Năm 2015, các lãnh đạo ngành chứng khoán đã có cuộc làm việc tại NASDAQ, học hỏi kinh nghiệm và tìm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm vốn mới

Năm 2015, các lãnh đạo ngành chứng khoán đã có cuộc làm việc tại NASDAQ, học hỏi kinh nghiệm và tìm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tìm vốn mới

Các nhà đầu tư lớn rất muốn đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, nhưng...

(ĐTCK) Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết, qua những cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư và nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, ông nhận thấy, các nhà đầu tư lớn rất muốn đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, nhưng việc tiếp cận thị trường chưa thuận lợi như mong đợi. 

Theo ông, Luật Chứng khoán sẽ được điều chỉnh để cải thiện những vấn đề mà nhà đầu tư gặp phải, để rộng cửa đón dòng vốn lớn. 

Trực tiếp kết nối nhiều diễn đàn gọi vốn vào Việt Nam, theo VinaCapital, nhà đầu tư quốc tế đang hướng đến chọn lựa đầu tư trong ngành, lĩnh vực nào tại Việt Nam?

Giới đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến cơ hội tại Việt Nam, cả về đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), hầu hết các khoản đầu tư tập trung vào lĩnh vực sản xuất để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, như cách mà Samsung và Intel đang làm. Cũng có một số nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư vào sản xuất cho tiêu dùng nội địa, song mức độ còn khiêm tốn.

Ông Don Lam 

Đối với vốn đầu tư gián tiếp, nhìn chung, các nhà đầu tư, trong đó có VinaCapital quan tâm đến mọi lĩnh vực đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước.

Bản thân VinaCapital mong muốn thông qua các hoạt động đầu tư có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển vững mạnh, phát triển thị trường tiêu dùng nội địa và nếu có thể thì hướng đến thị trường khu vực.

Xin chia sẻ thông tin cụ thể hơn từ phía nhà đầu tư Mỹ, nhà đầu tư Nhật - 2 quốc gia mà Chính phủ Việt Nam đã và đang dành nhiều nỗ lực xúc tiến đầu tư?

Hiện nay, các lĩnh vực nhà đầu tư tham gia thuận lợi nhất và tích cực nhất là ngành thực phẩm và dịch vụ đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh, phát triển bất động sản, vật liệu xây dựng. Ngành ngân hàng và giáo dục cũng được nhà đầu tư nước ngoài chú ý, nhưng thực tế hiện tại, việc đầu tư vào các ngành này chưa thuận lợi.

Các ngân hàng có giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 30%. Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện chúng tôi chưa rõ nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu và quản lý các trường tiểu học, trung học có hơn 20% học sinh Việt Nam hay không.

Tuy nhiên, qua nhiều buổi gặp gỡ với các nhà đầu tư và các tập đoàn lớn trên thế giới, VinaCapital luôn nhận được rất nhiều câu hỏi về cơ hội đầu tư tại Việt Nam, ở nhiều lĩnh vực đa dạng. Chúng tôi tin tưởng rằng, Việt Nam đang được giới đầu tư quan tâm với mức độ ngày càng lớn hơn.

Năm 2018, Quốc hội sẽ xem xét sửa Luật Chứng khoán. Theo ông, để hấp dẫn dòng vốn ngoại vào Việt Nam, có điểm nào về pháp lý cần sửa hoặc đưa mới vào dự luật?

Các nhà đầu tư lớn trên thế giới rất muốn đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, nhưng việc tiếp cận thị trường chưa thuận lợi như mong đợi.

Có thể trong lần sửa đổi sắp tới, Luật Chứng khoán sẽ được điều chỉnh để cải thiện những vấn đề mà nhà đầu tư gặp phải. Chúng tôi thường xuyên nghe họ lo ngại về quy trình mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam còn mất thời gian, thanh khoản hằng ngày còn khiêm tốn, nhiều công ty tốt, nhưng lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) rất ít, nhiều công ty vẫn chưa nới "room" và lộ trình sắp tới sẽ có bao nhiêu công ty nới room vẫn còn chưa rõ.

Bên cạnh đó, việc giao dịch các cổ phiếu đã hết room cũng không dễ dàng cho nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư mong muốn sẽ có một nhóm cổ phiếu riêng biệt, không kèm quyền biểu quyết (non-voting shares).

Chúng tôi cũng mong các công ty Việt Nam có báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và triển khai tốt hơn nữa phần quan hệ, thông tin đến nhà đầu tư.

TTCK Việt Nam năm 2017 dự kiến sẽ đạt quy mô vốn hóa khoảng 100 tỷ USD khi có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn. Việc tăng mạnh về quy mô vốn hóa có phải là một điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư tài chính như VinaCapital gọi vốn vào Việt Nam không?

Quy mô của TTCK tăng lên, chắc chắn các nhà đầu tư tham gia cũng đa dạng hơn. Đối với các nhà đầu tư thực sự lớn trên thế giới thì quy mô thị trường Việt Nam còn khiêm tốn, chưa sẵn sàng để họ đầu tư.

Khi có thêm nhà đầu tư tầm cỡ tham gia, mức định giá của nhiều cổ phiếu trên thị trường có cơ hội được cải thiện, giúp doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn thuận lợi hơn.

Trong khu vực, nhiều nhà đầu tư ưa thích TTCK Philippines và thị trường này đang có P/E khoảng 19 lần, so với trung bình khoảng 15 lần tại thị trường Việt Nam.

Tất nhiên là VinaCapital hy vọng quy mô của TTCK Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, có nhiều công ty tốt niêm yết, từ đó tăng sức hấp dẫn để chúng tôi phát triển thêm các sản phẩm đầu tư mới, giúp huy động dòng vốn đầu tư quốc tế dồi dào hơn cho thị trường Việt Nam.

VNG sẽ cân nhắc tất cả các yếu tố trước khi IPO trên NASDAQ

Liên quan đến vấn đề nhà đầu tư quan tâm về bước đi tiếp theo của Công ty cổ phần VNG sau khi ký biên bản ghi nhớ IPO và niêm yết trên sàn NASDAQ (Mỹ), ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho biết, hiện chưa có thời gian biểu cụ thể cho vấn đề IPO trên NASDAQ.

“Cách tiếp cận của chúng tôi là sẽ cân nhắc toàn bộ các khía cạnh liên quan tới quy định của NASDAQ và Việt Nam, cũng như có sự chuẩn bị nội tại. Chúng tôi muốn đảm bảo sẽ tiến hành niêm yết quốc tế để thể hiện sự phát triển tại Việt Nam, cũng như những tiến bộ của ngành công nghệ tại đây”, ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, NASDAQ là nơi cung cấp các giao dịch tài chính tốt nhất, cũng như hội tụ nhiều khía cạnh tích cực của một sàn giao dịch hiện đại, với thanh khoản lớn. VNG ngưỡng mộ vị thế dẫn đầu của sàn NASDAQ trên thị trường vốn toàn cầu. 

“Chắc chắn việc lên sàn này là không đơn giản, nhưng chúng tôi đã có những cam kết với NASDAQ để các bên cùng thảo luận sao cho có thể đáp ứng tiêu chuẩn của sàn này, cũng như các vấn đề pháp lý tại Việt Nam”, ông Minh nói.

Tin bài liên quan