Chờ đợi thời vận hanh thông của thị trường chứng khoán năm 2016

Chờ đợi thời vận hanh thông của thị trường chứng khoán năm 2016

(ĐTCK) Nhìn nhận nền kinh tế và TTCK sẽ đối mặt với khá nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo các CTCK và DN niêm yết kỳ vọng vào thời vận hanh thông của TTCK trong năm 2016, bởi nền tảng kinh tế của Việt Nam  đã được củng cố vững chắc. 

Ông Nguyễn Phúc Long
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG)
 

Doanh nghiệp có tiềm lực và uy tín sẽ vượt lên

Kinh tế vĩ mô năm 2015 đã có nhiều khởi sắc và vững vàng hơn; các thị trường tài chính, bất động sản và tiêu dùng đã hồi phục, vận hành tốt theo xu hướng có sàng lọc, khắt khe và chuyên nghiệp hơn. Nhờ tích lũy và quản trị tốt DN, TIG đã vươn lên và đạt được nhiều bước tiến lớn: đưa vào kinh doanh, khai thác 2 dự án là Vườn Vua Resort & Villas và Khu nhà vườn liền kề TIG Đại Mỗ; phát triển hệ thống bán lẻ thegioixedien.vn và phân phối độc quyền ngành hàng điện tử, gia dụng cho Tập đoàn Hyundai. TIG đã hoàn tất sở hữu thương hiệu Hyundai Vietnam Electronics & Appliances, nâng cao sức cạnh tranh và tạo nền tảng phát triển lớn cho TIG trong ngành hàng tiêu dùng về lâu dài. Đặc biệt, TIG đã tăng vốn thành công lên 556 tỷ đồng, trở thành một trong những cổ phiếu được NĐT giao dịch mạnh nhất trên HNX trong năm qua.
Năm 2016, dự báo TTCK Việt Nam tiếp tục là thị trường sôi động của khu vực. Chính sách vĩ mô, môi trường kinh doanh cải thiện, cùng với các hiệu ứng tích cực từ TPP sẽ kích thích đầu tư trong nước, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Các thị trường: chứng khoán, bất động sản và hàng tiêu dùng sẽ có cơ hội phát triển, nhưng cơ hội đó chỉ dành cho các DN có tiềm lực tài chính, làm ăn bài bản, uy tín. Nhận thức đó cũng chính là định hướng mục tiêu, động lực và niềm tin phát triển của TIG trong năm 2016 và những năm tới. 

Bà Trần Quế Trang 
Tổng giám đốc CTCP Đường Biên Hòa (BHS)
 

Ngành đường Việt Nam bắt đầu phục hồi

Ngành đường Việt Nam và thế giới sau khi chấm dứt chu kỳ giảm giá liên tục từ 2011 - 2015 đã bắt đầu sang giai đoạn phục hồi. Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ hàng năm khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, trong khi sản lượng tồn kho đang rất thấp, giá nguyên liệu lại đang có chiều hướng tăng do tình trạng thiếu mía. Do đó, dự báo ngành đường Việt Nam năm 2016 có nhiều cơ hội hơn là thách thức.
Với Đường Biên Hòa, Công ty có bề dày lịch sử và phát triển 50 năm, có lợi thế hiện hữu như thương hiệu, thị phần lớn, sản phẩm đa dạng, cộng hưởng lợi thế kinh tế theo quy mô sau khi nhận sáp nhập CTCP Đường Ninh Hòa (NHS), nên tự tin đặt mục tiêu niên độ tài chính 2015 - 2016 đạt doanh thu hợp nhất 3.125 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, tăng 76% so với niên độ trước.

Tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến hơn 215.000 tấn, tương đương khoảng 14,3% thị phần toàn ngành. Với tâm thế chủ động, Đường Biên Hòa đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như đẩy mạnh thâm canh và cơ giới hóa canh tác, tăng cường công tác R&D, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối… Công ty sẵn sàng cho việc thực thi các cam kết tại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Bà Nguyễn Thanh Thảo
Tổng giám đốc CTCK Thiên Việt (TVS)
 

Kỳ vọng nền kinh tế và TTCK sẽ tăng trưởng

Cơ hội của nền kinh tế và TTCK Việt Nam trong năm 2016 sẽ đến từ nền tảng vĩ mô ổn định với lạm phát thấp, tăng trưởng GDP cao, tác động tích cực từ hội nhập kinh tế quốc tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, năm 2016 sẽ vẫn là một năm có nhiều thử thách trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc, thu ngân sách chịu áp lực do giá dầu giảm, dòng vốn đầu tư gián tiếp giảm sút sau quyết định nâng lãi suất của Mỹ...

Những yếu tố trên đang tạo cho kinh tế Việt Nam áp lực phải có những thay đổi về cơ cấu nhằm thích nghi, nâng cao hiệu quả so với các nền kinh tế trong khu vực. Đây là những áp lực tất yếu trong quá trình hội nhập và mang tính tích cực trong dài hạn. Doanh nghiệp nào thích nghi, tận dụng được cơ hội mới có thể tăng trưởng thông qua mở rộng thị trường ra thế giới. Đây là những doanh nghiệp mà NĐT nội nên chú ý trước khi các doanh nghiệp này lọt vào tầm ngắm thâu tóm của các tập đoàn đa quốc gia khi giới hạn sở hữu nước ngoài được gỡ bỏ.

Ở mỗi thời điểm khác nhau, trong thách thức luôn xuất hiện những cơ hội cho các doanh nghiệp, NĐT... Quan trọng là chúng ta tận dụng cơ hội đó như thế nào. Chẳng hạn, đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nguồn vốn lớn sẽ đổ vào Việt Nam, dẫn đến nhu cầu tìm kiếm doanh nghiệp và sản phẩm chất lượng để đầu tư.

Các CTCK và ngân hàng đầu tư Việt Nam, trong đó có TVS, với bề dày kinh nghiệm làm việc với các định chế tài chính quốc tế, am hiểu văn hóa bản địa, sẽ nắm bắt cơ hội này để theo đuổi các thương vụ tư vấn huy động vốn và M&A nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho các bên tham gia.

TTCK Việt Nam sau hơn 15 năm phát triển, các NĐT đã am hiểu và có trình độ đầu tư cao hơn, nên họ cần những sản phẩm đa dạng hơn. Do đó, các sản phẩm như: chứng khoán phái sinh, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn... sắp được triển khai, sẽ mang lại cho NĐT nhiều lựa chọn hơn.  

Ông Vũ Quang Đông
Giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) 
 

Cải cách sẽ mang lại những bước tiến mới cho TTCK

Năm 2016 sẽ là một năm có nhiều biến động đối với nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Với đặc thù nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ và độ mở lớn, tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Trong đó phải kể đến tác động từ việc Fed thực hiện lộ trình nâng lãi suất, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc kèm theo nguy cơ Nhân dân tệ tiếp tục mất giá. Bên cạnh đó, với triển vọng kém lạc quan của giá dầu thô thế giới và giá hàng hóa nguyên liệu nói chung sẽ tạo áp lực lên nguồn thu ngân sách, kéo theo bài toán nợ công và cơ cấu chi tiêu công hiệu quả sẽ là vấn đề mà Chính phủ cần tìm hướng giải quyết trong năm 2016.

Tuy nhiên, tôi kỳ vọng vào những thay đổi có tính chủ động tạo nền tảng từ phía chính sách để hỗ trợ, phát triển kinh tế và TTCK trong dài hạn. Các chính sách cho thị trường phát triển bền vững sẽ tiếp tục được hoàn thiện với tốc độ nhanh hơn, trong đó có giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh chung của cả nền kinh tế, hướng dẫn thi hành và áp dụng việc nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các DN, triển khai giao dịch bán chứng khoán chờ về và giao dịch trong ngày...

Những cải cách trên thị trường hứa hẹn sẽ mang lại bước tiến mới cho TTCK Việt Nam trong dài hạn, nhưng cũng đòi hỏi các thành viên thị trường cần có sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp, kỹ lưỡng theo lộ trình, định hướng kế hoạch cụ thể.

