Cần chế tài mạnh hơn với doanh nghiệp chây ì niêm yết

Cần chế tài mạnh hơn với doanh nghiệp chây ì niêm yết

(ĐTCK) Ngày 13/7/2017, Văn phòng Chính phủ có công văn về việc các doanh nghiệp đã cổ phần hoá chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần do mình quản lý yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khi đủ một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Cũng theo công văn này, danh sách 730 doanh nghiệp cổ phần hoá chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng thông tin Ðiện tử Chính phủ.

Công văn này, cùng với hàng loạt chỉ đạo suốt thời gian qua, cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ về minh bạch hoá các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá.

Ðiều này không chỉ góp phần làm minh bạch hoạt động, tình hình kinh doanh các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, mà còn hỗ trợ rất lớn trong việc tăng hiệu quả thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn chây ì không đăng ký giao dịch cổ phiếu hoặc niêm yết tập trung trên thị trường chứng khoán. Những cái tên có thể kể tới như: Tổng công ty Cienco 4, 5, 6, Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Ðịnh…

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Chính phủ nhắc đến chuyện này.

Ngay cuối tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ cũng đã chỉ đạo, yêu cầu công khai danh sách 578 doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết.

Sau động thái ấy, tính đến nay, số lượng doanh nghiệp công bố công khai kế hoạch niêm yết, đăng ký cổ phiếu giao dịch tập trung trên UPCoM vẫn chưa nhích lên nhiều. Trong khi đó, quan trọng hơn nữa, đây là vấn đề đã được Luật Chứng khoán quy định từ rất lâu.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao doanh nghiệp chây ì? Và, vì sao những người đại diện phần vốn của Nhà nước lại phớt lờ yêu cầu của chính chủ sở hữu vốn?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã và đang được đẩy mạnh, trong bối cảnh thị trường đã nhắc nhiều đến câu chuyện thất thoát trong cổ phần hoá, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung như một công cụ để tăng tính giám sát, nâng hiệu quả của thoái vốn.

Vì thế, câu chuyện chây ì không niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu tập trung không chỉ là vi phạm quy định pháp luật về lĩnh vực chứng khoán, mà suy rộng ra hơn, đó còn có thể là nguyên nhân của những nguy cơ về chậm tiến độ thoái vốn, thất thoát vốn nhà nước.

Có lẽ, cần một chế tài mạnh hơn, để những quy định pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ trở thành hiện thực.

Tin bài liên quan