Tin đồn Apple mua FPT khiến cổ phiếu của tập đoàn này có phiên tăng mạnh với giao dịch khủng

Tin đồn Apple mua FPT khiến cổ phiếu của tập đoàn này có phiên tăng mạnh với giao dịch khủng

Cảnh giác với “tin tốt” trên thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Vừa qua, thông tin về việc Apple mua lại Tập đoàn FPT đã khiến cổ phiếu FPT có phiên tăng kịch trần với khối lượng giao dịch kỷ lục. Cuối cùng, lãnh đạo FPT đã phải lên tiếng khẳng định rằng đó chỉ là “tin vịt”. Đây chỉ là một trong muôn vàn kiểu “tin tốt” mà nhà đầu tư đang đón nhận hàng ngày.

“Tin tốt ra trước”

Hiện đang là thời điểm các DN công bố báo cáo tài chính quý II/2014. Tuy nhiên, số DN chưa công bố báo cáo hiện vẫn còn nhiều và một số DN đang “cố gắng” đưa ra con số ước tính kết quả kinh doanh trong kỳ. Các CTCK không chỉ ước kết quả kinh doanh của DN mà còn kèm theo nhận định và khuyến nghị. Nhà đầu tư tỉnh táo thì cho rằng, đó chẳng qua là “hiện tượng tin tốt ra trước”, vì thực tế đã có không ít trường hợp thông tin bị đảo ngược 180 độ.

Chẳng hạn, tại CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), quý I/2014, Công ty báo lãi ròng gần 28 tỷ đồng. Đáng chú ý, trước khi có kết quả này, đầu tháng 3/2014, báo chí trích thông tin từ lãnh đạo TLH đưa ra lợi nhuận ước tính quý I vào khoảng 30 - 50 tỷ đồng (không nói rõ trước thuế hay sau thuế). 

Sau khi thông tin trên được đăng tải, cổ phiếu TLH đã tăng nhiều phiên liên tiếp, lên 11.100 đồng/CP, để rồi khi báo cáo chính thức được công bố vào giữa tháng 5/2014 thì TLH chỉ còn 7.400 đồng/CP, dù phiên đó cũng tăng trần. Cũng khó nói là TLH tăng trần vào ngày ra báo cáo chính thức là do kết kinh doanh khả quan hay đơn thuần chỉ vì cổ phiếu này đã có 3 phiên giảm sàn trong 4 phiên giao dịch trước đó.

Hiện TLH chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2014, nhưng một thông tin được nhiều người truyền cho nhau mấy ngày gần đây cho biết TLH lãi ròng 30 tỷ đồng trong 2 tháng 4 và 5, ước tính 6 tháng đầu năm con số này là 60 tỷ đồng. 

Rất có thể thông tin này xuất phát từ bộ phận phân tích hoặc tư vấn đầu tư của một CTCK, là loại thông tin thường được nhân viên môi giới gửi cho khách hàng. Nhưng rõ ràng, thông tin này có nhiều điểm không hợp lý, vì trong bối cảnh “ngành thép tăng trưởng khá tốt trong các tháng vừa qua” như báo cáo này phân tích, không lẽ TLH không có đồng lợi nhuận nào trong tháng 6?

Về triển vọng của TLH, đoạn tin viết: “Tháng 12/2013, Công ty đã khánh thành toà văn phòng mới tại Biên Hòa và Công ty Thép Bắc Nam có vốn đầu tư 500 tỷ đồng, một liên doanh mà TLH nắm cổ phần chi phối. Trong các tháng đầu năm, nhà máy này mới đi vào hoạt động nên chỉ đóng góp khiêm tốn lợi nhuận ở mức 3 tỷ đồng, nhưng khi vận hành ổn định, mức độ đóng góp vào thu nhập có thể tăng lên đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay ngành thép đang phục hồi khá tốt”.

Ở đây có nhiều thông tin không chính xác. Tại thời điểm khánh thành, Nhà máy thép Bắc Nam có tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, chứ không phải 500 tỷ đồng. Thép Bắc Nam là công ty liên kết, chứ không phải liên doanh của TLH. Tỷ lệ sở hữu 48% của TLH tại thép Bắc Nam không thể gọi là chi phối.

Tốt nhưng không mới

CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2014 với doanh thu và lợi nhuận khá tích cực. Cụ thể, PVB đạt hơn 348 tỷ đồng doanh thu thuần và 89 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt là 35,3% và 332,6% so với cùng kỳ. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận của PVB đạt 109 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra cho cả năm chỉ có 87,6 tỷ đồng.

CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định: “PVB có hoạt động kinh doanh khá điển hình và triển vọng doanh và thu lợi nhuận trong vòng 2 năm tới được bảo đảm bằng hợp đồng cung cấp ống, bọc ống dầu khí cho các dự án của GAS (điển hình là Dự án Nam Côn Sơn 2 có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng). Với triển vọng tích cực này, PVB đã tăng trần cả phiên (ngày 21/7) tại mức giá 34.100 đồng/CP”.

Tuy nhiên, VDSC lưu ý, cổ phiếu này đã tăng khá mạnh trong khoảng 6 -7 phiên trở lại đây, từ mức 27.300 đồng/CP vào ngày 11/7. Vì vậy, thông tin kết quả kinh doanh này có thể đã được phản ánh vào giá trong thời gian qua.

Rõ ràng nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh rất tích cực, nhưng nếu ai đó đu theo thông tin để mua cổ phiếu thì rất có thể sẽ phải trở thành “nhà đầu tư dài hạn”.

Có lẽ vì thế mà nhiều CTCK khuyến nghị rằng, nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục mua vào các mã cơ bản tốt với kết quả kinh doanh khả quan trong quý II. Cũng không có gì là mâu thuẫn khi có CTCK khuyến nghị nhà đầu tư bán ra cổ phiếu của những DN đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2014 và gọi đây là một “chiến thuật”, vì ngay cả khi DN có kết quả kinh doanh khả quan thì dư địa để cổ phiếu tăng tiếp trong ngắn hạn hầu như không còn do giá đã tăng khá nhiều từ lúc tin chưa ra.       

Tin bài liên quan