Việc gắn chặt trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các doanh nghiệp với tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đã mang lại kết quả khả quan…

Việc gắn chặt trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các doanh nghiệp với tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đã mang lại kết quả khả quan…

Bộ Giao thông tạo áp lực “mất ghế” để thúc cổ phần hóa

(ĐTCK) Đại diện Bộ Giao thông Vận tải tiết lộ, một trong những lý do quan trọng giúp Bộ thúc đẩy thành công cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian qua là nhờ lãnh đạo Bộ luôn tạo ra áp lực “mất ghế” đối với lãnh đạo các doanh nghiệp nếu không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn gắn với TTCK được giao.

Năm 2014, Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức bán đấu giá cổ phần cho 54 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chiếm số lượng lớn nhất là 22 doanh nghiệp.  

Tốc độ hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ GTVT nhanh đến mức đáng ngạc nhiên trong thời gian gần đây, được ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT, lý giải là do sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, cũng như sự quyết liệt của Ban cán sự Đảng Bộ GTVT và cá nhân Bộ trưởng.

Theo ông Minh, thực tế, khi Bộ GTVT đặt vấn đề tăng tốc cổ phần hóa bắt đầu từ năm 2012, thì rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Việc Bộ trưởng đặt ra yêu cầu trong vòng 9 tháng phải hoàn thành cổ phần hóa 10 tổng công ty, khi đó nhiều ý kiến cho rằng không khả thi.

Tuy nhiên, khi lãnh đạo Bộ thường xuyên quyết liệt chỉ đạo: lãnh đạo doanh nghiệp nào không hoàn thành tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch, sẽ bị điều chuyển vị trí công tác, thì những thách thức về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tưởng như không thể vượt qua, thì đã đạt được mục tiêu đề ra.

“Việc gắn chặt trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các doanh nghiệp với tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đã mang lại kết quả khả quan…”, ông Minh chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK, do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (1/4).

Cùng với gắn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, ông Minh cho biết thêm, lãnh đạo Bộ GTVT luôn đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho các lãnh đạo doanh nghiệp dành thời gian, công sức cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

“Nếu lãnh đạo doanh nghiệp nào báo cáo có lịch họp về cổ phần hóa, thoái vốn trùng với các cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ GTVT với lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị chức năng thuộc Bộ, thì lãnh đạo Bộ ưu tiên cho phép lãnh đạo doanh nghiệp họp về cổ phần hóa, mà không phải dự họp với lãnh đạo Bộ…”, ông Minh nói.

Cũng tại Hội nghị sáng nay, tuy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp được ghi nhận có chuyển biến tích cực, nhưng theo phản ánh của đại diện nhiều bộ, ngành, các doanh nghiệp nhà nước…, đang có nhiều vướng mắc, bất cập bộc lộ trong thực tiễn triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, đặc biệt là thoái vốn.

Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK, do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (1/4) 

Cụ thể như do quy định hiện hành vừa thiếu, vừa “vênh” so với thực tế, nên các doanh nghiệp đang gặp khó trong đối chiếu công nợ khi xác định giá trị doanh nghiệp để tiến hành cổ phần hóa. Tỷ lệ cổ phần nhà nước còn nắm giữ quá cao khi doanh nghiệp tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), khiến việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược gặp nhiều cản trở. Hoạt động thoái vốn diễn ra chậm, hiệu quả không cao, do hiện chưa có cơ chế cho phép thoái vốn cả lô…

Việc giải quyết những bất cập trên, theo ông Trần Hữu Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, sẽ được Bộ nghiên cứu để đưa ra những văn bản hướng dẫn mới, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành bổ sung các chính sách mới trong thời gian tới.

“Hệ thống quy định pháp lý về cổ phần hóa, thoái vốn hiện đã đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai khó tránh khỏi phát sinh những bất cập, vướng mắc. Bởi vậy, Bộ Tài chính sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các bất cập nảy sinh, nhằm đảm bảo thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn gắn với đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK như yêu cầu của Chính phủ…”, ông Tiến nói.

Tin bài liên quan