Huy động vốn cổ phần không tạo áp lực trả nợ cho doanh nghiệp - Ảnh: Lê Toàn

Huy động vốn cổ phần không tạo áp lực trả nợ cho doanh nghiệp - Ảnh: Lê Toàn

Cách nào cản doanh nghiệp liên tục “in giấy lấy tiền“?

(ĐTCK) Quý IV năm nay và cả năm sau được dự báo là thời gian nhiều DN niêm yết sẽ thực hiện các thủ tục phát hành cổ phiếu. 

Huy động được vốn qua TTCK là điều đáng quý, song trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp còn nhiều điều bất ổn, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân lo ngại, tình trạng lạm phát hành sẽ gây thua thiệt cho họ vì mua không được, từ chối cũng không xong.

Nở rộ phát hành

Trong 9 tháng đầu năm có khoảng gần 20 DN thông báo kế hoạch phát hành thêm, còn riêng trong quý IV, đã có khoảng chục DN có kế hoạch huy động vốn. Có thể liệt kê những DN như CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) sẽ phát hành 7 triệu CP; CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) chào bán 18 triệu CP; IDI phát hành 39,9 triệu CP; CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) chào bán hơn 19 triệu CP. CEO Group dự kiến chào bán 34 triệu cổ phần, FLC tiếp tục có kế hoạch tăng vốn…

Một đại diện Vụ Quản lý phát hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhận xét rằng, TTCK diễn biến tích cực sẽ là điều kiện thuận lợi cho DN niêm yết huy động vốn. Vị này cũng nhận định quý IV năm nay và năm sau số lượng hồ sơ DN xin phát hành sẽ tăng mạnh.

So với vốn vay ngân hàng, huy động vốn qua TTCK có nhiều ưu điểm, trong đó nổi bật nhất là không tạo quá nhiều áp lực trả nợ cho ban lãnh đạo DN. Thị trường cũng chưa chứng kiến trường hợp lãnh đạo DN nào bị phạt nặng vì đã làm thất thoát đồng vốn huy động từ cổ đông. 

Cổ đông nhỏ bị ép

Theo lý thuyết, việc tăng vốn là quyền của DN và đại hội đồng cổ đông có tiếng nói quyết định về việc này. Hồ sơ DN nộp lên cơ quan quản lý, ở đây là UBCK, nếu thấy hợp lệ, họ có quyền được cấp phép phát hành. Tuy nhiên, câu chuyện đáng nói ở chỗ thị trường chứng kiến và lo ngại về căn bệnh “lạm” phát hành tái diễn, như đã từng xảy ra trước đây 4-5 năm.

Một nhà đầu tư cá nhân cho hay, hiện bà đang sở hữu gần 1 triệu cổ phiếu của DN có kế hoạch phát hành. Cổ phiếu có giá 14.000 đồng/cổ phần, DN phát hành cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhìn vào phương án tăng vốn gấp đôi mức hiện nay, bà thấy có nhiều rủi ro, song nếu không tham gia mua cổ phiếu phát hành thêm, đến ngày chốt quyền, cổ phiếu trong tài khoản nghiễm nhiên bị điều chỉnh giảm giá để cân bằng thị giá với giá bán cho cổ đông hiện hữu.

Nhà đầu tư này cũng như một số cổ đông khác đã bỏ phiếu phản đối việc DN tăng vốn liên tục, nhưng không đấu lại được ý chí của ban lãnh đạo DN đồng thời là các cổ đông lớn trong Công ty.

Nhiều nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi, liệu cơ quan quản lý có thẩm định được sự chính xác về số liệu trong các hồ sơ phát hành? Có hay không tình trạng DN bắt tay nhau và sử dụng chiêu trò để làm đẹp báo cáo tài chính? Câu trả lời, theo vị đại diện cơ quan quản lý trên: Rất khó để kiểm soát.

Cũng theo vị đại diện này, chính bản thân những người thẩm định hồ sơ phát hành trong nhiều trường hợp cảm thấy sự bất hợp lý khi DN liên tục huy động vốn, với mật độ quá dày.

Ở một số TTCK, có quy định khá cụ thể về thời gian giữa các đợt phát hành, có thêm các yêu cầu chặt chẽ về việc huy động vốn, để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khó có thể đề cập đến vấn đề này do chúng ta còn đang khuyến khích DN gọi vốn qua TTCK.

Một vấn đề khác mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là đường đi của những đồng vốn DN huy động được. Theo quy định hiện hành, DN phải báo cáo UBCK và công bố ra thị trường tình hình sử dụng vốn huy động được 6 tháng một lần, cho đến khi giải ngân hết số tiền. Thực tế thì sao? Có tìm đỏ mắt, nhà đầu tư cũng rất khó đọc được những thông tin kiểu này.

Theo phản ánh của nhà đầu tư, biện pháp giám sát của họ là soi lại website của những DN đã huy động vốn thành công trên TTCK, nhưng tìm mãi, vẫn không biết DN có công bố việc sử dụng vốn hay không.

Trong vòng đời của DN, cũng như trong quá trình thực hiện dự án, khó ai có thể nói trước về những bất trắc có thể nảy sinh. Việc sử dụng vốn hiệu quả hay không, do đó khó có thể nói chắc chắn. Tuy nhiên, nếu như ngay ở thời điểm DN huy động vốn, vẫn còn rất nhiều ý kiến lăn tăn về việc “in giấy lấy tiền” thì nên chăng TTCK Việt Nam cần có những biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

Trước đây, cơ quan quản lý cũng đã có động thái tích cực về vấn đề này khi yêu cầu DN phát hành cổ phiếu ra công chúng phải có báo cáo tài chính “sạch”, tức không có ý kiến ngoại trừ.          

Tin bài liên quan