Tại VCBS, chúng tôi sẽ không ngừng củng cố năng lực tài chính, tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ tiên tiến hiện có, triển khai sản phẩm trọn gói và đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện tôn chỉ của mình là dịch vụ ngân hàng đầu tư tốt nhất. 

Ông Nguyễn Tiến Thành
Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) 
 

Kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng

Ngay từ đầu năm 2016, TTCK đã có những phiên giao dịch đầy biến động, thanh khoản toàn thị trường đi xuống khi tổng giá trị giao dịch trung bình phiên của cả hai sàn đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.

Trong năm 2016, thị trường sẽ chịu nhiều yếu tố tác động, trong đó có áp lực tăng tỷ giá. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động có khả năng tăng do cầu tín dụng của nền kinh tế cao, làm tăng nhu cầu huy động vốn. Lạm phát cũng được dự báo cao hơn so với năm 2015, một phần do sức ép tăng dần lãi suất đồng USD của Fed. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng, tạo nền tảng cho TTCK tăng điểm, nhưng dự báo có sự phân hóa mạnh giữa các ngành và nhóm cổ phiếu.

Nối tiếp những đột phá về chính sách trong năm 2015, trong năm 2016, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK, phát triển các sản phẩm mới nhằm kích cầu, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước. Về phía TVSI, chúng tôi vẫn bám sát định hướng môi giới khách hàng cá nhân, đầu tư về con người, nâng cao chất lượng dịch vụ và sẵn sàng hệ thống để triển khai các nghiệp vụ mới. 

Ông Nguyễn Thanh Ngữ
Tổng giám đốc CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT)
 

Triển vọng khả quan, SBT đặt mục tiêu 
lợi nhuận tăng 25%

Thâm hụt thị trường đường thế giới từ vụ mùa 2015/2016 là nhận định chung của nhiều tổ chức kinh doanh, thương mại quốc tế uy tín như ISO, USDA, Kingsman, F.O.Licht, với mức thâm hụt dự kiến có thể lên đến 3,3 - 5,2 triệu tấn. Đối với thị trường trong nước, bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán do ElNino ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cạnh tranh chuyển đổi cây trồng ở khu vực miền Nam đã dẫn đến sản lượng mía nguyên liệu vụ mùa 2015/2016 chỉ đạt khoảng 1,4 triệu tấn, sụt giảm hơn 200.000 tấn so với vụ trước.

Trong khi đó, sản lượng đường tồn kho hiện ở mức rất thấp và nhu cầu tiêu thụ dự báo ở mức 1,5 triệu tấn/năm, điều này giúp thị trường đường trong nước bắt đầu có diễn biến thuận lợi. Theo đó, dự báo năm 2016 sẽ là năm tích cực đối với ngành mía đường Việt Nam và tôi cho rằng, thị trường nội địa sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến tích cực từ thị trường đường thế giới.

Trong bối cảnh đó, SBT đã có sự đầu tư và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để chủ động đón đầu cho những cơ hội trong năm mới 2016. Tổng sản lượng đường tiêu thụ dự kiến hơn 205.000 tấn, tương đương thị phần 15% toàn ngành, mở rộng thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước. Ngoài ra, phát huy lợi thế về quy mô sau khi nhận sáp nhập CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), trở thành công ty lớn nhất ngành đường Việt Nam, với công nghệ sản xuất châu Âu hiện đại, hệ thống khách hàng công nghiệp ổn định và định hướng đẩy mạnh phát triển kênh tiêu dùng, ĐHCĐ SBT đã thống nhất thông qua mục tiêu doanh thu niên độ tài chính 2015/2016 ở mức 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, tăng 25% so với niên độ tài chính trước. 

Ông Đào Nam Hải
Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (Pjico)
 

PJICO sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng

Năm 2015, bên cạnh những cơ hội, các DN bảo hiểm nói chung và DN phi nhân thọ nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức như: tổng cầu của nền kinh tế ở mức thấp, các nguồn vốn đầu tư giảm, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và trục lợi bảo hiểm...

