quả còn nằm ở một kế hoạch lớn hơn nữa đó là sáp nhập hai Sở giao dịch chứng khoán thành một.

Tính đúng đắn của kế hoạch này đã nằm trong đề án được trình lên Bộ Tài chính và các cấp cao hơn, nên có lẽ không cần bàn tới ở đây. Câu chuyện hiện tại là việc sáp nhập sẽ diễn ra vào lúc nào, trong bao lâu và những vấn đề cần xử lý hậu sáp nhập, đặc biệt là câu chuyện nhân sự lãnh đạo.

Về giá trị, thương vụ này sẽ không quá lớn, và chắc chắn sẽ không ồn ào như sáp nhập hai sàn chứng khoán hàng đầu thế giới là Deutsche Boerse và NYSE Euronext hồi năm 2011.

Nhưng trong lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam, đây chắc chắn là thương vụ lớn nhất và được chờ đợi nhất.

Tin bài liên quan