Chờ nới room, NVDR nên là phương án thay thế

Chờ nới room, NVDR nên là phương án thay thế

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Hải Trà, ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho rằng, trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, nới room trở thành một câu chuyện nhạy cảm. Trong lúc chờ phương án nới room, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) nên được xem xét là phương án lựa chọn thay thế.

Từ cả năm nay, HOSE cũng như cá nhân ông thường xuyên đề cập đến phương án mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại, thông qua công cụ NVDR. Gần đây, dường như ý tưởng này được HOSE nhắc đến nhiều hơn nữa?

Đúng vậy. Trong mục tiêu chung là tăng sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam với các dòng vốn ngoại, nhất là các dòng vốn lớn, từ năm 2013, việc nới room hay áp dụng NVDR đã được UBCK, HOSE cũng như nhiều thành viên thị trường góp ý, xây dựng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đề xuất nới room vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng và trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, tôi cho rằng, phương án này trở nên nhạy cảm và cần được xem xét kỹ lưỡng hơn nữa.

Trong bối cảnh chờ sự thay đổi mạnh mẽ từ room, chúng ta có thể tính đến giải pháp thay thế là NVDR, một giải pháp đã thành công ở TTCK Thái Lan và có tính khả thi ở TTCK Việt Nam. Việc chúng tôi kiên trì kiến nghị phương án NVDR xuất phát từ nhận thức rằng, có một bộ phận không nhỏ NĐT nước ngoài không quan tâm đến quyền lợi biểu quyết tại DN, mà chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, cụ thể là cổ tức hay chênh lệch giá trên thị trường. Tính chất của nhóm đầu tư này không chỉ có ở TTCK Việt Nam, mà ở tất cả các TTCK khác, nhiều TTCK trên thế giới đã sáng tạo ra những công cụ đầu tư để đáp ứng nhu cầu của khối NĐT này.

Phương án NVDR chưa được cơ quan chức năng xem xét thông qua, phải chăng về pháp lý có điểm vướng mắc, thưa ông?

Điểm vướng mắc nhất của NVDR nằm ở góc độ quản trị doanh nghiệp. Giả sử một DN A hiện có NĐT nước ngoài sở hữu 49% vốn điều lệ; có 30% vốn được bán cho NĐT nước ngoài qua hình thức NVDR, vậy khi DN họp ĐHCĐ, lấy phiếu biểu quyết các cổ đông, thì 30% vốn được bán theo hình thức NVDR sẽ được phân bổ quyền biểu quyết cho ai? Điểm này đặt ra xuất phát từ tính chất căn bản của NVDR, đó là người sở hữu NVDR không có quyền biểu quyết (chỉ có quyền hưởng lợi ích tài chính từ cổ phiếu đại diện cho NVDR), còn đơn vị đứng ra mua cổ phiếu trên thị trường và phát hành lượng NVDR tương ứng là một tổ chức khác (thường là trực thuộc Sở GDCK). Hiện nay, Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp sửa đổi chưa có điểm nào đề cập đến việc này và theo tôi, đây là vướng mắc khó khăn nhất cho phương án NVDR tại Việt Nam.

Dường như còn một vướng mắc pháp lý khác khi pháp luật hiện hành không cho phép Sở GDCK (công ty TNHH 100% vốn nhà nước) được lập công ty con (để thực hiện chức năng mua cổ phiếu và phát hành NVDR), thưa ông?

Đây cũng là vướng mắc, nhưng theo tôi, có thể giải quyết được ngay, chứ không nhất thiết phải chờ sửa đổi thế hệ Luật Chứng khoán thứ hai (năm 2017). Chẳng hạn, bước đầu, có thể làm theo hình thức thí điểm, hoặc làm theo hình thức Sở GDCK góp vốn đa số với một số tổ chức khác để tạo nên một pháp nhân (trong nước) thực hiện vai trò mua cổ phiếu của DN niêm yết và phát hành NVDR cho NĐT nước ngoài.

Ngoài NVDR, còn những giải pháp nào khác để tăng sức hấp dẫn với các dòng vốn ngoại trên TTCK?

Thực ra, trên thế giới có nhiều phương pháp để thu hút dòng vốn nước ngoài vào TTCK, nhưng vẫn bảo vệ được quyền quyết định, quyền quản lý DN cho cổ đông Nhà nước hoặc cổ đông nội địa. Chẳng hạn, phương pháp cổ phiếu vàng, tức là Nhà nước chỉ sở hữu 1 cổ phiếu hoặc một lượng rất nhỏ cổ phiếu, nhưng nắm quyền quyết định, chi phối các vấn đề quản trị, điều hành tại DN. Một cách khác, áp dụng tại Nhật, là phương pháp giới hạn quyền biểu quyết cho NĐT nước ngoài trong một số ngành nghề nhạy cảm. Theo đó, NĐT nước ngoài có thể sở hữu không hạn chế cổ phiếu của DN thuộc ngành nghề nhạy cảm, nhưng khi họp cổ đông để quyết các vấn đề lớn tại DN, việc đăng ký họp với khối cổ đông nước ngoài sẽ thực hiện theo cách đăng ký và giới hạn đến một tỷ lệ cụ thể (30%, 49%... vốn tại DN). Khi đạt tỷ lệ này, những cổ đông ngoại đăng ký sau sẽ không có quyền họp và biểu quyết tại DN.

Những phương pháp nới rộng không gian đầu tư cho khối ngoại mà các TTCK thế giới đã áp dụng là kinh nghiệm đáng tham khảo cho Việt Nam. Theo chúng tôi, trong các phương pháp này, NVDR là phù hợp nhất và đáng được các cơ quan chức năng xem xét, hoàn chỉnh pháp lý để triển khai.

Ngoài việc tạo công cụ mới, mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại, còn nhiều cách để tăng sức hấp dẫn cho TTCK, như nâng cao vị thế TTCK Việt Nam, phát triển các sản phẩm đầu tư mới hay vận hành TTCK phái sinh. Những việc này chúng tôi đang góp sức cùng toàn ngành thực hiện để sớm đưa TTCK Việt Nam có sức cạnh tranh cao hơn trên trường quốc tế.

Tin bài liên quan