Thị trường tài chính cần được cơ cấu hợp lý để nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán là  kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp

Thị trường tài chính cần được cơ cấu hợp lý để nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp

Chính phủ muốn “làm lớn” thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Tái cơ cấu thị trường tài chính là một trong 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ vừa đề xuất lên Quốc hội. Riêng với thị trường chứng khoán, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 đưa quy mô vốn hóa đạt khoảng 70% GDP từ mức 39% hiện tại và dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

“Thị trường chứng khoán chưa đủ lớn…”

Đánh giá về những hạn chế của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015, khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế gồm: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, chưa đạt được mục tiêu đề ra.

“Tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là ngân hàng thương mại còn nhiều vướng mắc như sự thay đổi về cơ cấu thị trường diễn ra chậm chạp, vai trò của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán chưa đủ lớn...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đồng tình với đánh giá của Chính phủ về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 còn không ít hạn chế, khi trình bày Báo cáo thẩm tra Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tái cơ cấu tổ chức tín dụng mới đạt kết quả bước đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh để đạt mục tiêu đề ra. Nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết triệt để, làm giảm hiệu quả cung cấp vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế.

“Thị trường tài chính chưa được cơ cấu hợp lý để nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp”, ông Thanh cho hay.

Đánh giá trên cho thấy, cùng với nâng cao chất lượng hoạt động bền vững của thị trường chứng khoán thì yêu cầu bức thiết đang đặt ra là phải gia tăng quy mô của thị trường, để vừa giảm áp lực tài trợ vốn lên vai hệ thống ngân hàng, từ đó xử lý nợ xấu đã phái sinh hiệu quả, giảm phát sinh nợ xấu mới, vừa hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tìm kiếm các nguồn vốn trung và dài hạn qua thị trường chứng khoán.

Chính phủ muốn “làm lớn” thị trường chứng khoán ảnh 1

Cuối tháng 9/2016, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu là hơn 1,63 triệu tỷ đồng 

Mục tiêu nâng quy mô thị trường

Theo cập nhật của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 9/2016, mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt hơn 1,63 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2015, tương đương 38,9% GDP. Riêng dư nợ thị trường trái phiếu tương đương 24% GDP. 

Để khắc phục tình trạng thị trường chứng khoán “chưa đủ lớn” như đánh giá của Chính phủ, trong 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét thì tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán tiếp tục là một trụ cột. Trong đó, Chính phủ muốn nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Năm 2016 sắp hết, quỹ thời gian chỉ còn 3 năm, nên để hiện thực hóa mục tiêu này, một loạt giải pháp đã được Chính phủ đề ra trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các giải pháp sẽ tập trung mở rộng quy mô, gia tăng số lượng và cải thiện chất lượng nhà đầu tư, các sản phẩm hàng hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm.

Trong số khoảng 10,567 triệu tỷ đồng thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo ước tính của Chính phủ, sẽ tập trung đầu tư cho 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm, trong đó có thị trường chứng khoán. 

Tăng cường giám sát

Thực tế cho thấy, những hạn chế bộc lộ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế có liên quan đến khâu tổ chức thực hiện. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây thường là khâu yếu nhất nên cơ quan này đề xuất, sau khi đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 đang diễn ra, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để nâng cao tính pháp lý của các nội dung về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, khắc phục hạn chế do tính pháp lý còn thấp của Đề án tổng thể tái cơ cấu, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần xem xét lại cách điều hành tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua; nâng cao năng lực, kỷ luật thực thi các kế hoạch tái cơ cấu; tái cơ cấu chính bộ máy thực hiện tái cơ cấu theo hướng hình thành một cơ quan với quyền hạn đủ lớn để điều phối, chỉ đạo thực hiện thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đúng hướng và mạnh mẽ; thành lập Nhóm theo dõi việc thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu gồm đại diện các cơ quan của Quốc hội.

Liên quan đến nội dung để đảm bảo đạt mục tiêu tái cơ cấu thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2016 - 2020 như đề xuất của Chính phủ, ý kiến trong Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, bên cạnh việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán như thời gian qua, cần tính đến cơ cấu lại bộ máy quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Để đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả cao các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tăng cường công tác giám sát của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn tại các phiên họp (2 - 3 lần/năm) về quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, phù hợp với quy định tại Điều 26, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 tại kỳ họp cuối năm; tăng cường cơ chế báo cáo hàng quý từ cơ quan đầu mối của Chính phủ theo dõi, đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội, nhằm đảm bảo quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt hiệu quả cao. 

Tin bài liên quan