Ở quy mô vốn nhỏ, các sản phẩm, dịch vụ của CTCK còn nhiều hạn chế

Ở quy mô vốn nhỏ, các sản phẩm, dịch vụ của CTCK còn nhiều hạn chế

Bộ Tài chính “sốt ruột” khi khối công ty chứng khoán chậm lớn

(ĐTCK) Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, khi xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính dự kiến sẽ quy định rõ tiền, tài sản của nhà đầu tư có trong tài khoản mở tại CTCK không phải là tài sản của CTCK. Quy định này nhằm tránh trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phong tỏa khi CTCK lâm vào tình trạng xấu. Nhiều điểm mới cũng dự kiến được đưa ra nhằm thúc CTCK lớn mạnh.

Chỉ 10% CTCK có vốn trên 500 tỷ đồng

Để có cơ sở hoạch định hành lang pháp lý mới cho hoạt động của ngành chứng khoán nói chung, các CTCK nói riêng, Bộ Tài chính vừa đánh giá toàn diện về hoạt động của khối công ty này. Theo đó, quy mô hiện tại của các CTCK rất nhỏ nếu so sánh với quy mô của các tổ chức niêm yết hoặc ngân hàng thương mại. Trong số các CTCK đang hoạt động, chỉ có hơn 10% số công ty có vốn điều lệ lớn hơn 500 tỷ đồng. Việc “chậm lớn” về quy mô của các CTCK, theo Bộ Tài chính, đang dẫn đến nhiều hệ lụy.

Thứ nhất, đó là việc hạn chế khả năng mở rộng độ bao phủ của mạng lưới, mở rộng phân khúc khách hàng và mở rộng năng lực cũng như phạm vi cung cấp dịch vụ; ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xây dựng hệ thống quản trị công ty tốt và hệ thống kiểm soát rủi ro...

Thứ hai, quy mô nhỏ còn khiến các CTCK ít có khả năng tham gia vào các đợt phát hành, đặc biệt là với tư cách đơn vị bảo lãnh phát hành cho các đợt phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp nhà nước lớn.

Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế. Quy mô nhỏ còn khiến các CTCK Việt Nam không đủ tiềm lực và khả năng hội nhập, cung cấp sản phẩm xuyên biên giới...

Một điểm yếu nữa của khối CTCK được Bộ Tài chính chỉ ra là thiếu đa dạng về cơ cấu dịch vụ và sản phẩm. Đến nay, trong tổng số các CTCK được mở ra, có 38 công ty thực hiện cả 4 nghiệp vụ kinh doanh, 34 công ty thực hiện 3 nghiệp vụ, 31 công ty được thực hiện 2 nghiệp vụ và 2 công ty chỉ thực hiện 1 nghiệp vụ tư vấn đầu tư.

Liên quan đến cơ cấu sản phẩm, các CTCK tập trung cung cấp các sản phẩm như: ứng trước tiền bán chứng khoán, ứng trước tiền mua chứng khoán, đặt cọc môi giới chứng khoán.

Việc thiếu đa dạng trong cơ cấu dịch vụ và sản phẩm dẫn đến các CTCK phải cạnh tranh khốc liệt. Nhiều công ty phải giảm giá sản phẩm và dịch vụ, đánh đổi chất lượng sản phẩm, dịch vụ với khả năng kiểm soát rủi ro nhằm tìm kiếm khách hàng…

“Làm khỏe” CTCK, cách nào?

Cùng với các giải pháp nâng cao sức khỏe an toàn tài chính nhằm “làm khỏe” khối CTCK, trong định hướng sửa đổi Luật Chứng khoán mà Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến các thành viên thị trường, nhiều phương án đổi mới đã được đưa ra.

Đầu tiên là mở rộng và quy định cụ thể trong dự luật phạm vi các dịch vụ tài chính CTCK được cung cấp cho khách hàng. Hiện các văn bản dưới Luật đã cho phép các CTCK thực hiện một số dịch vụ tài chính khác. Tuy nhiên, một số dịch vụ, chẳng hạn ứng trước tiền bán, nếu thiếu đi quy định tại Luật Chứng khoán sẽ khó bảo đảm cơ sở pháp lý khi giải thích theo Luật Các tổ chức tín dụng. Phân biệt rõ các dịch vụ liên quan đến chứng khoán và dịch vụ tài chính khác nhằm hỗ trợ CTCK phát triển các dịch vụ mới.

Tiếp theo là luật hóa một số quy định mang tính nguyên tắc về quản trị công ty và quản trị rủi ro, nhằm bảo đảm đồng bộ, hiệu lực pháp lý cao của các quy định về vấn đề này, giúp xây dựng hệ thống quản trị công ty và quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Trong đó có quy định về người đại diện pháp luật của công ty theo hướng doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán có thể có một, hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải bảo đảm có một người đại diện pháp luật chính thức tại một thời điểm.

Trường hợp người này bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người đại diện còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật chính thức của công ty, nhằm bảo đảm quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ và phòng ngừa rủi ro đối với tài sản của các khách hàng ủy thác.

Bộ Tài chính còn đề xuất sửa đổi quy định về Giấy phép thành lập và hoạt động theo hướng tách biệt Giấy phép thành lập và Giấy phép hoạt động đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm khắc phục tình trạng công ty không còn hoạt động (bị đình chỉ hoạt động, chấm dứt hoạt động...), nhưng không thể thu hồi Giấy phép hoạt động do cấp chung Giấy phép thành lập và hoạt động.           

Tin bài liên quan