Chỉ số chứng khoán chưa “bật sáng” thị trường

Chỉ số chứng khoán chưa “bật sáng” thị trường

(ĐTCK) Một trong những mong muốn nhà quản lý và các tổ chức hướng đến khi xây dựng chỉ số chứng khoán là giúp các nhóm cổ phiếu theo ngành, theo quy mô, theo tính chất riêng biệt nhất định, được “bật sáng” để thu hút dòng tiền đầu tư. 

Tuy nhiên, mong muốn này dường như chưa thành hiện thực khi nhiều chỉ số chứng khoán không nhận được sự quan tâm đáng kể của dòng tiền.

Từ năm 2011, Intelligent Financial Research & Consulting (IFRC) và CTCK Dầu khí (PSI) đã bắt tay xây dựng bộ chỉ số PVN-Index với thành phần là các doanh nghiệp trong ngành dầu khí đang niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán. PVN-Index gồm 2 nhóm là chỉ số đại diện và chỉ số đầu tư với năm khởi điểm là 2008.

Nhóm chỉ số đại diện một lần nữa được phân thành các chỉ số thị trường (PVNAllshare, PVNAllshare Continuous, PVNAllshare HSX, PVNAllshare HNX) và các chỉ số ngành (dầu khí, vật liệu cơ bản, tài chính, công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ tiện ích).

Còn chỉ số đầu tư, hay còn gọi là PVN10, gồm 10 cổ phiếu có giá trị vốn hoá tự do giao dịch và giá trị giao dịch lớn nhất trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX), đó là PVS, PVD, GAS, DPM, PVX, PVT, PGD, PET, PGS và PXS.

PVN-Index xuất hiện trên thị trường từ tháng 8/2012, nhưng đến nay, một số trong bộ chỉ số này mới thực hiện chức năng “bật sáng” nhóm cổ phiếu dầu khí và chưa có ứng dụng nào được phát triển từ bộ chỉ số này. Công ty Quản lý Quỹ đầu tư tài chính dầu khí (PVFC Capital) từng có ý định thành lập quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tham chiếu PVN10, nhưng Thông tư 229/2012/TT-BTC chỉ cho phép các quỹ ETF được mô phỏng các chỉ số do 2 Sở cung cấp; việc mô phỏng các chỉ số do các đơn vị khác xây dựng chưa được phép.

Hồi tháng 3/2014, PVFC Capital cho biết, vì không thể thành lập ETF mô phỏng PVN10 nên công ty quản lý quỹ này sẽ thành lập quỹ mở đầu tư vào rổ PVN10 với quy mô ban đầu khoảng 100 tỷ đồng. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có thông tin gì thêm về quỹ dự định này.

Nhìn rộng hơn, nhiều chỉ số do HOSE và HNX xây dựng đến nay vẫn khá im ắng. Tính tham khảo không cao vì một số lý do sau. Thứ nhất, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ, rất khó theo dõi diễn biến của các chỉ số ngoài VN-Index, VN30, HNX-Index và HNX30. Chẳng mấy CTCK có bảng giá riêng cho từng chỉ số, ngoại trừ các chỉ số vừa nêu. Dữ liệu lịch sử của chúng cũng không biết tìm ở đâu và nếu không có các công cụ phân tích hỗ trợ thì dữ liệu có được sẽ không đầy đủ và chỉ ở một giai đoạn nhất định nào đó.

Thứ hai, các CTCK cũng chỉ tập trung phân tích các chỉ số chính là VN-Index, VN30, HNX-Index và HNX30, chẳng mấy khi họ đả động đến các chỉ số khác. Thứ ba, nếu có điều kiện nhìn vào biểu đồ của các chỉ số, nhà đầu tư sẽ thấy các chỉ số thị trường trên cùng một sàn có sự tương quan với nhau rất cao.

