ông Trần Đắc Sinh

ông Trần Đắc Sinh

Chủ tịch HOSE: Chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập

(ĐTCK) “TTCK có hai điều kiện quan trọng nhất để phát triển là yếu tố công nghệ và con người. Về yếu tố công nghệ, chúng ta đang đi những bước cuối để hoàn tất. Từ đây mới có thể bắt đầu hội nhập, kết nối thị trường để cạnh tranh với các thị trường lớn khác trên thế giới”, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết.

“Nhìn từ kinh nghiệm các thị trường đi trước, để ra đời một sản phẩm mới mất từ 3 - 5 năm. Nhưng năm 2016 được xem là giai đoạn chuẩn bị cuối cùng của HOSE về nền tảng công nghệ, cũng là điều kiện tiên quyết để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới và thực hiện hội nhập, kết nối với các Sở GDCK khác. Khi đã có điều kiện cần, chúng ta sẽ dần dần bổ sung các điều kiện đủ khác để TTCK Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập”, Chủ tịch HĐQT HOSE chia sẻ về quan điểm cũng như các bước đi hội nhập của TTCK Việt Nam.

Một sự kiện đáng nhớ trong năm 2015 là Dự án Trung tâm dữ liệu dự phòng của HOSE đã nghiệm thu xong, sẵn sàng vận hành trong năm nay. Trung tâm Dữ liệu dự phòng được xây dựng tại Khu công viên Phần mềm Quang Trung, Quận 12, TP. HCM, trên nền diện tích 5.000 m2 do UBND TP. HCM cấp. Trung tâm này được thiết kế theo tiêu chuẩn Tier III, với trang thiết bị công nghệ tiêu chuẩn quốc tế và có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Sinh, tại Trung tâm có 5 luồng điện dự phòng, gồm nguồn điện quốc gia, 2 nhà máy phát điện, 2 UPS và theo tính toán, cả năm chỉ ngắt hệ thống tổng cộng khoảng 1 giờ. Ngoài công năng là dự phòng cho hệ thống giao dịch của HOSE, dự án còn có mục tiêu hình thành một trung tâm dữ liệu dự phòng cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính tại khu vực phía Nam và triển khai các dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin cho toàn thị TTCK Việt Nam.

Chủ tịch HOSE: Chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập ảnh 1

Bước tiếp theo là HOSE triển khai gói thầu công nghệ thông tin, dự kiến cùng với đối tác Hàn Quốc và khoảng 18 tháng nữa thì phần mềm sẽ chính thức vận hành. Đây là một hệ thống tổng thể theo tiêu chuẩn quốc tế, có đầy đủ sản phẩm của thị trường phát triển trên thế giới. Hệ thống mà HOSE đang thực hiện, ở các nước ASEAN chưa có. Hệ thống này tích hợp hệ thống giao dịch, thông tin thị trường, giám sát giao dịch, hệ thống chỉ số, hệ thống đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ…, có thể mở rộng để kết nối, liên kết và hợp tác với các Sở GDCK trên thế giới.

 “TTCK có hai điều kiện quan trọng nhất để phát triển là yếu tố công nghệ và con người. Về yếu tố công nghệ, chúng ta đang đi những bước cuối để hoàn tất. Từ đây mới có thể bắt đầu hội nhập, kết nối thị trường để cạnh tranh với các thị trường lớn khác trên thế giới. Còn nếu cứ nhỏ lẻ, manh mún, thì chúng ta không thể hội nhập”, ông Sinh nói.

Về những bước đi hội nhập cụ thể, ông Sinh cho hay: “Năm 2016 trở đi, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 thị trường là Hàn Quốc, Thái Lan và một thị trường ở châu Âu để liên kết về mặt nghiệp vụ, sản phẩm; tính toán đến việc niêm yết chéo doanh nghiệp, giao dịch cổ phiếu các quỹ chỉ số. Việt Nam đã có chủ trương kết nối với các thị trường ASEAN, nhưng các điều kiện kết nối chưa hội đủ nên chúng ta chưa thực hiện. Nhưng kết nối là xu hướng chung để chúng ta có thể huy động được vốn nước ngoài”.

