Bầu dồn phiếu: Không còn bắt buộc, nhưng nên duy trì

Bầu dồn phiếu: Không còn bắt buộc, nhưng nên duy trì

(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ việc bắt buộc phải bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát theo phương thức dồn phiếu. Nếu doanh nghiệp bỏ phương thức bầu cử này, mà chuyển sang phương thức bầu cử thông thường, thì nhóm cổ đông thiểu số gần như không có cơ hội bầu đại diện của mình vào cơ quan quản trị và kiểm soát doanh nghiệp.

Quy định và thực tế

Đặc điểm quan trọng nhất trong cơ chế bầu dồn phiếu là kết quả trúng cử được lấy theo số phiếu bầu từ cao đến thấp, tức là người trúng cử có thể đạt trên 100%, hoặc có thể chỉ cần một vài phần trăm phiếu bầu, mà không bắt buộc phải đạt một tỷ bắt buộc trong giới hạn 51 - 100% như đối với việc bầu cử thông thường.

Như vậy, cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ nắm 10%, thậm chí ít hơn số phiếu bầu cũng có thể đưa được người đại diện của mình vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, thay vì ít nhất phải 51% như bầu cử thông thường.

 Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Tuy nhiên, trên thực tế dường như vẫn còn nhiều người hiểu sai. Chẳng hạn, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/12/2015 của Eximbank, ông Lê Minh Q., ứng cử viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) được 45,76% số phiếu bầu theo phương thức bầu dồn phiếu, nhưng vẫn bị coi là không đủ số phiếu trúng cử Hội đồng quản trị. Sau đó, với việc điều chỉnh lại phiếu bầu, đạt 58,11% phiếu bầu (tỷ lệ tối thiểu là 51% theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010), ông Q. mới được coi là trúng cử.

Trước đó, ngày 16/5/2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có phán quyết về việc bầu thành viên Hội đồng quản trị của Công ty BICICO vào năm 2011 theo phương thức bầu dồn phiếu, không cần phải đạt tỷ lệ biểu quyết tối thiểu 65% (tỷ lệ tối thiểu có thể chỉ cần 51% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014).

Cách thức bầu dồn phiếu

Trong bảng là ví dụ về cách bầu dồn phiếu đối với một cổ đông sở hữu 10.000 cổ phần, tức là có 10.000 phiếu bầu, tham gia bầu để chọn 7 thành viên Hội đồng quản trị. Số ứng viên có thể là 7 hoặc nhiều hơn.

Nếu bầu theo phương thức thông thường (như bầu cử Quốc hội), thì cổ đông đó sẽ bỏ phiếu cho một, một số, hoặc cả 7 ứng viên, mỗi người được 10.000 phiếu. Theo cách bầu này, người trúng cử phải đạt tỷ lệ phiếu bầu tối thiểu theo quy định Điều lệ công ty và trong mọi trường hợp không được thấp hơn tỷ lệ biểu quyết 50% của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Nếu bầu cử theo cách thức truyền thống, thì số người trúng cử phụ thuộc vào số phiếu bầu của một nhóm sở hữu đa số cổ phần. Còn bầu cử theo phương thức dồn phiếu, nhóm cổ đông đa số chỉ bầu được đa số, chứ không phải là toàn bộ số người trúng cử.

Nếu bầu theo phương thức bầu dồn phiếu, thì cổ đông này luôn có 70.000 phiếu bầu. Khi đó, cổ đông có thể bầu dồn phiếu theo một trong ba cách cơ bản. Cách thứ nhất là dồn hết phiếu bầu cho 1 ứng viên. Cách thứ hai là chia phiếu bầu cho một số ứng viên với số phiếu bằng nhau, hoặc cho tất cả các ứng viên với số phiếu khác nhau. Cách thứ ba là chia đều số phiếu bầu cho tất cả các ứng viên. Do vậy, trong trường hợp bầu 7 thành viên Hội đồng quản trị nêu trên, thì 1 ứng viên có thể đạt số phiếu bầu ở mức cao nhất là 700% phiếu bầu. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả cổ đông dồn hết phiếu bầu cho 1 ứng viên.

