Ngày 10/12, Công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) sẽ bán đấu giá 14,2% vốn điều lệ tại HNX

Ngày 10/12, Công ty TNHH MTV Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) sẽ bán đấu giá 14,2% vốn điều lệ tại HNX

Bán vài phần trăm: Khối ngoại không quan tâm rót vốn!

(ĐTCK) “Từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam đâu có huy động được đáng kể vốn đầu tư nước ngoài. Vì không có cổ phiếu để mua, nên chẳng mấy NĐT nước ngoài vào Việt Nam...”, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhìn nhận. 

Ông nói không có cổ phiếu cho NĐT nước ngoài mua. Điều này có mâu thuẫn không, khi từ đầu năm đến nay, rất nhiều DN lên sàn, cũng như chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)?

Đúng là có rất nhiều DN đã được cổ phần hóa, tiến hành IPO. Nhưng thử hỏi, với tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài chỉ vài phần trăm vốn điều lệ, việc định giá DN chưa theo nguyên tắc thị trường vì định kiến không được làm thất thoát tài sản Nhà nước..., thì làm sao hấp dẫn được NĐT?

Ông Dominic Scriven: "Muốn cổ phần hóa thật, thì phải thuê các chuyên gia tư vấn, môi giới, các ngân hàng đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm tham gia"
 

Một thương vụ IPO lớn sắp diễn ra là ngày 10/12 tới, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ chào bán ra đại chúng 3,47% vốn điều lệ, các quỹ đầu tư do ông đang điều hành có quan tâm?

Thương vụ này cũng hay, nhưng buồn là tỷ lệ bán ra đại chúng quá ít. 

Liên quan đến quan ngại của NĐT về sức cầu của TTCK chưa mấy cải thiện sau khi quy định nới room có hiệu lực, ông nhìn nhận gì về hiện trạng này?

Như đã nói ở trên, nguồn cung hiện nay quá nhiều, nhưng chất lượng thấp. Nguồn cung này không chỉ đến từ các DN IPO, lên sàn mới, mà ngay cả các DN đang niêm yết cũng có nhu cầu lớn về phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Do đó, để hỗ trợ cho sự sôi động của TTCK, cũng như góp phần thúc đẩy cổ phần hóa, điều quan trọng nhất là tạo sức cầu, nguồn cung tốt cho thị trường.

Bằng cách nào, thưa ông?

Muốn cổ phần hóa thật, thì phải thuê các chuyên gia tư vấn, môi giới, các ngân hàng đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm tham gia. Rồi phải có một tổ chức thay mặt cho Nhà nước chuyên đi tạo cầu, bán hàng, phải đi kiếm các NĐT tiềm năng. Chẳng hạn, phải tìm được 5 - 7 NĐT tốt, mỗi NĐT có một khoản tiền không nhỏ sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam.

Cũng cần thúc đẩy bán cổ phần theo lô. Bán đấu giá công khai ra đại chúng như hiện nay không thực sự hiệu quả. Hãy nhìn vào thực tế, chẳng hạn có 1.000 NĐT cá nhân nhỏ lẻ đăng ký tham gia IPO một DN, sức mua của nhóm NĐT đông về số lượng, nhưng lượng vốn không lớn. Để tạo sức hấp dẫn cho các NĐT lớn, chuyên nghiệp, cần khẩn trương bán cổ phần theo lô.

Để thúc đẩy DN nới room, Chủ tịch UBCK vừa cho biết, Bộ Tài chính sắp ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 118/2015/NĐ-CP, trong đó có nội dung: NĐT nước ngoài sở hữu từ 65% vốn điều lệ của DN Việt Nam liên tục từ 1 năm trở lên, thì DN đó được coi là NĐT nước ngoài. Ông nhìn nhận gì về quy định này?

Theo tôi, quy định này sẽ giúp DN cảm thấy thoải mái hơn khi nới room. Điều này đồng nghĩa mở ra một số cơ hội đầu tư mới cho NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là tháo gỡ ban đầu. Cần đưa vào thực tế áp dụng, xem thử thị trường, NĐT cần thêm gì thì tháo gỡ tiếp.

Tại kỳ VBF vừa diễn ra, ông tiếp tục đưa ra nhận định: TTCK Việt Nam chưa được nhìn nhận đúng vai trò, vị thế trong nền kinh tế. Thông điệp ông muốn nói ở đây là gì?

Với tư cách là người trong cuộc, nhiều khó khăn mà TTCK đang phải đối mặt hiện nay không phải xuất phát từ UBCK, Bộ Tài chính, hay Ngân hàng Nhà nước, mà đến từ không ít các bộ, ngành khác. Tôi đơn cử, để thúc đẩy quỹ hưu trí tự nguyện sớm ra đời, qua đó cải thiện sức cầu bền vững cho TTCK, thì rất cần sự ủng hộ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Ở đây cần sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp của các bộ, ngành hữu quan, không chỉ trong tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, mà quan trọng hơn là tạo thuận lợi cho TTCK phát triển, thì mới góp phần giải quyết hiệu quả nhiều bài toán đặt ra trong nền kinh tế: đẩy nhanh cổ phần hóa gắn với niêm yết; thúc đẩy DN hoạt động minh bạch, nâng cao quản trị DN…

Tin bài liên quan