Chào mua công khai: Trao cho cổ đông quyền “trải thảm” đón cổ đông chi phối

Chào mua công khai: Trao cho cổ đông quyền “trải thảm” đón cổ đông chi phối

(ĐTCK) Ông Từ Văn Nhũ, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, quy định về chào mua công khai hiện nay đã đủ, nhưng cách hiểu cần được rõ ràng hơn.

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang trở thành công cụ hữu hiệu để phục vụ mục đích đầu tư trên thị trường. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Từ Văn Nhũ, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, quy định hiện tại đáp ứng được yêu cầu bảo vệ lợi ích nhà đầu tư mà vẫn trao cho họ quyền “trải thảm” đón cổ đông chi phối, nhưng vẫn còn một số vấn đề pháp lý cần được giải quyết để phù hợp hơn thực tiễn thị trường.

Thưa ông, những ngày vừa qua, thị trường nhắc nhiều đến hoạt động chào mua công khai trong các thương vụ M&A, trong đó doanh nghiệp mục tiêu là công ty đại chúng, mà gần nhất là trường hợp Kido mua Dầu Tường An. Ở góc độ người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hành pháp và giờ là tư vấn pháp lý, ông đánh giá như thế nào về quy định chào mua công khai?

Theo quy định hiện hành, ngoại trừ các trường hợp cụ thể, việc nhà đầu tư muốn sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên tại công ty đại chúng, số chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; hoặc muốn mua tiếp từ 10% số cổ phiếu lưu hành của công ty đại chúng, số chứng chỉ quỹ của quỹ đóng trở lên, sau khi đã sở hữu từ 25% số cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành, phải thực hiện chào mua công khai.

Tôi cho rằng, quy định pháp luật về các vấn đề liên quan đến chào mua công khai là một bước tiến quan trọng để bảo vệ quyền lợi của cổ đông nói chung, cổ đông nhỏ lẻ nói riêng tại các công ty đại chúng.

Nói như vậy bởi, 25% vốn điều lệ là tỷ lệ mà cổ đông, nhóm cổ đông có thể tham gia trực tiếp vào điều hành doanh nghiệp, thậm chí ở những doanh nghiệp mà mức độ đại chúng hóa sở hữu cao, thì có thể nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu.

Chào mua công khai: Trao cho cổ đông quyền “trải thảm” đón cổ đông chi phối ảnh 1

 Ông Từ Văn Nhũ, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao

Trong những trường hợp này, ràng buộc quy định về việc phải thực hiện chào mua công khai, trong đó thủ tục liên quan đến ý kiến của doanh nghiệp mục tiêu chính là một trong những cách quan trọng để bảo vệ lợi ích cổ đông hiện hữu, đặc biệt các cổ đông nhỏ lẻ.

Nhưng vẫn có nhiều thương vụ thâu tóm trên thị trường chứng khoán mà nhóm cổ đông mua chi phối doanh nghiệp mà không thực hiện chào mua công khai. Ông nghĩ sao về các trường hợp này?

Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung quy định các trường hợp không phải chào mua công khai, trong đó bao gồm trường hợp nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư được Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp mục tiêu cho phép sở hữu đến một tỷ lệ nào đó (ví dụ 25% vốn điều lệ, 50% vốn điều lệ hoặc thậm chí cao hơn nữa) mà không cần chào mua công khai.

Bên cạnh đó, các trường hợp mua vào dưới 10% số cổ phiếu của công ty đại chúng sau khi cổ đông, nhóm cổ đông đã sở hữu từ 25% vốn điều lệ công ty đại chúng trở lên, các trường hợp chuyển nhượng cổ phiếu giữa các công ty thuộc nhóm công ty mẹ con, hay chuyển nhượng theo quyết định của tòa án cũng không phải chào mua công khai, mua cổ phiếu phát hành mới theo phương án phân phối đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Muốn biết việc mua vào có hợp lệ hay không thì cần phải xem xét 2 vấn đề: giao dịch đó có nằm trong ngưỡng của yêu cầu chào mua công khai hay không và cổ đông đó có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về việc cho phép chào mua công khai hay không?

Trường hợp nhà đầu tư mua chi phối, nhưng doanh nghiệp có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông cho phép họ được nâng sở hữu mà không phải chào mua công khai, thì việc mua vào này là đúng pháp luật.

Theo ông, việc quy định các trường hợp miễn trừ này có đảm bảo công bằng cho cổ đông không?

Tôi cho rằng, phải có quy định này thì nhà đầu tư mới được trao quyền đầy đủ, hoàn chỉnh. Họ được bảo vệ bởi chống thâu tóm, nhưng cũng đồng thời được quyền “trải thảm” để đón cổ đông sở hữu chi phối tại doanh nghiệp mình đang đầu tư.

Trong quá khứ, thị trường đã chứng kiến một số trường hợp doanh nghiệp bị phạt vì sở hữu gần 100% vốn điều lệ của một công ty đại chúng khác mà không chào mua công khai, sau khi nhận chuyển nhượng vốn từ 3 cổ đông.

Rõ ràng, trong những trường hợp này, quy định về yêu cầu chào mua công khai không phát huy hiệu quả bảo vệ cổ đông, thậm chí gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, vì quy trình thủ tục thực hiện chào mua công khai không hề đơn giản chút nào, khá tốn kém về mặt thời gian và chi phí.

Theo quy định hiện tại, để thực hiện chào mua công khai, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ chào mua công khai, có ý kiến của Hội đồng quản trị doanh nghiệp mục tiêu, phải thực hiện công bố thông tin, chứng minh nguồn vốn, phải có công ty chứng khoán làm đại lý… Nếu không có trường hợp ngoại trừ, khi các cổ đông đồng thuận muốn bán, nhà đầu tư muốn mua, mà vẫn phải theo toàn bộ các quy trình này, thì đó là sự gò bó, thậm chí làm mất cơ hội của nhà đầu tư, chứ không phải là bảo vệ nữa.

Theo ông, quy định hiện hành về chào mua công khai hiện nay đã hoàn thiện chưa? Có vướng mắc gì cho việc thực hiện M&A của các nhà đầu tư?

Trong quá trình làm việc với doanh nghiệp, tôi thấy vẫn tồn tại một số điểm “vênh nhau” trong cách hiểu giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý về các trường hợp phải chào mua công khai, sau khi nhà đầu tư đã nắm từ ngoài trường hợp sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên và muốn mua tiếp nhưng không có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông cho phép nâng sở hữu mà không cần chào mua công khai.

Nhà đầu tư hiểu rằng, họ phải nâng mức sở hữu thêm từ 10% số cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp từ mức sở hữu hiện tại thì mới phải chào mua công khai, còn cơ quan quản lý lại cho rằng, mức 10% này là tính từ mốc 25%, tức là cứ chạm ngưỡng 35%, 45%... bất kể trước đó sở hữu bao nhiêu, thì đều phải chào mua công khai.

Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nên đưa ra văn bản hướng dẫn cách hiểu chính xác và duy nhất phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và theo đúng tinh thần của Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung.

Tin bài liên quan