Doanh nghiệp niêm yết cần thiết lập hệ thống và quy trình để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng

Doanh nghiệp niêm yết cần thiết lập hệ thống và quy trình để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng

Chuẩn kế toán quốc tế: chuẩn bị hay chờ bắt buộc thực thi?

(ĐTCK) Trong lộ trình hội nhập quốc tế, Bộ Tài chính dự kiến, đến năm 2020, các công ty niêm yết sẽ là đối tượng bắt buộc phải lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Chuẩn bị kỹ càng cho việc tuân thủ chuẩn kế toán quốc tế này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút dòng vốn đầu tư.

Hướng tới phương thức lập báo cáo tài chính mới

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, IFRS là điều kiện đảm bảo các doanh nghiệp, tổ chức áp dụng các nguyên tắc kế toán một cách thống nhất trong công tác lập báo cáo tài chính. Việc áp dụng IFRS giúp cải thiện chất lượng thông tin kế toán của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang lập báo cáo tài chính theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được ban hành trong giai đoạn 2001 - 2005. Hệ thống này được xây dựng và ban hành dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) tại thời điểm đó.

Từ năm 2005, hệ thống IFRS chính thức được đưa vào áp dụng, đánh dấu một kỷ nguyên mới về cách thức quản lý kinh doanh toàn cầu với việc ban hành các nguyên tắc lập báo cáo tài chính cho thị trường trên thế giới. IFRS do Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) và Hội đồng Giải thích lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRIC) biên soạn theo định hướng phương thức lập báo cáo tài chính tập trung vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư và tập trung vào luồng thông tin đến thị trường vốn.

Báo cáo tài chính được lập theo IFRS được định dạng theo biểu mẫu thống nhất và loại trừ sự khác biệt trong chuẩn mực kế toán. Các thông tin trên báo cáo tài chính có tính so sánh, qua đó, giúp cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, xử lý thông tin kế toán. Thông tin tài chính cũng minh bạch hơn.

Có thể nói, việc áp dụng IFRS đã mở ra một thời kỳ mới làm thay đổi cách thức ghi nhận, đo lường và trình bày các chỉ tiêu và khoản mục trên báo cáo tài chính. IFRS được chấp nhận như chuẩn mực lập báo cáo tài chính cho các công ty tìm kiếm sự thừa nhận trên thị trường chứng khoán thế giới.

Việc áp dụng IFRS sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng so sánh của các thông tin tài chính và tăng chất lượng thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Hơn nữa, thông qua việc áp dụng IFRS, sẽ giảm trục lợi trên thị trường chứng khoán bằng việc đảm bảo báo cáo tài chính minh bạch hơn.

Chủ động cho áp dụng IFRS

Đối với thị trường vốn, thị trường chứng khoán, việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS sẽ hỗ trợ nâng cao tính công khai, minh bạch và bền vững của thị trường. Tuy nhiên, để triển khai áp dụng IFRS, Nhà nước và các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư nguồn lực không nhỏ. Doanh nghiệp, đơn vị sẽ phải bỏ ra chi phí ban đầu lớn để thiết kế và xây dựng lại hệ thống thu thập, xử lý và trình bày các thông tin tài chính.

Doanh nghiệp cần xây dựng và vận hành hệ thống kết nối thông tin trong nội bộ và phần mềm kế toán của doanh nghiệp đủ mạnh để có thể cập nhật các thông tin tài chính kịp thời và đầy đủ.

Việc thực hiện theo IFRS thực sự là một thách thức về mức độ phát triển của thị trường, trình độ, năng lực của kiểm toán viên, kế toán viên và cả các nhà đầu tư trên thị trường.

Nhưng khó vẫn phải thực hiện. TS. Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, khi nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ với phạm vi khu vực và quốc tế, IFRS được cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán quan tâm.

Với sự gia tăng và mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết và các bước đi nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, công chúng đầu tư đang trông đợi sự thay đổi trong chất lượng thông tin tài chính của doanh nghiệp.

Bản báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch, có độ tin cậy cao, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế là điều mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm trong việc đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Từ kinh nghiệm của các nước đã áp dụng IFRS, các công ty niêm yết ở Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế như tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, duy trì sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Mặt khác, qua kinh nghiệm áp dụng triển khai IFRS trên thế giới, tính minh bạch và mức độ tin cậy về thông tin của các doanh nghiệp niêm yết và thị trường chứng khoán đã được cải thiện, gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, vẫn có ý kiến lo ngại, việc áp dụng IFRS vào các doanh nghiệp Việt Nam được xây dựng để áp dụng cho các nền kinh tế khi mà các yếu tố thị trường đã phát triển đồng bộ, có thị trường thuận lợi cho định giá các loại tài sản theo giá thị trường. Các yếu tố này chưa có được đầy đủ ở Việt Nam, nên việc áp dụng nguyên vẹn bộ chuẩn mực IFRS cũng sẽ gặp không ít khó khăn; phần đông doanh nghiệp niêm yết còn khá xa lạ với chuẩn mực quốc tế IFRS chưa kể đến tính chưa đồng bộ, thiếu các hướng dẫn trong các yếu tố pháp lý hiện hành nếu áp dụng chuyển đổi từ hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam sang IFRS.

Với việc từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và sự giám sát ngày càng cao của các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý, việc chuyển đổi sang IFRS cần có sự chuẩn bị về thời gian và nguồn lực, các doanh nghiệp niêm yết không thể bỏ qua vấn đề này nếu muốn thành công trong môi trường cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Doanh nghiệp niêm yết cần thiết lập hệ thống và quy trình để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng. Việc quản lý công tác lập và phân tích báo cáo tài chính, trong đó có yêu cầu tuân thủ và kiểm toán nội bộ cần được tăng cường nhằm đảm bảo tính trung thực của báo cáo tài chính.

Tin bài liên quan