NĐT kỳ vọng các DN niêm yết sẽ mở room tối đa, nhưng lãnh đạo không ít DN lại thờ ơ

NĐT kỳ vọng các DN niêm yết sẽ mở room tối đa, nhưng lãnh đạo không ít DN lại thờ ơ

Chế tài nào nếu HĐQT doanh nghiệp không muốn mở room?

(ĐTCK) Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã cho phép các DN không thuộc ngành nghề bị hạn chế đầu tư được nới tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài (room) lên tới 100%, mà không cần phải tổ chức họp ĐHCĐ. 

Tuy nhiên, để thực hiện được quy định này, DN phải có Nghị quyết HĐQT và không có quy định về thời hạn thực hiện cụ thể. Vậy cổ đông, nhà đầu tư đại chúng phải làm cách nào để DN được nới room nếu HĐQT không muốn?

Từ câu chuyện Bibica

Khoảng hai năm trước, tranh chấp quyền lực xung quanh các nhóm cổ đông nội và ngoại tại CTCP Bibica đã diễn ra khá mạnh mẽ. Việc bất phân thắng bại giữa nhóm cổ đông ngoại và nhóm cổ đông cũ cùng Ban lãnh đạo Bibica đến từ việc cơ cấu sở hữu lúc đó khiến không nhóm NĐT nào có khả năng nắm quyền sở hữu đủ lớn để chi phối tại đây. Vì cơ cấu quyền lực như vậy, những cuộc chiến nội bộ đã diễn ra, khiến tham vọng của Bibica trong chiếm lĩnh thị trường bánh kẹo nội địa trở thành không đơn giản.

Mọi chuyện có thể sẽ khác, nếu Bibica giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài ở mức dưới 35%, hoặc cho phép họ nắm trên 65% từ mấy năm trước, thay vì mức 49% - mức trần áp dụng đồng loạt cho các DN niêm yết không thuộc khối ngân hàng.

Hiện nay, với cơ cấu cổ đông tập trung vào 2 thái cực - nhóm cổ đông nội gồm Thực phẩm PAN (PAN Food) và XNK Thủy sản Bến Tre (ABT) tổng số nắm đến 46,49% (trong đó PAN Food nắm 42,9% vốn điều lệ của Bibica) và nhóm cổ đông ngoại - Lotte Confectionery Co Ltd nắm 44,03% vốn điều lệ, “cuộc chiến” quyền lực tại Bibica sẽ khó có hồi kết, ngay cả khi mở room ngoại lên 100%.

Nhưng đặt trường hợp sở hữu và tham vọng thâu tóm của Lotte ở một DN niêm yết khác, ván bài có thể sẽ khác nhiều. Điều gì sẽ xảy ra nếu Lotte muốn tăng sở hữu cổ đông muốn bán, nhưng HĐQT cố tình lờ đi vấn đề nới room? 

Khi HĐQT né mở room

Không nói đến những DN hoạt động yếu kém, không có sức hấp dẫn cả NĐT nội và ngoại gia tăng sở hữu, có một thực tế là nhiều DN hoạt động rất hiệu quả, nhưng sở hữu của các thành viên HĐQT có thể cũng không lớn. Đặc biệt, với các DN có tốc độ tăng trưởng quy mô lớn hay có nguồn gốc Nhà nước, sở hữu của HĐQT tại DN (trừ thành viên đại diện vốn Nhà nước) thường khá nhỏ.

Trong những trường hợp này, DN có thể là mục tiêu thâu tóm của cổ đông ngoại; NĐT nội, ngoài Ban lãnh đạo cũng có thể có mong muốn DN… bị thâu tóm để vào tay một chủ khác, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn. Với quyết định tăng room - như tinh thần của Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/2015/TT-BTC, nếu thực thi nghiêm túc, cả cổ đông nội và ngoại có thể sẽ cùng đạt được nguyện vọng của mình.

Theo Nghị định 60, DN có ngành nghề không thuộc trường hợp bị hạn chế đầu tư thì được mở room đến 100%. Trường hợp DN muốn mở room với tỷ lệ thấp hơn, phải được ĐHCĐ thông qua. Tinh thần này được ghi nhận tại Thông tư 123, theo đó, muốn mở room lên mức Luật định, DN phải thực hiện báo cáo nhà quản lý. Việc báo cáo được hướng dẫn chi tiết hơn, theo đó, HĐQT thay mặt công ty báo cáo về tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, đây lại là điểm phát sinh vấn đề.

