Lập kỷ lục chào bán
Chỉ một ngày sau khi chính thức niêm yết, Công ty cổ phần Vinhomes đã tạo nên lịch sử trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi 268 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở mức giá 114.700 đồng/cổ phiếu, giá trị giao dịch lên tới 30.740 tỷ đồng (1,35 tỷ USD), qua đó đưa giá trị thị trường của VHM đạt 307.400 tỷ đồng (13,5 tỷ USD).
Các nhà đầu tư tham gia giao dịch đều là các tổ chức đầu tư uy tín trong nước và thế giới như GIC, Capital Group, Avanda Investment Management Pte, Wadded & Reed, JPMorgan Asset Management, Dragon Capital, và KIMC.
Với kết quả này, giao dịch của Vinhomes đã chính thức vượt qua kỷ lục Đông Nam Á được xác lập trước đó bởi Techcombank với 922 triệu USD hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Điểm đáng chú ý là việc phá kỷ lục khi chào bán cổ phần dường như đã trở thành “đặc trưng” của các doanh nghiệp thuộc “họ Vin”. Ngày 7/11/2017, với 2 tỷ USD nhu cầu đặt mua - khối lượng đặt mua cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến thời điểm đó - đã có 415 triệu cổ phiếu của Vincom Retail (mã VRE) được trao tay, tương ứng tổng giá trị giao dịch 742 triệu USD.
Theo thông tin từ một số tư vấn trong giao dịch, qua nhiều cuộc gặp gỡ và làm việc với các nhà đầu tư, số lượng đặt mua cổ phần VHM gấp 4 - 5 lần nhu cầu chào bán của các cổ đông. Việc các nhà đầu tư nước ngoài đặt mua cổ phiếu VHM với giá trị kỷ lục cho thấy niềm tin của các tổ chức quốc tế với Vinhomes cũng như triển vọng tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, Vingroup đã tạo nên hai thương vụ kỷ lục, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trở thành cổ đông như WP Investments III, Credit Suisse Singapore Branch, Government of Singapore….
Đưa TTCK Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn
Việc các nhà đầu tư và tổ chức lớn trong và ngoài nước “tranh mua” đã thể hiện rõ sự hấp dẫn của cổ phiếu Vinhomes nói riêng và các cổ phiếu “họ Vin” trong mỗi đợt chào bán. Nếu như trong đợt điều chỉnh vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh cổ phiếu ở thị trường Việt Nam thì với thương vụ Vinhomes - dòng vốn ngoại đã đảo chiều ngoạn mục.
Phân tích về sức hấp dẫn của VHM, giới đầu tư cho rằng, điều đó đến từ khả năng sinh lời và vị thế của doanh nghiệp, cũng như từ chiến lược đầu tư và uy tín trên thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup. Nhưng mặt khác, điều này cũng cho thấy tín hiệu tích cực của môi trường vĩ mô Việt Nam.
Xác nhận điều này, Phó Chủ tịch Deutsche Bank khu vực Đông Nam Á Philip Lee cho biết: “Nhu cầu đặt mua cực lớn đối với cổ phiếu VHM của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu xuất phát từ uy tín và lịch sử hoạt động xuất sắc của Tập đoàn cũng như triển vọng tăng trưởng tích cực của Việt Nam”
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia phân tích chứng khoán, nếu nhìn dưới góc độ rộng hơn, chính những giao dịch lớn và thành công của Vinhomes hay Vincom Retail vừa qua đã có ảnh hưởng tích cực đến uy tín của thị trường Việt Nam nói chung trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Và tất cả các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các giao dịch này.
“Khi các nhà đầu tư toàn cầu lựa chọn những blue-chip vừa niêm yết để đầu tư thì họ không chỉ phân tích riêng blue-chip đó, mà sẽ đặt trong sự vận động chung của cả thị trường chứng khoán và nền kinh tế. Sự thành công của những thương vụ như VHM sẽ tăng thêm niềm tin và thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Và việc Vingroup liên tiếp thực hiện các thương vụ “bom tấn”, gây tiếng vang trên thị trường vốn quốc tế sẽ góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và châu Á trong tương lai gần.