Bất cập quy định công bố thông tin

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán tồn tại và phát triển trên cơ sở niềm tin, nên các quy chuẩn và chế tài đảm bảo tính minh bạch thông tin của các bên tham gia, được coi là yêu cầu quan trọng số 1 đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh, hấp dẫn của thị trường.
Bất cập quy định công bố thông tin

Kể từ khi thị trường chứng khoán được đưa vào vận hành đến nay, các quy định pháp lý về công bố thông tin đã được điều chỉnh liên tục để phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường.

Gần đây nhất, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 155/2015 thay thế cho Thông tư 52/2012 về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Dẫu vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện các quy định về công bố thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu minh bạch thông tin của thị trường.

Những hạn chế của quy định hiện hành về công bố thông tin, theo Bộ Tài chính thể hiện cụ thể qua các điểm chính sau:

Trước tiên là Luật Chứng khoán chưa điều chỉnh việc công bố thông tin về giao dịch chứng khoán đối với nhà đầu tư sở hữu trên 5% chứng chỉ quỹ đóng (tương tự như cổ đông lớn của công ty đại chúng), trong khi bản thân các chứng chỉ quỹ này cũng được giao dịch với tính chất tương tự như cổ phiếu; chưa quy định nghĩa vụ công bố thông tin của một số đối tượng có lợi thế về thông tin và dễ dàng trục lợi như: người nội bộ của công ty đại chúng/quỹ đại chúng và người có liên quan của họ.

Thứ hai là Luật Chứng khoán chưa bao quát các nghĩa vụ công bố thông tin của các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán mới, hoặc chưa điều chỉnh nghĩa vụ công bố thông tin liên quan đến các giao dịch đặc thù như giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF…

Ghi nhận của Ðầu tư Chứng khoán từ giới đầu tư, quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán còn nhiều bất cập.

Chẳng hạn, đối với thông tin bất thường của doanh nghiệp (tài khoản bị phong tỏa hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa, tạm dừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, bổ sung hay rút bớt ngành nghề kinh doanh, quyết định thay đổi nhân sự…) là những thông tin có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, nhưng được quy định phải công bố thông tin trong vòng 24 giờ là không đảm bảo tính kịp thời của thông tin.

Trong vòng 24 giờ đó, những người nội bộ của doanh nghiệp kịp thời trục lợi và những cổ đông, nhà đầu tư bên ngoài sẽ chịu thiệt hại.

Việc Luật Chứng khoán quy định sở giao dịch chứng khoán có nghĩa vụ phải công bố thông tin về doanh nghiệp niêm yết, thành viên giao dịch trên website của Sở, ngược lại với xu hướng chung của thế giới là trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về công bố thông tin cho tổ chức tham gia thị trường, đang gây ra không ít hiểu lầm cho thị trường, nhà đầu tư về trách nhiệm liên đới của sở giao dịch chứng khoán đối với thông tin do doanh nghiệp công bố.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, sở giao dịch chứng khoán có nghĩa vụ giám sát doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin, nhưng không hề có phương tiện để kiểm duyệt thông tin này, nên trên thực tế Sở khó tròn vai trong chịu trách nhiệm về kiểm soát thông tin do doanh nghiệp công bố…

Quy định này đang làm khó và gây rủi ro cho sở giao dịch chứng khoán, mà sự cố công bố thông tin sai lệch của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM) trong năm qua là một điển hình.

Thực tiễn phát triển của thị trường đang đòi hỏi nhà quản lý cần sớm khắc phục những hạn chế trên, để không chỉ đảm bảo tính minh bạch, công bằng, mà còn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam gia tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tin bài liên quan