Bán vốn Nhà nước: Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nhà đầu tư mua hết cổ phần

Bán vốn Nhà nước: Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nhà đầu tư mua hết cổ phần

(ĐTCK) Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015, cả nước cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp, nhưng chỉ bán được 8% cổ phần ra đại chúng và còn tới 92% cổ phần vẫn do Nhà nước nắm giữ. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và cách nào để khắc phục? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này. 

Chỉ 8% cổ phần doanh nghiệp nhà nước được bán ra đại chúng là con số khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông nghĩ sao về điều này?

Nhìn lại giai đoạn 2005-2010, khi nền kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc, khả năng hấp thụ lượng cổ phần từ các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tốt, đồng thời lượng hàng hóa chưa nhiều, nhưng tổng lượng cổ phần chào bán được ra đại chúng của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa cũng chỉ đạt 15%.

Trong khi đó, trong giai đoạn 2011-2015, nền kinh tế và thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều khó khăn, nên chỉ bán được 8% lượng cổ phần ra đại chúng. Tỷ lệ thấp này có thể hiểu được.

Hiểu được là phải hiểu như thế nào, thưa ông?

Giai đoạn 2011-2015, trong khi sức cầu của thị trường hạn chế, thì lượng cung cổ phiếu trong các đợt IPO tăng cao, nên gây sức ép lên khả năng hấp thụ của thị trường.

Tổ chức IPO là thật, nhưng “trong bụng” nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nhà đầu tư mua hết cổ phần. Điều này cho thấy tư tưởng cổ phần hóa còn chưa thông, nên hoàn toàn hiểu được tại sao lượng cổ phần bán được ít trong nhiều đợt IPO. 

Thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2013 đối mặt với nhiều khó khăn, những năm gần đây tuy phục hồi, nhưng không đáng kể và luôn trong tình trạng biến động trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới.

Trong khi đó, công tác chuẩn bị cổ phần hóa của nhiều doanh nghiệp chưa tốt, thông tin công bố chưa rõ ràng, nên không thu hút đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Nhìn vào phương án IPO của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư thấy tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ hậu cổ phần hóa vẫn cao, nên họ không mặn mà tham gia.

Chẳng hạn, khi cổ phần hóa một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu với tỷ lệ cao nhưng không thể, do phương án cổ phần hóa thể hiện tỷ lệ cổ phần Nhà nước sở hữu sau cổ phần hóa quá cao. Thậm chí, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp không muốn bán nhiều cổ phần ra bên ngoài khi IPO, vì dư âm việc bán mạnh cổ phần tại nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp mất ghế, mất việc trước đó làm cho không ít người e ngại, có thái độ co cụm lại.

Tổ chức IPO là thật, nhưng “trong bụng” nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nhà đầu tư mua hết cổ phần. Điều này cho thấy tư tưởng cổ phần hóa còn chưa thông, nên hoàn toàn hiểu được tại sao lượng cổ phần bán được ít trong nhiều đợt IPO. 

Theo ông, cách nào để cổ phiếu của các doanh nghiệp doanh nhà nước khi đưa ra IPO trong giai đoạn 2016-2020 không bị tái diễn cảnh ế ấm?

Trước tiên là phải đả thông tư tưởng của lãnh đạo doanh nghiệp, các cơ quan chủ quan. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, giai đoạn 2016-2020 không có đường lùi cho cổ phần hóa.

Bán vốn Nhà nước: Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn nhà đầu tư mua hết cổ phần ảnh 1

 Ông Đặng Quyết Tiến

Liên quan đến các giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc về định giá đất, tìm kiếm cổ đông chiến lược, thuê tư vấn có chất lượng của nước ngoài…, nhằm đẩy nhanh cổ phần hóa, đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định thay thế các Nghị định 59/2011, Nghị định 189/2013 và Nghị định 116/2015 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Từ năm 2017 sẽ tập trung tạo độ sâu cho cổ phần hóa bằng nhiều giải pháp. Đó là gia tăng tối đa lượng cổ phần bán ra bên ngoài khi IPO (đề xuất áp dụng cơ chế bán tối thiểu 10% vốn điều lệ), thậm chí bán 100% tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, để hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời tạo động lực thay đổi chất lượng quản trị doanh nghiệp hậu cổ phần hóa.

Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, đã đề cập chi tiết danh sách các doanh nghiệp phải bán cổ phần ra bên ngoài đến mức bao nhiêu. Do đó, sẽ không tái diễn tình trạng như trước đây là các doanh nghiệp xin điều chỉnh tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài khi cổ phần hóa, khiến tiến trình cổ phần hóa không đạt cả về lượng và chất.

Đặc biệt, cùng với tiếp tục thúc đẩy IPO gắn với đưa doanh nghiệp lên sàn, để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia các đợt IPO, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ làm mới cách bán cổ phần. Đó là, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện tại: đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành và thỏa thuận trực tiếp, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011 có bổ sung phương pháp dựng sổ.

Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng. Khi cơ chế mới này được chấp thuận, sẽ áp dụng luôn đối với các doanh nghiệp lớn IPO mà không phải chờ sau khi đấu giá công khai bị “ế” mới áp dụng. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xây dựng quy trình chi tiết để áp dụng.

Tin bài liên quan