Bấp bênh cổ phiếu ngân hàng

Bấp bênh cổ phiếu ngân hàng

(ĐTCK) Sự bật tăng của các mã cổ phiếu ngân hàng trong phiên cuối tuần qua (6/7) khiến thị trường kỳ vọng nhóm cổ phiếu này sẽ dẫn dắt thị trường quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng sau chuỗi ngày giao dịch “đỏ lửa”, thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, diễn biến sau đó cho thấy, nhóm cổ phiếu này góp phần dẫn thị trường đi… xuống.

Thêm một lần nữa, chỉ số VN-Index xuyên thủng mốc 900 điểm, đóng cửa phiên 11/7 ở mức 886 điểm, trong khi đây là ngưỡng tâm lý quan trọng đối với thị trường.

4 cổ phiếu ngân hàng lớn là VCB, TCB, CTG, BID lần lượt đóng góp nhiều nhất vào mức giảm điểm của chỉ số. Trước đó, phiên cuối tuần qua (6/7), đây là các mã đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index, khi thông tin về kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm được hé lộ.

Dựa trên phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, mốc 920 điểm được thiết lập vào cuối tháng 5/2018 vốn là ngưỡng quan trọng, khi để mất mốc này, thị trường chứng khoán Việt Nam có nguy cơ chuyển sang thị trường “con gấu” (xu hướng giảm), dẫn đến tâm lý bi quan của nhiều nhà đầu tư.

Đây là tuần giảm điểm thứ 5 liên tiếp, với mức giảm tương đối mạnh. Thanh khoản trong giai đoạn này ở mức trung bình thấp cho thấy, dòng tiền vẫn chưa quay trở lại thị trường chứng khoán, nhất là khi chưa có nhóm cổ phiếu đủ sức dẫn dắt thị trường quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đó.

Thực tế, khi nói đến nhóm cổ phiếu dẫn dắt, phần lớn nhà đầu tư nghĩ đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, bởi cùng với các bluechips đầu ngành, đây là nhóm cổ phiếu “trụ cột”, từng dẫn dắt thị trường đi lên trong suốt thời gian năm 2017 và đưa chỉ số VN-Index đạt đỉnh mới vào tháng 4/2018. Nhưng khi thị trường đảo chiều, nhóm cổ phiếu ngân hàng được coi là một trong những nhóm góp phần kéo chỉ số giảm nhanh hơn.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho hay, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thường có phản ứng nhạy hơn với diễn biến của thị trường, đôi khi chính là nhóm chỉ báo cho thị trường, nên nhóm cổ phiếu này giảm giá mạnh trong thời gian qua cũng không nằm ngoài xu hướng chung đã được dự báo.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, cần có cái nhìn sâu hơn về thị trường chứng khoán để đưa ra chính sách phù hợp, không để thị trường rơi một cách vô lý. Thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ cần có sự liên thông nhiều hơn.

Tổng dư nợ tín dụng trên thị trường chứng khoán chiếm 0,8% tổng dư nợ nền kinh tế là mức rất nhỏ, cần phải có chính sách khai thông nguồn vốn cho thị trường chứng khoán, bắt đầu từ việc sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN về việc siết tín dụng đối với cho vay đầu tư chứng khoán.

Về mặt diễn biến giá cổ phiếu, nhóm ngành tài chính nói chung thường có mức biến động lớn hơn chỉ số. Kinh tế tăng trưởng tốt, ngành tài chính sẽ có kết quả kinh doanh cao và ngược lại, kinh tế có diễn biến xấu, nhóm này sẽ bị tác động mạnh.

Với những diễn biến khó lường trên thị trường tiền tệ và chứng khoán thế giới giai đoạn hiện tại thì sự hồi phục của giá cổ phiếu khó kéo dài và là cơ hội để nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, dự phòng cho các rủi ro có thể tiếp diễn từ thị trường tài chính quốc tế.

Thống kê cho thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận mức giảm giá mạnh trong 3 tháng trở lại đây. Chẳng hạn, giá cổ phiếu BID, CTG, LPB giảm từ 45 - 50% so với thời điểm VN-Index đạt đỉnh. Hay VPB, MBB, STB, ACB giảm giá gần 40%. Đây hầu hết là các cổ phiếu được nhà đầu tư giao dịch ký quỹ (margin) nên khi giá giảm, nhà đầu tư càng thiệt hại hơn.

Trong khi đó, bức tranh chung về tình hình hoạt động của ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm vẫn rất tốt, từ hoạt động huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, kinh doanh dịch vụ. Đơn cử, Vietcombank (VCB) đạt lợi nhuận trước thuế 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 55,2% kế hoạch cả năm.

Nói về triển vọng đầu tư, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đều đã ghi nhận giảm giá mạnh trong thời gian qua, hiện ở mức giá khá hấp dẫn so với thời điểm đầu năm.

Trên góc độ kỹ thuật, SHS nhận xét, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều đã giảm về gần các vùng hỗ trợ tương ứng với vùng tích lũy trong các năm trước, nên rủi ro giảm sâu của nhóm này hiện không cao.

Xét các yếu tố cơ bản, tình hình kinh doanh của nhóm ngân hàng dự báo trong năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng, nên nhà đầu tư có thể đưa vào danh mục quan tâm theo dõi cho mục tiêu dài hạn. Về nhóm chứng khoán, mặc dù giá cũng giảm mạnh, nhưng do đặc điểm hoạt động kinh doanh chịu nhiều tác động của diễn biến thị trường nên nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát đối với nhóm này.

Trong trung và dài hạn, nhiều chuyên gia chứng khoán đồng quan điểm, việc nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh trong thời gian qua làm cho mặt bằng định giá trở nên hợp lý, đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên giảm sử dụng margin, chỉ gia tăng tỷ trọng với cổ phiếu có sẵn trong danh mục. 

Tin bài liên quan