Với các yếu tố nội tại của thị trường Việt Nam, ông Sinh nhấn mạnh, việc cần ưu tiên là nâng chuẩn thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn MSCI, khi đó mới có nhiều tổ chức nước ngoài đến đầu tư. Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các Sở giao dịch đang tập trung làm việc này.

Thực tế, khoảng cách đến các tiêu chuẩn quốc tế không còn xa, vì các quy định về chất lượng công bố thông tin, các tiêu chuẩn kiểm toán, kế toán… đã được ban hành. Khi các tiêu chuẩn này được tuân thủ và độ lớn của TTCK đạt đến ngưỡng nhất định, thì thị trường Việt Nam sẽ đủ điều kiện vào nhóm các thị trường mới nổi. Thách thức nhất hiện nay là phải cải thiện được quy mô thị trường. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện cổ phần hoá DNNN, thúc các doanh nghiệp lên niêm yết.

“Khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, họ quan tâm nhiều đến chính sách mở cửa, tự do hóa dòng tiền, vấn đề quản trị công ty và minh bạch… Như vậy, câu chuyện hội nhập nhìn sâu hơn không chỉ phụ thuộc vào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch, mà phụ thuộc rất nhiều vào chính sách vĩ mô. Đặc biệt, hội nhập trong lĩnh vực tài chính có tính chất nhạy cảm, phức tạp, bởi đây là lĩnh vực liên quan tới tất cả các lĩnh vực khác, do vậy công việc không chỉ là việc riêng của Bộ Tài chính, mà còn liên quan tới nhiều bộ, ngành khác”, ông Sinh chia sẻ.

Trong khó khăn, TTCK năm 2016 vẫn có thể tăng

Chủ tịch HOSE: Chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập ảnh 2

 TS. Lê Xuân Nghĩa,Chuyên gia kinh tế 

Kinh tế Việt Nam trong năm 2016 sẽ chưa hết khó khăn, nên trong quản lý, điều hành cần cẩn trọng, tránh đưa ra những cái nhìn lạc quan thái quá dẫn đến chủ quan. Điều hành kinh tế vĩ mô năm 2016 sẽ phức tạp và khó khăn hơn. Áp lực tăng lãi suất, phá giá VND… sẽ gây khó khăn cho hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay cao hơn năm ngoái. Áp lực nhất với kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn là vấn đề ngân sách.

Nếu không có biện pháp hữu hiệu để giảm dần thâm hụt ngân sách, thì sẽ gặp khó khăn lớn về nợ công trong tương lai. Những khó khăn này đòi hỏi Chính phủ cần kiên định trong điều hành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, để đón bắt xu hướng vận động mang tính chu kỳ của nền kinh tế là từ quý II/2016 có thể bắt đầu xu hướng tăng trưởng rõ nét. Nếu Chính phủ thực thi hiệu quả hơn các bước tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN, triển khai các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì sẽ hỗ trợ cho xu thế tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.

Từ nền tảng trên, trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có bước tăng trưởng tốt trong năm qua, một số dự báo cho rằng, điều này sẽ tạo hiệu ứng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay. Dự báo, từ giữa quý I/2016, TTCK sẽ tăng, nhưng chậm và đều đặn. 

Thị trường nhiều khả năng sẽ vận động theo hướng đi lên

Chủ tịch HOSE: Chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập ảnh 3

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

Trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc bộc lộ nhiều bất ổn, khiến TTCK nước này đang phải chịu những tác động tiêu cực, thì Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi tích cực. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam phải chịu những tác động đa chiều, vừa thuận lợi, vừa bất lợi.

Để hiện thực hóa mục tiêu GDP năm 2016 tăng cao hơn năm trước, đòi hỏi Chính phủ phải quyết liệt trong tiếp tục thực thi các bước tái cơ cấu kinh tế theo hướng sâu, triệt để hơn sau khi đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, nhất là trong tái cơ cấu ngân hàng, DNNN.

Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội, chủ động hóa giải thách thức từ quá trình mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là chuẩn bị thực thi Hiệp định TPP, để cải cách sâu rộng hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó giúp DN giảm tối đa chi phí hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Do nền kinh tế và TTCK được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn, nên rất có thể trong năm 2016, TTCK sẽ có biến động mạnh, nhưng xu hướng của thị trường nhiều khả năng là vận động đi lên. 

        
Tin bài liên quan