VN30 ra đời từ tháng 2/2012 đã được các nhà đầu tư đón nhận tích cực vì có thêm một chỉ dẫn về thị trường bên cạnh VN-Index. Tuy nhiên, chính HOSE cũng thừa nhận 2 chỉ số này tương quan với nhau khá cao. Tháng 1/2014, HOSE đã ra mắt các chỉ số mới là VNMidcap, VNSmallcap, VN100 và VNAllshare nhằm phản ánh diễn biến đa dạng hơn cổ phiếu của các công ty niêm yết trên sàn.

Về tính ứng dụng, không phải chỉ có PVN-Index mà ngay cả các bộ chỉ số chính thức của HOSE và HNX cũng chưa được sử dụng nhiều, ngoại trừ Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam (VFM) dùng VN30 làm tham chiếu cho ETF đầu tiên của mình.

VFM manh nha ý tưởng thành lập ETF từ khi có VN30, nhưng quỹ này không thể ra đời sớm hơn vì đến cuối tháng 12/2012, khung pháp lý quan trọng là Thông tư 229 hướng dẫn thành lập và quản lý đối với loại hình quỹ này mới được ban hành. Môi trường để ETF hoạt động cũng chưa hoàn thiện, chẳng hạn chưa có nhà tạo lập thị trường và cơ chế vay mượn chứng khoán.

Hiện nay, lập ETF để đầu tư vào giả sử 20 cổ phiếu trên HOSE và 10 cổ phiếu trên HNX chắc chắn là chưa được phép, vì không có chỉ số chính thức nào gồm các thành phần này. Tuy nhiên, nếu lập một EFT mô phỏng cùng lúc VN30 và HNX 30 có được hay không thì Thông tư 229 không nói rõ.

Ông Mai Hữu Minh, Tổng giám đốc IFRC, nhận xét: “Hiện nay, nhu cầu sử dụng chỉ số nội địa của Việt Nam còn thấp. Trước mắt, mọi người chỉ quan tâm đến chỉ số ở khía cạnh tạo sản phẩm ETF. Thêm nữa, quy định buộc các ETF phải dựa trên chỉ số của HOSE và HNX đã vô hình trung ngăn cản sự sáng tạo trong việc thiết kế chiến lược đầu tư. Các quỹ đang phải xây dựng thử nghiệm các ETF dựa trên các khuôn sẵn có và chính thống là VN30 và HNX30. Những chỉ số này hiện chưa được tối ưu lắm, một số cổ phiếu trong rổ tính chỉ số chưa đủ điều kiện về độ thanh khoản. Điều này sẽ gây khó cho nhà quản lý quỹ vì sẽ phát sinh chi phí cao, tracking error cao”.

Chỉ số đầu tiên trên thế giới, Dow Jones, ra đời năm 1889 với mục đích giúp mọi người biết được phác đồ và nhịp đập của TTCK Hoa Kỳ. Kể từ đó, mục tiêu tạo lập và sử dụng chỉ số ngày càng phát triển như chỉ số làm định chuẩn, dùng để quảng bá hình ảnh, để theo dõi đầu tư, để nghiên cứu về thị trường, để tạo lập và định giá các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn...

Ông Minh cho biết, IFRC đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng nhiều chỉ số cho nhiều mục đích nêu trên. IFRC đang hướng đến chào các chỉ số khả doanh của Việt Nam để hỗ trợ các ETF ở nước ngoài như trường hợp của FTSE Việt Nam và chỉ số Vietnam Market Vector. Đối với thị trường trong nước, IFRC đang giới thiệu với các quỹ đầu tư dịch vụ thiết kế các chỉ số chiến lược tùy chỉnh và cùng với họ tìm kiếm sự đồng thuận của các sàn và để tạo các ETF.

Với quan điểm “không ai có thể chiến thắng thị trường”, nhiều nhà đầu tư, kể cả cá nhân, đã lựa chọn đầu tư vào một vài ETF ở các phân khúc khác nhau để có được một danh mục thị trường. Chỉ khi cổ phiếu Việt Nam có tên trong danh mục đầu tư trên TTCK quốc tế thì những thông tin kiểu như VN-Index thuộc nhóm chỉ số tăng cao nhất thế giới mới có nhiều ý nghĩa.

Tin bài liên quan