Chặng đường đến 30 công ty chứng khoán tại Việt Nam

Chặng đường đến 30 công ty chứng khoán tại Việt Nam

(ĐTCK) Từ 103 CTCK được thành lập tại Việt Nam, ngành chứng khoán hiện còn 80 công ty đang hoạt động sau 4 năm tái cấu trúc. Những cái tên ấn tượng một thời như CTCK Âu Việt, Quốc tế, Delta, Trường Sơn, Hà Nội…, từ lâu không còn mấy ai nhớ tới. Quy mô thị trường còn nhỏ, trong khi có quá nhiều CTCK hoạt động, khiến sân chơi không đủ rộng cho tất cả.

Thà một lần đau…

Ngày 19/12/2013, CTCK Sao Việt ghi danh CTCK đầu tiên tại Việt Nam được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho giải thể, thủ tục thực hiện theo Luật Doanh nghiệp.

Vào thời điểm đó, Sao Việt được lãnh đạo bởi Chủ tịch Đinh Quang Chiến, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường chứng khoán Việt.

Quyết định giải thể, trong phương án trình cổ đông thông qua, ông Chiến lý giải là do Công ty hoạt động không hiệu quả, nên giải thể để chia tiền cho cổ đông.

Sau Sao Việt, CTCK thứ hai được chấp thuận giải thể là CTCK Chợ Lớn (tháng 1/2014). Công ty thứ ba giải thể là CTCK Âu Việt (AVS), khi tháng 9/2014 chốt quyền thanh toán, trả lại nhà đầu tư 6.300 đồng/cổ phiếu của Công ty.

Vào thời điểm đó, Chủ tịch CTCK Âu Việt Đoàn Đức Vịnh chia sẻ, rất khó khăn để ra quyết định giải thể doanh nghiệp sau 7 năm gắn bó, nhưng ông không hối tiếc. Thị trường còn nhỏ và đầy gian khó khiến ông và các cộng sự không nhìn thấy triển vọng bật lên. Giải thể để tìm con đường mới, làm lại từ đầu.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Đoàn Đức Vịnh cho biết, giã từ sự nghiệp chứng khoán năm 2014 đến nay, ông chưa có ý định trở lại thương trường. Hiện tại, ông dành thời gian cho gia đình là chính.

Khi hỏi về sự nuối tiếc, ông không ngần ngại chia sẻ: tiếc và nhớ nghề, nhưng nếu được quyết định lại, ông vẫn quyết giải thể. Lý do đơn giản là nếu để tiếp đến bây giờ, không biết vốn chủ sở hữu của AVS sẽ âm bao nhiêu nữa.

Cũng tâm trạng “thà một lần đau”, vì việc gì cũng chỉ có giá trị thời điểm, nguyên Chủ tịch CTCK Sao Việt, ông Đinh Quang Chiến chia sẻ với ĐTCK, giải thể Công ty, ông đồng thời thu hẹp các hoạt động đầu tư khác.

Từ là nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm, tham gia Hội đồng quản trị tại khá nhiều DN, ông Chiến lui về với cuộc sống đời thường, như ông nói là “vui với niềm vui của người có tuổi”, biết mình không phát huy được thì dừng lại sẽ tốt hơn. 

Chặng đường đến 30 CTCK tại Việt Nam

Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu thu hẹp số lượng CTCK, đồng thời nâng cao chất lượng các tổ chức này, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại Việt Nam và hướng đến việc hội nhập.

Xét trong tương quan với TTCK quốc tế, Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM Trần Đắc Sinh từng cho rằng, tại Việt Nam, số lượng CTCK chỉ cần 30 là đủ, càng nhiều công ty, thị trường càng rối và số lượng hoạt động lay lắt càng nhiều.

Tuy nhiên, nhà quản lý không thể hạn chế số lượng DN hoạt động trên thương trường, vì quyền kinh doanh là tự nguyện và bình đẳng cho tất cả (cũng giống như thời TTCK bùng nổ - 2006 - 2007, DN đủ điều kiện cấp phép thành lập theo quy định pháp lý là cơ quan quản lý phải có trách nhiệm xử lý hồ sơ, cho phép DN ra đời). Nhưng chính quy luật thị trường, theo thời gian, sẽ điều chỉnh tương quan số lượng các chủ thể tham gia về điểm hợp lý.

Đọc báo cáo thường niên 2015 của nhiều CTCK mới công bố gần đây cho thấy, có một lượng không nhỏ các DN đang sống lay lắt, chưa thấy đường ra. Nhiều cái tên như Chứng khoán Hùng Vương, Chứng khoán Hưng Thịnh, Chứng khoán Alpha, Chứng khoán Phượng Hoàng…, đã co hẹp hoạt động tối đa, với một vài chục nhân sự. Cơ hội nào cho các DN loại này đang là câu hỏi trên một thị trường mà sức ép cạnh tranh ngày một lớn hơn.

Cầm cự hay thay đổi là trăn trở với lãnh đạo nhiều CTCK. Nhà quản lý mong đợi quá trình tái cấu trúc CTCK sẽ diễn ra tự nguyện, thị trường còn khoảng 30 CTCK sẽ phù hợp với hiện trạng TTCK Việt Nam. Nhưng ai trong số các CTCK yếu sẽ chủ động từ bỏ cuộc chơi, góp phần trả lại sự “gọn gàng” cho TTCK? Thị trường cần những người mạnh dạn thay đổi.  

Cụ thể hóa việc giải thể CTCK

 Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Thông tư 07/2016/TT-BTC được ban hành mới đây là quy định cụ thể hóa việc giải thể CTCK.

Theo đó, Thông tư quy định, trong thời hạn không quá 45 ngày, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có ý kiến về phương án giải thể, CTCK phải công bố thông tin và thông báo đến từng khách hàng theo phương án; phải thực hiện tất toán tài khoản, hoàn trả (chuyển khoản) đầy đủ tiền và chứng khoán theo yêu cầu khách hàng.

Sau khi hết thời hạn tất toán tài khoản, lập danh sách toàn bộ số tài khoản của khách hàng chưa đến tất toán kèm theo số dư tiền và chứng khoán của từng tài khoản này. CTCK có thể thỏa thuận thực hiện chuyển giao tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng còn tồn cho CTCK khác…    

Tin bài liên quan