Thị trường chứng khoán phái sinh  chuẩn bị đi vào vận hành, đòi hỏi phải tăng cường công tác giám sát giao dịch chứng khoán

Thị trường chứng khoán phái sinh chuẩn bị đi vào vận hành, đòi hỏi phải tăng cường công tác giám sát giao dịch chứng khoán

Cần đổi mới giám sát giao dịch chứng khoán

(ĐTCK) Cùng với sự phát triển của thị trường về quy mô, số lượng giao dịch, số lượng nhà đầu tư thì các hành vi vi phạm cũng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. 

Thực tế này cũng như thị trường chứng khoán phái sinh chuẩn bị đi vào hoạt động đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác giám sát giao dịch chứng khoán, đồng thời đổi mới và hoàn thiện hệ thống giám sát nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cần đổi mới giám sát giao dịch chứng khoán ảnh 1

Luật sư Lê Tuấn Anh, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam 

Theo quy định của Thông tư 13/2013/TT-BTC, các sở giao dịch chứng khoán xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán trên sở để làm cơ sở tiến hành giám sát giao dịch sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Các tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán là bí mật nghiệp vụ, không công bố. Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam cho thấy, tiêu chí giám sát nên tập trung vào các khía cạnh: bất thường về khối lượng giao dịch, phương thức giao dịch và giá chứng khoán.

Từ góc độ đầu tư, mục đích của việc giám sát giao dịch chứng khoán là nhằm bảo vệ thị trường và nhà đầu tư khỏi những hành vi ảnh hưởng xấu đến thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng. Việc giám sát và phát hiện các giao dịch bất thường nhằm mục đích xác minh một giao dịch có phải là giao dịch bị cấm hay không. Theo quy định tại Điều 70, Nghị định 58/2012/NĐ-CP, các giao dịch bị cấm gồm: các giao dịch nội bộ (insider trading), các giao dịch thao túng thị trường và các giao dịch bị cấm khác. Dưới đây là các ví dụ được phân tích hướng đến các tiêu chí cơ bản trong việc giám sát, điều tra giao dịch nội bộ và giao dịch thao túng giá chứng khoán.

Các giao dịch nội bộ

Theo quy định, thông tin nội bộ là các thông tin liên quan đến công ty đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng đó. Bản chất của các giao dịch này là việc người biết thông tin nội bộ (các insiders) sử dụng các thông tin này để mua, bán chứng khoán hoặc vô tình hay cố ý tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán dựa trên thông tin nội bộ. Nội hàm khái niệm về insiders dường như rất rộng, bao gồm tất cả những ai biết hoặc có được thông tin nội bộ bằng bất cứ hình thức nào.

Đối với các insider trading này, đặc điểm dễ nhận thấy là có một sự kiện, thông tin nào đó phát sinh làm cho giá chứng khoán của công ty đại chúng thay đổi trong một biên độ được xem là bất bình thường. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên tập trung điều tra các giao dịch phát sinh trước thời điểm xảy ra các sự kiện bất thường.

Ví dụ, ImClone Systems là một hãng sản xuất thuốc sinh học của Hoa Kỳ. Một trong những loại thuốc quan trọng của hãng là Erbitux đã không được Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm của Hoa Kỳ (US FDA) phê duyệt cho sử dụng vào thời điểm tháng 12/2001. Trước khi quyết định của FDA được công bố, khối lượng giao dịch cổ phiếu ImClone Systems tăng đột biến, sau đó giá chứng khoán lao dốc.

Kết quả điều tra cho thấy, bạn bè và các thành viên gia đình của cổ đông sáng lập ImClone Systems là Samuel D. Waksal đã bán một số lượng lớn cổ phiếu trước thời điểm quyết định của FDA được công bố. Samuel đã bị kết án 7 năm và 3 tháng tù về nhiều tội danh, trong đó có tội danh về insider trading. Tất cả các giao dịch của cá nhân, tổ chức trước thời điểm FDA công bố quyết định không phê duyệt việc sử dụng thuốc Erbitux đều bị điều tra và xử lý nghiêm.

Có thể thấy, cơ quan có thẩm quyền sẽ khoanh vùng các giao dịch và điều tra từ những người đã thực hiện giao dịch (mua, bán), xem xét mối quan hệ giữa những người giao dịch với những người biết thông tin nội bộ mà trước hết là quan hệ họ hàng, bạn bè, quan hệ cung cấp dịch vụ. Trong ví dụ kể trên, một cá nhân là bà Martha Stewart bị xử lý hình sự khi người môi giới chứng khoán của bà là Peter Bacanovic mách nước cho Martha biết về việc giá cổ phiếu của ImClone Systems sẽ đi xuống và bà đã bán cổ phiếu này ngay trước ngày FDA công bố quyết định của mình.

Về nguyên tắc, bất kỳ thông tin nào trong nội bộ (ví dụ: quyết định bắt, khởi tố lãnh đạo của một công ty đại chúng) khi được công bố làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư vào chứng khoán của công ty đại chúng đó sẽ đều bị cơ quan có thẩm quyền xem xét có hay không dấu hiệu bất thường của các giao dịch trước thời điểm công bố thông tin trên. Theo quan điểm cá nhân người viết, các sự kiện bất thường chính là các sự kiện mà công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra.

