Chữ tín trong kinh doanh

Chúng tôi hy vọng có thể chỉ cho các doanh nghiệp (DN) VN thấy được rằng chất lượng sản phẩm và đạo đức không chỉ có lợi cho xã hội mà còn cho công việc kinh doanh” - ông Nicholas Greenfield, Giám đốc Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), đã nói như vậy về mục đích tổ chức hội thảo “Trách nhiệm xã hội của các DN, thương mại công bằng và các tiêu chuẩn”, tổ chức tại TPHCM mới đây.

Từ những sự cố...

 

Một vài năm trở lại đây, người tiêu dùng đã nhiều phen “lên ruột” vì báo chí lần lượt phanh phui “sự cố” của các công ty có tên tuổi trên thị trường. Vào năm 2006, dư luận xôn xao vì vụ khuyến mãi thật nhưng trao thưởng dỏm của một hãng xe có uy tín, tiếp đó là vụ xăng có pha acetone. Rồi hàng loạt vụ xem thường sức khỏe người tiêu dùng, gây phẫn nộ dư luận như vụ 13 tấn nguyên liệu quá đát vẫn được đưa vào sử dụng của hãng nước giải khát C., vụ sữa tươi nguyên chất nhưng chưa phải hoàn toàn là nguyên chất của một số nhãn hiệu sữa. Gần đây nhất là vụ nước tương có chứa hàm lượng chất gây ung thư 3-MCPD cao vượt mức cho phép.

Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt của thương trường buộc doanh nghiệp phải luôn có chính sách chăm sóc khách hàng tối ưu. Ngoài mục đích lợi nhuận, trách nhiệm với cộng đồng, với khách hàng và với sản phẩm của chính mình quyết định sự tồn vong và phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp VN thực hiện điều này ra sao?

Với văn hóa tiêu dùng của người VN, người dân thường chấp nhận bỏ tiền mua hàng chỉ vì nghe quảng cáo. Họ tin vào quảng cáo vì tin vào thông điệp và cách thức làm ăn của các thương hiệu lớn. Họ chấp nhận bỏ nhiều tiền hơn để mua những sản phẩm đã được bảo chứng, nhưng một số thương hiệu gần đây bị phát hiện đã lừa dối khách hàng. Và hiện nay, người tiêu dùng thật sự bối rối vì không biết nên “ăn cái gì để không bị ung thư”. Vì nước tương được dùng nêm, nếm, ăn sống hằng ngày mà còn “độc” như thế thì còn biết... ăn gì! Điều đáng nói là toàn bộ nước tương “đen” đều do các DN trong nước sản xuất và trong số đó, nhiều nhãn hàng được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

 

Lâu nay, người tiêu dùng vẫn rất tín nhiệm hàng hóa đóng mác “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Thế nhưng, sau sự cố trên, uy tín của danh hiệu này chắc chắn suy giảm rất nhiều. Nhiều DN nước tương kêu gọi người tiêu dùng “tha thứ” và chờ DN cải tiến, hiện đại hóa quy trình sản xuất để đưa nước tương đạt tiêu chuẩn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Có thể người tiêu dùng sẽ tha thứ, nhưng liệu họ có chờ nổi không và có còn tin tưởng không.

 

... Đến cách xử sự của người trong cuộc

 

Với sự cố sữa tươi nguyên chất, mặc dù rất ít xuất hiện trước công luận, thế nhưng bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, đã gặp gỡ báo giới và nhận lỗi vì từ “nguyên chất” ghi trên bao bì sữa tươi, đồng thời hứa sẽ cho thay đổi nhãn đúng với các thành phần thực có trong sản phẩm. Chính điều này đã phần nào làm dịu làn sóng bất bình của dư luận. Vì cho dù không còn là “sữa tươi tiệt trùng nguyên chất” nhưng người tiêu dùng biết được mình đang bỏ tiền mua sản phẩm gì, có đáng giá trị hay không và ít ra họ cũng không còn cảm thấy bị lừa dối.

 

Hàng loạt nhãn hiệu nước tương đã bị thu hồi và công bố trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, dư luận vẫn đặt câu hỏi là liệu đã thu hồi hết hay chưa, còn nhãn hiệu nào chưa được kiểm tra hay công bố không. Đáng nói là có nhiều DN đã không tự thu hồi sản phẩm mà cứ để tràn lan ngoài thị trường, đến nỗi ngày 5/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã phải ký văn bản gửi UBND các địa phương yêu cầu “nếu phát hiện sản phẩm vi phạm quy chế thì có thể thu hồi và tiêu hủy ngay không cần báo cáo”.

 

Người tiêu dùng VN đã rất tín nhiệm sản phẩm đoạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Khi xảy ra sự cố liên quan đến danh hiệu này, dư luận đã đặt câu hỏi về trách nhiệm giải quyết của đơn vị tổ chức giải, nhưng chưa nhận được câu trả lời hợp tình.

Các sự cố liên tiếp xảy ra và đa số trường hợp người tiêu dùng hứng trọn hậu quả. Nhưng về lâu dài, chính các DN thiếu trách nhiệm sẽ lãnh “đủ”. Điều các DN cần phải làm là chỉnh đốn hoạt động kinh doanh sao cho “Tốt cho xã hội, tốt cho DN” như thông điệp mà EuroCham dành cho các DN vừa và nhỏ VN.