Khi các văn bản pháp lý có hiệu lực, mong chờ nới room của cổ đông nội và ngoại tại DN đại chúng chưa chắc đã thành hiện thực, nếu cơ cấu sở hữu của một nhóm cổ đông không đủ lớn và trong tình huống HĐQT không sẵn sàng… quyết việc nới room. Đã có nhiều trường hợp, Ban lãnh đạo DN tìm mọi cách chống đối phương án thoái vốn của SCIC để bảo vệ ghế của mình. Nay, với những DN có tư duy kiểu này, chuyện họ “mở lòng” để đối tác ngoại vào thay thế mình có thể sẽ càng khó hơn nữa.

Nghị định 60 khi được ban hành (ngày 26/6/2015) đã tạo nên sự hào hứng cho nhiều nhà đầu tư, nhiều cổ đông đại chúng của các DN niêm yết. Tuy nhiên, tiếp xúc của ĐTCK với nhiều DN cho thấy, lãnh đạo DN chủ yếu là rất ơ hờ, hoặc từ chối trả lời về vấn đề mở room vì lý do… nhạy cảm. 

Làm gì nếu HĐQT không muốn nới room?

Tại sao văn bản pháp lý lại trao quyền mở room của DN đại chúng cho HĐQT? Lãnh đạo UBCK cho biết, do mỗi DN có ngành nghề kinh doanh khác nhau, thậm chí hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau, nên trước hết, DN phải thực hiện việc rà soát ngành nghề của mình để biết mức tối đa về room là bao nhiêu. HĐQT tại DN phải báo cáo UBCK và Sở GDCK để công bố thông tin và chốt tỷ lệ sở hữu tại hệ thống giao dịch trên Sở. Yêu cầu này phù hợp với Điều 143 Luật Doanh nghiệp: HĐQT mới có quyền nhân danh DN. Đó là lý do vì sao HĐQT phải có trách nhiệm họp thông qua mức sở hữu của NĐT ngoại tại DN và báo cáo cơ quan quản lý trong trường hợp DN mở room như Luật định.

Thêm vào điều đó, vị này cho hay, quy định cũ áp chặt tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài là 49% vốn điều lệ, nay với quy định mới, DN lần đầu tiên được trao quyền tự quyết về room cho mình. Theo đó, DN có thể lựa chọn để room ở mức tối đa.

Tuy nhiên, điều khiến nhà đầu tư đại chúng quan tâm là, trong trường hợp cổ đông muốn mở room, nhưng HĐQT không muốn, thì cách nào để thúc đẩy được, khi Thông tư 123 không quy định thời hạn DN phải tổ chức họp HĐQT bàn về vấn đề này, dù thời hạn có hiệu lực của Thông tư 123 là 1/10/2015?

Về vấn đề này, đại diện UBCK cho biết, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ trong 6 tháng, trong trường hợp muốn mở room nhưng HĐQT không thực hiện nghĩa vụ của mình thì có quyền yêu Ban kiểm soát triệu tập họp ĐHCĐ, hoặc đứng ra tổ chức họp ĐHCĐ theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Về chế tài xử lý, lãnh đạo UBCK cho hay, hiện nay, UBCK đang sửa Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Theo đó, có thể sẽ nghiên cứu xem xét vấn đề này chi tiết hơn dưới góc độ bảo vệ quyền và lợi ích của cổ đông, nhưng chủ trương chung là tôn trọng quyền tự quyết của DN.

Như vậy, cách duy nhất để DN được mở room trong trường hợp HĐQT không muốn mở là tổ chức họp ĐHCĐ. Tuy nhiên, câu chuyện về những rắc rối, khiếu kiện phát sinh liên quan đến tổ chức họp ĐHCĐ của CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) khi cổ đông lớn đứng ra tổ chức họp ĐHCĐ vẫn còn đó và có thể sẽ là bài học không chỉ với các NĐT.

Hy vọng mở room của các NĐT đại chúng tại các DN mình góp vốn chưa dễ trở thành hiện thực, nếu không có một chế tài từ cơ quan quản lý thúc đẩy HĐQT thực thi việc này. 

Tin bài liên quan