Tác dụng bầu dồn phiếu

Nếu bầu cử theo cách thức truyền thống, thì số người trúng cử hoàn toàn phụ thuộc vào số phiếu bầu của một nhóm sở hữu đa số cổ phần có quyền biểu quyết (trên 50%) trong mọi trường hợp. Còn bầu cử theo phương thức dồn phiếu, nhóm cổ đông đa số chỉ bầu được đa số, chứ không phải là toàn bộ số người trúng cử. Bên cạnh đó, số lượng thành viên được bầu dồn phiếu càng nhiều, thì nhóm cổ đông thiểu số càng có nhiều cơ hội bầu được số ứng viên sát với tỷ lệ biểu quyết của mình.

Với cách bầu dồn phiếu, nếu bầu 2 - 3 thành viên Hội đồng quản trị, thì nhóm sở hữu 49% số phiếu bầu luôn có khả năng bầu được 1 ứng viên. Nếu bầu 8 thành viên Hội đồng quản trị, thì nhóm 49% luôn có khả năng bầu được 4 người, chiếm 50%. Tương tự, nếu bầu 1 - 2 thành viên Hội đồng quản trị, nhóm cổ đông sở hữu 30% sẽ không đủ điền kiện để bầu được bất cứ thành viên nào, nhưng nếu bầu 7 thành viên thì lại có đủ điều kiện để bầu được 2 người. Và nếu như bầu 9 thành viên Hội đồng quản trị, thì nhóm cổ đông chỉ cần sở hữu 10% cũng luôn có cơ hội bầu chọn được 1 thành viên.

Như vậy, nếu bầu dồn phiếu thì nhóm cổ đông sở hữu 10 - 20% cổ phần là đã có nhiều khả năng bầu được người đại diện của mình. Còn nếu bầu thông thường thì thậm chí nhóm cổ đông sở hữu tới trên 49% cũng dễ có nguy cơ không có đại diện nào trong Hội đồng quản trị. Đây là “tổn thất” rất lớn đối với nhóm cổ đông thiểu số, là đi ngược lại quan điểm bảo vệ nhà đầu tư nhỏ và cổ đông thiểu số.

Cách thức ứng xử

Lý do Luật Doanh nghiệp năm 2014 bỏ quy định bắt buộc phải bầu dồn phiếu là do Báo cáo thẩm tra số 1896/BC-UBKT13 ngày 23/5/2014 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, một số ý kiến không tán thành với việc quy định bắt buộc bầu dồn phiếu, vì có thể dẫn đến tình trạng các cổ đông lớn của công ty lợi dụng để lựa chọn phương án có lợi cho mình thay vì lợi ích chung của công ty.

Đây là một nhận định sai lầm, ngược lại hoàn toàn với nguyên tắc bầu dồn phiếu cũng như thực tế. Với mục đích là trao thêm quyền chủ động cho doanh nghiệp, nhưng lại xoá bỏ một quy định rất hợp lý và cần thiết của Luật cũ, là một sự thụt lùi đáng tiếc của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Cùng với quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014, cho phép tỷ lệ biểu quyết thay đổi Điều lệ chỉ cần đạt tối thiểu 65% thay vì 75% như Luật Doanh nghiệp năm 2005 trước đây, thì nhóm cổ đông đa số sẽ luôn mong muốn áp đặt cách bầu cử trước đây để tự mình có thể quyết định bầu được tất cả các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Khi đó, trong một công ty cổ phần, nếu đã hình thành nhóm cổ đông chiếm 51% số phiếu bầu thì không còn “cửa” nào cho các cổ đông còn lại, thậm chí kể cả nhóm cổ đông sở hữu trên 49%.

Vì vậy, nếu công ty nào mong muốn hoạt động thật sự nghiêm túc, bài bản, sòng phẳng, đàng hoàng thì nên duy trì phương thức bầu dồn phiếu, chứ không nên chuyển sang cách thức bầu cử thông thường.

Bầu dồn phiếu: Không còn bắt buộc, nhưng nên duy trì ảnh 2

Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên.

Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty.

Trường hợp có từ 2 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

(Khoản 3, Điều 144, Luật Doanh nghiệp 2014)

Tin bài liên quan