Các giao dịch thao túng thị trường

Bản chất của loại giao dịch này là việc thực hiện các hành vi nhằm tạo cung, cầu, tính thanh khoản, diễn biến giá giả tạo đối với một hoặc nhiều loại chứng khoán. Cũng giống như điều tra các giao dịch nội bộ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xuất phát điều tra từ những cá nhân, tổ chức đã thực hiện giao dịch gây ra thay đổi bất thường về khối lượng giao dịch và giá giao dịch chứng khoán. Đây là hai yếu tố dễ nhận ra và phân tích được, trong khi yếu tố bất thường về phương thức giao dịch đòi hỏi sự điều tra phức tạp hơn về mặt nghiệp vụ. Thông thường, các giao dịch thao túng thị trường thường có tổ chức, liên kết bởi một nhóm người và nhiều khi mang tính quốc tế.

Trường hợp Công ty AutoChina International Limited (AutoChina) là một ví dụ điển hình cho hành vi thao túng giá cổ phiếu của chính công ty. Cụ thể, nguyên Tổng giám đốc điều hành Hui Kai Yan và một số đối tượng đã có hành vi thao túng thị trường, tạo hình ảnh giả tạo về tính thanh khoản của cổ phiếu AutoChina bằng cách thường xuyên giao dịch cổ phiếu này để đẩy khối lượng giao dịch hàng ngày của cổ phiếu lên cao.

Từ tháng 10/2010, Hui Kai Yan và các đối tượng khác đã ký quỹ hơn 60 triệu USD vào các tài khoản môi giới của một công ty Mỹ và thực hiện hàng trăm giao dịch giả mạo trong thời gian 3 tháng giữa các tài khoản trên và các tài khoản mở tại một Công ty môi giới chứng khoán Hồng Kông. Các giao dịch này khớp lệnh để một tài khoản bán ra cổ phiếu cho một tài khoản khác vào cùng thời điểm, với cùng mức giá và mua bán qua lại (thủ đoạn này thường gọi là wash trades) không làm thay đổi chủ sở hữu cổ phiếu của AutoChina.

Động cơ của việc Hui Kai Yan và các đối tượng vi phạm thực hiện hành vi trên là do các bên tài trợ vốn của AutoChina sẽ không cho Công ty được hưởng các điều kiện ưu đãi trong các hợp đồng vay (có bảo đảm bằng cổ phiếu) do tiêu chí khối lượng giao dịch cổ phiếu AutoChina thấp.

Trước khi thực hiện hành vi thao túng khối lượng giao dịch trên, cổ phiếu của AuthoChina chỉ có khối lượng giao dịch trung bình khoảng 18.000 cổ phiếu/ngày. Từ ngày 1/11/2010 đến 31/1/2011, khối lượng giao dịch cổ phiếu AutoChina đã tăng lêm hơn 139.000 cổ phiếu/ngày.

Có những ngày, khối lượng giao dịch thao túng chiếm tới 70% tổng khối lượng giao dịch trong ngày. Những người vi phạm cùng Hui Kai Yan đều là thân nhân của Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành AutoChina; những người này nắm giữ hơn 57% cổ phiếu của AutoChina tại thời điểm thực hiện hành vi thao túng. Sau đó, AutoChina, Hui Kai Yan và hàng loạt đối tượng liên quan đã bị xử lý nghiêm khi có kết quả điều tra của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ.

Dễ dàng nhận thấy, khi điều tra các hành vi thao túng thị trường, yếu tố mà cơ quan có thẩm quyền nhắm đến để khoanh vùng là dòng tiền giữa các tài khoản mua và bán, mối quan hệ giữa chủ tài khoản mua và chủ tài khoản bán. Hiện nay, pháp luật về giao dịch chứng khoán yêu cầu việc mua bán chứng khoán phải có sự chuyển quyền sở hữu thực sự giữa bên bán và bên mua, với giá mua bán trong biên độ giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán.

Ở Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt nhiều hành vi thao túng thị trường chứng khoán, điển hình là vụ Lê Văn Dũng và các đối tượng liên quan thao túng giá chứng khoán DVD và DHT. Các giao dịch thao túng giá đã bị xử lý chủ yếu là các giao dịch mà nhà đầu tư sử dụng các tài khoản khác nhau để giả mạo việc mua, bán mà thực chất không có sự thay đổi người sở hữu chứng khoán sau các giao dịch này.

Yêu cầu giám sát mới

Công tác giám sát trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang được tổ chức theo hai tuyến: sở giao dịch chứng khoán là đơn vị giám sát tuyến một, có vai trò phát hiện sớm các dấu hiệu giao dịch bất thường từ các giao dịch trong ngày của nhà đầu tư trên thị trường làm căn cứ để thực hiện giám sát nhiều ngày; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị giám sát tuyến hai, thực hiện hoạt động giám sát nhiều ngày trên cơ sở cảnh báo của các sở giao dịch chứng khoán.

Ngày 19/3/2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khai trương Hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MMS) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. MSS là nơi tập trung các cơ sở dữ liệu giao dịch chứng khoán và các dữ liệu liên quan trên các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán để phục vụ công tác quản lý, giám sát, thống kê và tổng hợp; đưa ra các phân tích về giao dịch chứng khoán trên thị trường.

Trước khi xây dựng hệ thống giám sát ứng dụng công nghệ thông tin trên, công tác giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ khâu phát hiện, phân tích đến xử lý vụ việc hoàn toàn theo phương pháp thủ công.

Trong bối cảnh các hành vi vi phạm diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp và sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh sắp tới đặt ra yêu cầu hoàn thiện các quy định về giám sát đối với thị trường chứng khoán nhằm đáp ứng yêu cầu giám sát giao dịch các sản phẩm mới cũng như tính chất phức tạp của thị trường này. 

Giai đoạn 2010 - 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền xử phạt gần 60 tỷ đồng.

7 tháng đầu năm 2016, cơ quan này đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt là 7,7 tỷ đồng.

Liên quan đến xử lý vi phạm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để trình Chính phủ ban hành.

Tin bài liên quan