“Chiến thuật” giá chào sàn

“Chiến thuật” giá chào sàn

(ĐTCK) Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là mức giá khởi điểm để các nhà đầu tư tham khảo khi quyết định mua/bán một cổ phiếu. 

Một số phương pháp được sử dụng để đưa ra mức giá này là dựa trên các chỉ số quen thuộc như P/E, P/B của doanh nghiệp so sánh mức trung bình ngành, hay mô hình chiết khấu dòng tiền, chiết khấu dòng cổ tức…

Không thiếu trường hợp doanh nghiệp lên sàn với những hào sảng trong phát ngôn của lãnh đạo, hỗ trợ cho giá cổ phiếu bật lên mức “đại gia”. Tuy nhiên, chẳng lâu sau đó, giá giảm đã trở thành xu hướng chủ đạo.

Tuần qua, một cổ phiếu chào sàn HNX, sau phiên mở đầu tăng gần hết biên độ (gần 30%) đã  nhanh chóng quay đầu và liên tục giảm giá suốt 1 tuần sau đó, đưa thị giá về còn 80% mức tham chiếu ban đầu.

Lại có chuyện cổ phiếu chưa chào sàn, nhưng giới trung gian đã đánh tiếng “cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá”. Sau đó, cổ phiếu mới sẽ chào sàn với giá được cho là rất thấp, để rồi, theo bàn tay của các đội lái, giá tăng gấp mấy lần.

Dù thị trường có nhiều nghi ngờ, nhưng giá cứ tăng lên và theo đó, dòng tiền cứ chảy, dẫn dụ nhiều nhà đầu tư khoái lướt sóng “lên tàu”. Kết cục thì ai cũng rõ. Khi lưới đã đủ mẻ, chủ cuộc chơi sẽ tìm cơ hội “thoát hàng”, đẩy rủi ro cho người ở lại.

Chưa hết, có những cổ phiếu vừa chào sàn giá đã rớt mạnh, dù trước đó sốt nóng trên OTC. Thực tế này khiến thị trường cũng xôn xao việc định giá quá cao, hay khả năng sốt ảo trên sàn tự do.

Tăng nhanh rồi giảm chóng mặt là tình trạng xảy ra tại hàng trăm mã cổ phiếu trong giai đoạn đầu chào sàn, khiến không ít người nghi ngờ về chất lượng xác định giá tham chiếu và có hay không các chiêu trò để một bộ phận cổ đông nội bộ “thoát hàng” với giá cao.

Sắp tới đây, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) sẽ trở lại sàn chứng khoán. Ðáng nói, MPC lên UPCoM với mức tham chiếu 79.000 đồng/cổ phiếu. Thoạt nhiên, con số này có vẻ thấp so với mức giá đóng cửa 122.000 đồng/cổ phiếu khi MPC hủy niêm yết tự nguyện cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, nhìn vào các con số, giá trị sổ sách MPC tại Báo cáo tài chính kiểm toán 2016 là 26.339 đồng, EPS năm 2016 là 1.053 đồng; 6 tháng đầu năm 2017, EPS đạt 2.306 đồng; giá trị sổ sách cổ phiếu MPC sau 6 tháng 2017 là 28.311 đồng..., mức giá chào sàn 79.000 đồng liệu có phù hợp?

Thực tế, dù giá chào sàn được xác định cách nào chăng nữa doanh nghiệp cũng đứng trước 2 sự lựa chọn: Hoặc sử dụng chiến lược giá chào sàn phù hợp với giá trị thực tế của doanh nghiệp, nếu cổ phiếu tốt thì thị trường sẽ đánh giá cao và tạo lực đẩy giá lên, và ngược lại; hoặc ấn định giá chào sàn cao để khẳng định đẳng cấp, song bản thân doanh nghiệp phải kinh doanh tốt, hoặc có khả năng giữ giá, nếu không muốn hiệu ứng ngược.

Theo quy định, tổ chức niêm yết khi đưa ra mức giá chào sàn phải nêu các phương pháp định giá, phân tích và cách thức lựa chọn. Tuy nhiên, các mô hình này đều dựa trên những dự báo về kết quả kinh doanh, tiềm năng tương lai của doanh nghiệp và chủ yếu mang tính chủ quan.

Làm thế nào để giá chào sàn chuẩn mực hơn là câu hỏi đặt ra với nhà quản lý khi xem xét hồ sơ chào sàn của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp và nhà tư vấn, mọi sự tô vẽ đều khó bền lâu với thực tế và đồng tiền kiếm được từ những điều không thật thì cũng dễ phấp phổng bay đi…

Tin bài liên quan