Một hình ảnh ấn tượng trong Báo cáo thường niên của BVH 2015

Một hình ảnh ấn tượng trong Báo cáo thường niên của BVH 2015

Bỏ qua vấn đề môi trường sẽ khó lường các thảm họa

(ĐTCK) Thế giới đã từng chứng kiến những thảm họa môi trường với hậu quả kéo dài hàng chục, hàng trăm năm và tất cả đều bắt đầu từ hành động tưởng như ”vô tình” của các tập đoàn, doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bài học lớn nhất từ những thảm họa môi trường là cần ngăn chặn ngay từ đầu, thận trọng và tính đến tất cả các chi phí về môi trường trong mọi dự án. 

Bỏ qua vấn đề môi trường sẽ khó lường các thảm họa ảnh 1

 Ông Nguyễn Mạnh Hải

Câu chuyện về phát triển bền vững ngày càng nhận được sự quan tâm rất lớn của các tổ chức, nhà quản lý, các DN trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, Thông tư 155/2015/TT-BTC cũng đã đưa ra những quy chuẩn cơ bản buộc DN đại chúng phải thực hiện báo cáo này. Phải chăng vấn đề phát triển bền vững/tăng trưởng xanh đã trở nên cấp bách tại Việt Nam, theo ông?

Theo quy định, các DN thuộc diện điều chỉnh của Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, cần đưa vào Báo cáo thường niên một mục về “báo cáo tác động liên quan đến môi trường và xã hội” của công ty, hoặc lập riêng thành một “Báo cáo phát triển bền vững”. Điều này rất quan trọng và cấp bách trong tình hình hiện nay khi xuất hiện hàng loạt các sự cố môi trường từ quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gây ra.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã được ban hành và sửa đổi, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, bổ sung một số nội dung mới như tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, an ninh môi trường… nhằm hướng tới phát triển bền vững. Do các qui định pháp luật về môi trường ngày càng chặt chẽ và rõ ràng hơn, việc tuân thủ các qui định về môi trường của các doanh nghiệp cũng đã và đang được cải thiện.

Tuy nhiên, ngoài xu hướng chung này, vẫn còn tồn tại một số KCN, doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường trong khi công tác phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN của các cơ quan nhà nước chưa thật chặt chẽ. Ngoài những cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước, các DN cũng cần tăng cường trách nhiệm xã hội của mình, quan tâm và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, đóng góp cho quá trình tăng trưởng xanh và bền vững một cách thiết thực, trước hết bằng cách tuân thủ một cách đầy đủ và nghiêm túc các qui định pháp luật về môi trường hiện nay ở Việt Nam.

Trên thế giới, khái niệm về phát triển bền vững mới xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ 20. Tại Việt Nam, xin ông đưa ra định hình cơ bản khái niệm về phát triển bền vững đối với hoạt động kinh tế, nhất là với các DN là gì?  Những yếu tố nào DN phải chú trọng trong đời sống kinh doanh để thực hiện phát triển bền vững?

Trong Báo cáo "Tương lai chung của chúng ta" của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc năm 1987, "phát triển bền vững" được định nghĩa "là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau". Bản thân nội hàm của phát triển bền vững đã bao gồm cả ba mặt quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng mạnh mẽ với nhau, đó là kinh tế, xã hội và môi trường và có tính rất dài hạn quan tâm đến cuộc sống của các thế hệ mai sau. Vì vậy, trong các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp cũng không thể chỉ chú trọng tới hiệu quả kinh tế của mình mà tách rời hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường.

Trước hết, khi doanh nghiệp tuân thủ tất cả các qui định pháp luật trong quá trình sản xuất – kinh doanh thì đã bao gồm các qui định không chỉ về mặt kinh tế, mà về tất cả các mặt khác như về xã hội và môi trường. Tiếp đến, để có một môi trường kinh tế, môi trường đầu tư tốt trong tương lai gắn với lợi ích dài hạn của doanh nghiệp, đóng góp của từng doanh nghiệp trong hiên tại không chỉ về khía cạnh kinh tế, mà còn về bảo vệ môi trường cũng như giải quyết các vấn đề xã hội. Nếu các doanh nghiệp chú trọng và quan tâm ngay từ đầu yếu tố môi trường ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư thì sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp khi phải xử lý các vấn đề môi trường ở các giai đoạn tiếp theo.

Nói một cách khác, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết tốt hơn khi các doanh nghiệp chú trọng đến các yếu tố phòng ngừa ô nhiễm môi trường trước khi tiến hành sản xuất như: i) đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; ii) đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải; iii) đào tạo và sử dụng tốt nhân lực quản lý môi trường của doanh nghiệp mình...

