Chính phủ rất coi trọng phát triển thị trường vốn

Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại hội nghị “Gateway to Vietnam 2017” với chủ đề “Thị trường vốn - Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế” tổ chức sáng 25/10 tại TPHCM.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định giai đoạn hiện nay là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Với đặc thù là nền kinh tế mở, Việt Nam đang thúc đẩy nhiều mô hình tăng trưởng dựa trên các lợi thế về lao động trẻ, sự ổn định về chính trị-xã hội, kinh tế vĩ vô, thể chế pháp luật của Việt Nam không ngừng được cải thiện... hướng đến tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển lâu dài. Việt Nam cũng là nền kinh tế năng động, hấp dẫn, với mức tăng trưởng bình quân đạt 6,5%/năm trong những năm qua.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. 

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, nền kinh tế Việt Nam đã và đang được khẩn trương cải thiện nhiều lĩnh vực để phục vụ cho phát triển bền vững trong những năm gần đây và sẽ có nhiều bước đột phá trong thời gian tới.

Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017; cải cách hệ thống tài chính-tiền tệ; kiên quyết thực thi chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, coi việc phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế...

Để đạt những mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Chính phủ rất coi trọng phát triển thị trường vốn, kết nối dòng vốn đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, những sự kiện cung cấp thông tin, kết nối doanh nghiệp như hội nghị này là rất đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy thu hút dòng vốn phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, Gateway to Vietnam 2017 - lần thứ 4, được tổ chức để cung cấp một góc nhìn về thị trường mới đã vực dậy, với nhiều tài sản mới, nhiều sản phẩm mới trên thị trường.

Với trọng tâm giới thiệu, bắc cầu để các quỹ đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội từ thị trường Việt Nam, bên cạnh hội nghị chính, tại sự kiện này còn diễn ra các cuộc gặp gỡ giữa các nhóm nhà đầu tư với đại diện của các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân tiềm năng tại Việt Nam.

Đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu về hoạt động kinh doanh của mình và đối thoại với các nhà đầu tư. Với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam cùng gần 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, sự kiện này được kỳ vọng là địa điểm để trao đổi, kết nối cho các doanh nghiệp tiềm năng tại thị trường Việt Nam.

Sau 17 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam được biết đến là một thị trường non trẻ nhất, quy mô khiêm tốn nhất. Tuy nhiên, là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á. Quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 3 lần, năm 2006 đạt 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là hơn 63% GDP.

Nếu vào thời điểm 2006, tính cả hai Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch và có duy nhất một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, thì đến nay trên thị trường đã có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Tin bài liên quan