Để đạt được những con số tăng trưởng về thanh khoản, bên cạnh công tác “tạo hàng” cho thị trường, việc HNX siết chặt giám sát, quản lý trên UPCoM đang dần tạo nên sự khởi sắc trong bức tranh thanh khoản của sàn này.
Tháng 6/2017, HNX đã ban hành Quy chế tổ chức và quản lý thị trường UPCoM mới.
Với quy chế mới, các biện pháp quản lý, giám sát đối với công ty đăng ký giao dịch được nâng từ 2 mức độ gồm tạm ngừng giao dịch và hạn chế giao dịch lên thành 4 mức độ, gồm nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường, tạm dừng giao dịch, hạn chế giao dịch và đình chỉ giao dịch.
Việc giám sát một cách chi tiết hơn, theo sát hoạt động của doanh nghiệp giúp nhà đầu tư thời gian và cơ sở để đưa ra các quyết định đầu tư sớm hơn. Thị trường tăng tính minh bạch, quyền lợi của nhà đầu tư được bảo vệ.
Cùng với Quy chế mới, để hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia thị trường UPCoM, HNX cũng đã triển khai phân bảng UPCoM theo quy mô vốn và ra mắt chỉ số UPCoM theo quy mô vốn.
Ngoài ra, bảng cảnh báo nhà đầu tư được ra mắt trong năm ngoái tiếp tục cập nhật và đóng vai trò lọc các cổ phiếu yếu kém. Thực tế, lượng cổ phiếu này cũng liên tục tăng lên khi các cổ phiếu hủy niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX được tự động đưa lên UPCoM.
Một loạt giải pháp tăng tính minh bạch cho UPCoM đã hỗ trợ xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, giúp thu hút dòng tiền cho UPCoM. Với những điểm tích cực, UPCoM được kỳ vọng xóa đi tình trạng thanh khoản lạc nhịp với quy mô vốn hóa.
Sự gia tăng về lượng cũng góp phần kéo theo sự tăng lên về thanh khoản trên thị trường UPCoM. Tuy nhiên, việc này chỉ tập trung ở một số ít mã nóng.
Mặc dù tăng nhanh qua từng năm, nhưng nếu so với quy mô vốn hóa hiện nay (trên 300.000 tỷ đồng), thanh khoản của sàn UPCoM ở tỷ lệ quá thấp. Bài toán thanh khoản đang dần chuyển trọng tâm về phía doanh nghiệp, không đơn thuần là câu chuyện cơ chế, định kiến về sàn giao dịch hay niềm tin của nhà đầu tư.