Từ sự cố Fomusa tại Việt Nam gần đây, ông có thể chia sẻ một vài cú sốc về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, xảy ra ở các quốc gia khác và bài học sau các vụ việc ấy là gì?

Chỉ tính riêng về các thảm họa gây ô nhiễm nguồn nước đã có một số vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong lịch sử. Tại Nhật Bản, Nhà máy hóa chất của Tập đoàn Chisso đã làm nước biển nhiễm độc, do xả trực tiếp nước thải chứa thủy ngân chưa qua xử lý ra vịnh Minamata và biển Shiranui từ năm 1932–1968. Người dân và gia súc bị ảnh hưởng do ăn phải hải sản bị nhiễm độc tích tụ thủy ngân ở vùng biển này.

Vụ nhiễm độc đầu tiên ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh con người (gọi là bệnh Minamata), được phát hiện vào năm 1956 nhưng phải đến năm 1968, chính quyền mới chính thức kết luận nguyên nhân bệnh Minamata là do Nhà máy Chisso xả thải gây ô nhiễm.

Gần 2.000 người chết, 10.000 người bị ảnh hưởng. Đến năm 2004, Tập đoàn Chisso đã trả 86 triệu USD tiền bồi thường cho các nạn nhân và bị yêu cầu phải làm sạch khu vực biển bị ô nhiễm (theo https://business-humanrights.org và Vnexpress).

Một thảm họa tương tự do Công ty Hóa chất công nghiệp Cát Lâm (Trung Quốc) thải 114 tấn thủy ngân và 5,4 tấn methylmercury vào Sông Tùng Hoa bắt đầu từ năm 1958 đến 1982. Những ca bệnh thần kinh Minamata đầu tiên xuất hiện năm 1965, nhưng 11 năm sau đó (1976), Chính quyền Trung Quốc mới thừa nhận có người nhiễm bệnh Minamata. Sau sự kiện này, Nhà máy chỉ giảm lượng xả thủy ngân, chứ không ngừng hoàn toàn. Năm 1979-1988, chính quyền bồi thường cho ngư dân vùng bị ô nhiễm gần 4 triệu NDT (khoảng 2,56 triệu USD theo tỷ giá năm 1979).Tuy nhiên, số liệu cụ thể về số người nhiễm bệnh Minamata ở khu vực sông Tùng Hoa vẫn không được công bố (Theo https://business-humanrights.org và Vnexpress).

Một ví dụ khác là vụ Texaco - một công ty của Tập đoàn Chevron (Mỹ) xả 80.000 tấn dầu và chất thải độc hại trong suốt 25 năm hoạt động tại lưu vực sông Amazon (1964-1990). Cuộc sống của 30 ngàn người ở lưu vực sông Amazon đã bị ảnh hưởng từ vụ việc này. Số tiền tòa án Ecuador đưa ra phán quyết vào năm 2012 đối với Tập đoàn năng lượng Mỹ Chevron phải bồi thường 9,5 tỷ USD (Theo http://www.dw.com).

Bài học lớn nhất rút ra từ những thảm họa này là cần ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ gây ô nhiễm, vì chi phí khắc phục sẽ rất lớn và lâu dài, có khi kéo dài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Ngoài ra, việc xem xét các dự án đầu tư lớn, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao cần hết sức thận trọng và tính đến tất cả các chi phí về môi trường.

Để ngăn chặn những thảm họa về ô nhiễm môi trường sống, hay nói cách khác là thúc đẩy cộng đồng DN quan tâm, thực thi phát triển bền vững, Nhà nước cần hướng DN đến những hành động và giải pháp gì, thưa ông?

 Để thúc đẩy cộng đồng DN thực hiện phát triển bền vững, theo tôi Nhà nước cần hướng đến các hành động và giải pháp sau:

i) Phổ biến và cập nhật thường xuyên, rộng rãi tới các DN các chính sách và qui định pháp luật về môi trường;

ii) Thực thi đầy đủ các chính sách khuyến khích DN hoạt động theo hướng phát triển bền vững, bao gồm cả khuyến khích tài chính và đào tạo nhân lực quản lý môi trường cho DN;

iii) Kết nối, tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp trong các cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, nhận thức trách nhiệm chung về phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh;

iv) Thực hiện đồng bộ, thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát về môi trường trong đó chú ý thực hiện tốt cả cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm đối với các doanh nghiệp.

Tin bài liên quan