Mặc dù vậy, bằng sự đoàn kết nhất trí, đặc biệt là nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên trong hệ thống, PJICO đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2015: doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 2.220 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch, tăng 5% so với năm 2014; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 115 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch, tăng 5,5% so với năm 2014. Cũng trong năm 2015, kiên định thực hiện mục tiêu phát triển an toàn, hiệu quả, PJICO tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ chi phí.

Năm 2016, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô của các chuyên gia cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Trên cơ sở tình hình kinh doanh năm 2015, PJICO đặt kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu bảo hiểm gốc 2.318 tỷ đồng, tăng 5%; doanh thu đầu tư 132 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Trong năm 2016, PJICO sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

PJICO tin tưởng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2016 đi đôi với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đem đến cho khách hàng sự hài lòng ngày càng cao hơn, khẳng định PJICO luôn là địa chỉ tin cậy của các bạn hàng. 

Ông Khổng Phan Đức
Tổng giám đốc CTCK Công thương (VietinBankSC)
 

TTCK sẽ thu hút được dòng tiền

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, môi trường kinh doanh được cải thiện, DN có cơ hội phát triển, TTCK sẽ thu hút được dòng tiền khi có thêm nhiều hàng hóa tốt. Tuy nhiên, trên TTCK sẽ có sự phân hóa rõ nét. Chỉ những DN bắt nhịp được với đà phục hồi kinh tế thì mới có thể quay lại chu kỳ tăng trưởng và dòng tiền đầu tư sẽ tìm đến những DN này.

Trong nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào bối cảnh kinh tế thế giới có thể tác động rõ rệt đến TTCK như hiện nay. Cùng một thời điểm, TTCK thế giới nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng phải đối diện với nhiều thách thức như: giá dầu sụt giảm, kinh tế Trung Quốc suy thoái kéo theo sự suy giảm mạnh của TTCK nước này; Fed dự kiến tiếp tục nâng lãi suất... Hiện tại, Mỹ đang là điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư khi sở hữu tài sản bằng đồng USD sẽ gia tăng giá trị.

Với VietinbankSC, trong năm 2016, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững vị thế trong mảng dịch vụ tư vấn truyền thống, chúng tôi sẽ phối hợp với ngân hàng mẹ VietinBank đẩy mạnh hoạt động M&A và các dịch vụ tài chính khác như kết nối cơ hội hợp tác, các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho DN. Trong 5 năm tới, VietinbankSC có chiến lược từng bước phát triển thành một định chế tài chính cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một ngân hàng đầu tư.

Chuẩn bị nguồn lực đón bắt cơ hội mới
Bà Ngô Thị Phong Lan, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

Trước những biến động phức tạp của TTCK thế giới, TTCK Việt Nam vẫn đạt được mức tăng trên 6% trong năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề tỷ giá, lãi suất và nợ công đang là thách thức không nhỏ với nền kinh tế và có thể gây khó khăn cho TTCK năm 2016. Ngoài ra, lượng cung cổ phiếu từ hoạt động niêm yết mới và thoái vốn nhà nước có tác động tích cực, nhưng cũng là thách thức với lực cầu.

Trong bối cảnh trên, các CTCK đã từng bước cơ cấu lại đồng thời chuẩn bị nguồn lực để đón bắt cơ hội mới từ TTCK phái sinh, giao dịch T+0. Về phần mình, BSC cũng đã từng bước tái cơ cấu hoạt động theo hướng tập trung phát triển các mảng bền vững như: môi giới, tư vấn tài chính, đầu tư trái phiếu, trên nền tảng phân tích cơ bản và bảo vệ quyền lợi của NĐT. Nhờ đó, BSC đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật  năm 2015 khi giữ thị phần môi giới cổ phiếu Top 7 trên HNX, Top 9 trên HOSE, Top 3 về tư vấn tài chính, Top 1 về thị phần môi giới trái phiếu.

Trước diễn biến phức tạp của thị trường, BSC đang chuẩn bị những phương án cụ thể nhằm hạn chế rủi ro, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đảm bảo tính bền vững trong hoạt động kinh doanh. Công ty cũng chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để triển khai các loại hình dịch vụ mới, khai thác tốt các cơ hội của thị trường cho khách hàng.

Tin bài liên quan