Canh bạc JVC

Canh bạc JVC

(ĐTCK) Giới phân tích của các CTCK, phóng viên của các tờ báo viết về tài chính, cổ đông lớn của CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), là những người có mặt trong buổi gặp gỡ chiều 6/7 do Ban lãnh đạo Công ty tổ chức.

Kết thúc cuộc gặp này hầu hết những người tham dự đều thất vọng vì không có thông tin mới nào đáng chú ý, trái lại còn mang đến một cảm giác về lỗ hổng rất lớn trên TTCK, đến từ chính những nhà đầu tư bỏ vốn lớn vào Công ty.

Đại diện quỹ DI, cổ đông sở hữu trên 30% cổ phần JVC và hiện nắm quyền điều hành doanh nghiệp không biết lý do vì sao nguyên chủ tịch Lê Văn Hướng bị bắt, không biết (hoặc muốn giấu) hiện giờ Công ty còn bao nhiêu tiền, khả năng thu hồi công nợ của Công ty ra sao, các ngân hàng mà DN đang vay nợ, dự kiến kết quả kinh doanh quý II như thế nào…

Tóm lại là những thông tin cần thiết và thiết yếu nhất đối với một nhà đầu tư khi bỏ vốn lớn vào doanh nghiệp, ông Hosono Kyohei, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc JVC đều không biết.

Ông này giải thích rằng, do hệ thống quản trị của JVC quá yếu, việc tra xuất số liệu khó khăn khiến DI, cho đến thời điểm này vẫn chưa thể cập nhật được thực trạng sức khỏe tài chính của Công ty. Một câu trả lời rõ ràng hơn cho vụ việc liên quan đến ông Hướng, được lãnh đạo Công ty này hứa hẹn có thể đưa ra vào ngày 8/7.

Vậy JVC tổ chức cuộc gặp trên để làm gì? Một đại diện của doanh nghiệp này cho biết, vì trót lên lịch, trót mời giới phân tích, cơ quan truyền thông nên phải tổ chức. Câu trả lời thật ngây ngô và cũng khó thuyết phục, nhất là với một doanh nghiệp đang bị khủng hoảng thông tin và rất cần những thông tin chính xác, thống nhất.

Muốn hay không, JVC cũng phải thừa nhận, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi sự kiện liên quan đến dàn lãnh đạo cũ của Công ty. Đối tác, bạn hàng có thể quay lưng, ngân hàng có thể siết nợ, cổ đông mất niềm tin vào ban lãnh đạo DN, đặc biệt công tác điều tra vẫn đang tiếp tục và khó có thể lượng hóa tác động của nó tới tương lai của DN tới đây.

Không một doanh nghiệp nào có thể độc tôn trên thị trường, kể cả những DN có lĩnh vực kinh doanh độc quyền. JVC hoạt động trong lĩnh vực phân phối thiết bị y tế, càng không phải là lĩnh vực không thể có những đối thủ cạnh tranh.

Với những gì công chúng đã biết về JVC những ngày qua, đặc biệt là sự dễ tính và ngây thơ đến khó hiểu của những cổ đông Nhật Bản thể hiện trong cuộc gặp ngày 6/7, liệu có nên tin vào một tương lai sáng sủa của JVC?

Những nhà đầu tư nào bỏ tiền bắt đáy JVC rất dũng cảm, bởi với một doanh nghiệp đang rất mù mờ về thông tin, dường như họ đang đánh bạc với đồng vốn của mình. Còn với giới quan sát, 3 phiên tăng trần vừa qua của JVC có thể mang hơi hướng của một kế hoạch lớn sau đó: đánh lên để thoát hàng. Khoảng 22 triệu cổ phiếu đã được sang tay, phần lớn khớp lệnh trong 2 phiên giao dịch, trước khi JVC trở lại sắc đỏ trong phiên ngày 7/7.

Tin bài liên quan