Cẩn trọng khi “dòng tiền lớn” xong nhiệm vụ

Cẩn trọng khi “dòng tiền lớn” xong nhiệm vụ

(ĐTCK) Gần đây, VN-Index liên tục tăng điểm mạnh. Trên sàn chứng khoán, nhiều người nghĩ đến khả năng “bạo phát, bạo tàn” mà chính thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng trải qua cách đây 10 năm.

Hai tuần hậu sự kiện APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam, chỉ số chứng khoán liên tục leo dốc, chinh phục các đỉnh cao mới. Phiên 22/11, VN-Index tăng trên 14 điểm, kết phiên dừng ở mức 932,6 điểm, với thanh khoản đạt 6.453 tỷ đồng. So với thời điểm đầu tháng 11/2017, VN-Index tăng hơn 90 điểm, tương đương 10,6%.

Sự tăng lên mạnh mẽ của chỉ số chứng khoán tạo ra những phản ứng tâm lý khác nhau trên thị trường. Trên sàn chứng khoán, nhiều người nghĩ đến khả năng “bạo phát, bạo tàn” mà chính TTCK Việt Nam đã từng trải qua cách đây 10 năm (VN-Index tăng lên 1.137 điểm, sau đó rơi sâu xuống còn 234 điểm).

Tuy nhiên, một số người khác tỏ ra lạc quan với đà tăng trong ngắn hạn, khi nhìn thấy dòng tiền vẫn đang hào hứng và có thể sẽ tiếp tục ủng hộ chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn và gắn với câu chuyện Nhà nước thoái vốn.  

Lý giải về sự quay trở lại của dòng tiền lớn, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC cho rằng, dòng tiền lớn tham gia thị trường theo nguyên lý tiền lớn vào hàng lớn (bluechips).

“Dòng tiền lớn này còn làm một nhiệm vụ nữa là kích hoạt thêm dòng tiền tham gia mạnh vào chứng khoán để hỗ trợ việc Nhà nước hoàn tất kế hoạch thoái vốn năm 2017, xa hơn là khơi dậy dòng tiền vào chứng khoán, chuẩn bị cho việc nâng hạng TTCK Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Thực tế cho  thấy, nhóm cổ phiếu nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC và những cổ phiếu của doanh nghiệp lớn có kế hoạch IPO hoặc thoái vốn nhà nước trong năm 2018 như SAB, HBN, PV Power… đều là những cổ phiếu cơ bản tốt và được nhiều nhà đầu tư săn đón khi có thông tin thoái vốn. 

“Trong ngắn hạn, tôi tin rằng, dòng tiền vẫn sẽ hỗ trợ thị trường, nhưng khi nhiệm vụ hoàn thành, nếu không có các hỗ trợ khác đủ mạnh, hoặc sự gia tăng của dòng tiền ngoại, thì khả năng điều chỉnh trên TTCK Việt Nam là có thể xảy ra”, ông Tuấn nói thêm.

* Tỷ lệ ảnh hưởng ngày 22/11 (giá trị vốn hóa từng cổ phiếu chia cho giá trị vốn hóa toàn thị trường), theo đó, tỷ lệ này càng lớn thì biến động giá của cổ phiếu càng có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số. Ví dụ, nếu các yếu tố khác không đổi, thì giá VNM ngày 23/11 tăng 1% sẽ khiến VN-Index tăng 0,11%.
** So với giá đóng cửa phiên chào sàn ngày 6/11 

Chuyên gia chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankSc) Dương Thanh Hà Anh cho rằng, giá một số cổ phiếu cơ bản đã rơi khá sâu, bất chấp VN-Index tăng mạnh, gây ra tâm lý "cuộc chơi một chiều", chỉ dành cho các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn.

Tuy nhiên, khi nhìn lại những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn bật tăng gần đây sẽ thấy, việc tăng mạnh là có lý do, chứ không phải là vô căn cứ. Nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào việc Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp đã khiến cho những cổ phiếu của doanh nghiệp loại này tăng cao. Dòng tiền lớn tập trung vào nhóm cổ phiếu nóng đã vô tình lãng quên nhiều cổ phiếu cơ bản và vốn hóa nhỏ (penny), khiến hầu hết các mã này rớt giá.

“VN-Index liên tục chinh phục đỉnh mới là diễn biến tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ là một nhà đầu tư, tôi thấy rằng, các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn đang dần trở thành cổ phiếu đầu cơ, bởi chúng liên tục tăng mạnh và nhà đầu tư liên tục mua vào”, ông Hà Anh nói.

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, những cơ hội luôn đi kèm với rủi ro, vì vậy nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi giải ngân.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dòng tiền đổ mạnh vào các mã có câu chuyện Nhà nước thoái vốn, trong đó có VNM là sự thật, nhưng hầu hết nhà đầu tư cá nhân xem đây là cơ hội lướt sóng hơn là đầu tư giá trị.

Theo quan điểm ông Lân, nếu muốn lướt thì cần “nhanh tay lẹ mắt” và quyết đoán khi đua lệnh, mua khi giá cổ phiếu mới vừa lên, vừa tạo ra các tín hiệu mua trên biểu đồ kỹ thuật. Còn mua sau khi giá đã tăng 15 - 20% thì cần đề phòng rủi ro T+3.

Kiếm tiền bằng cách lướt theo các mã lớn đã mang lại những khoản lợi nhuận lớn cho nhiều chủ thể, nhưng các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư rất cần xem xét định giá của các công ty chứng khoán về giá trị hợp lý của các cổ phiếu.

Khuyến cáo này xuất phát từ khả năng việc tăng giá trên sàn có thể đến từ động thái gom hàng của một số nhà đầu tư lớn nào đó. Khi việc tăng giá cổ phiếu không đến từ lý do hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện mạnh mẽ và bền vững thì không có gì đảm bảo đà tăng sẽ kéo dài.                

Tin bài liên quan