ARA 2017: Đẹp và chuyên nghiệp để… “ghi điểm” với nhà đầu tư

ARA 2017: Đẹp và chuyên nghiệp để… “ghi điểm” với nhà đầu tư

(ĐTCK) Hội đồng bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất 2017 đã làm việc liên tục trong 2 ngày 28-29/6/2017 tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) để chấm điểm chung khảo, nhằm chọn ra 50 doanh nghiệp có Báo cáo thường niên tốt nhất, được vinh danh tại Lễ trao giải. 

Trước đó, 638 Báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết đã được HOSE và Sở GDCK Hà Nội (HNX) chấm sơ khảo, đánh giá và chọn lọc 125 báo cáo của doanh nghiệp niêm yết vào chung khảo, với sự tham gia soát xét chất lượng của các công ty kiểm toán hàng đầu.

Năm 2017: cải tiến pháp lý, thúc doanh nghiệp minh bạch hơn

Năm 2017 – tròn 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên được tổ chức, được chứng kiến các doanh nghiệp niêm yết nâng cao hơn nhận thức về sự minh bạch. Từ thụ động chỉ công bố những thông tin bắt buộc theo quy định, giờ đây, nhiều doanh nghiệp chủ động mang thông tin về hoạt động doanh nghiệp đến cho nhà đầu tư và thị trường, điều đó cũng chính là mong muốn của Ban Tổ chức cuộc thi.

Năm nay, các công ty đã quan tâm và đầu tư hơn đến việc lập và trình bày Báo cáo thường niên về cả mặt hình thức cũng như nội dung, thể hiện qua mặt bằng điểm trung bình vòng sơ khảo của các Báo cáo thường niên năm 2017 là 58,5 điểm, cao hơn gần 4 điểm so với năm trước.

Bên cạnh đó, với tác động bởi Thông tư 155/2015/TT-BTC yêu cầu bắt buộc báo cáo về nội dung môi trường, xã hội đã khiến số lượng báo cáo thường niên có nội dung phát triển bền vững đã tăng lên đáng kể (tăng 44,9% so với năm trước).

Số lượng Báo cáo thường niên được lập bằng tiếng Anh là 64 báo cáo và số lượng Báo cáo tài chính lập theo chuẩn IFRS là 6 báo cáo, đây chính là yếu tố giúp Báo cáo thường niên được xét cộng điểm thưởng khi xét điểm vào vòng chung khảo (tối đa 5 điểm cho mỗi nội dung). Đây cũng là nét cải tiến về nội dung của các báo cáo thường niên năm nay.

Cũng như mọi năm, để được vào vòng chung khảo, các báo cáo thường niên phải qua quy trình xét chọn rất chặt chẽ. Sau khi được lựa chọn từ 2 Sở và được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PricewaterhouseCoopers (PwC), các báo cáo được vào chấm chung khảo.

Đây cũng là điểm mới của Cuộc bình chọn năm 2017, nhằm đảm bảo, nâng cao tính chính xác, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn các Báo cáo thường niên vào vòng chung khảo. Kết quả có 125 công ty đã được chọn vào vòng chung khảo (trong đó có 77 báo cáo thuộc HOSE; 48 báo cáo thuộc HNX), các công ty này đều có điểm sơ khảo sau khi được soát xét bởi Big 4 từ 76 điểm trở lên.

Hội đồng bình chọn năm nay có 9 thành viên, với sự tham gia của 2 thành viên mới là đại diện của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh các thành viên thường niên. Vào vòng chung khảo, điểm chấm các báo cáo không thiên về chiều rộng, mà tập trung chấm về chiều sâu, các nội dung trong báo cáo được chọn xem xét kỹ từng hạng mục.

Giải thưởng giúp doanh nghiệp “ghi điểm” nhiều hơn

Đánh giá chung của Hội đồng bình chọn cho thấy, chất lượng Báo cáo thường niên năm 2017 nhìn chung là tốt hơn năm 2016. Các báo cáo ngoài việc thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, còn chú trọng đi sâu vào chất lượng thông tin.

Nhiều gương mặt có sự tiến bộ vượt trội so với các năm trước. Nhiều doanh nghiệp chú ý và đầu tư thực sự cho việc lập báo cáo, bản thân doanh nghiệp cũng có nhiều tiến bộ trong việc áp dụng các thông lệ tốt cũng như ý thức về sự minh bạch đã được nâng cao.

Về hình thức, nhiều báo cáo trình bày đẹp, slogan ấn tượng, logic về mặt ý tưởng. Số lượng báo cáo mang tính hình thức, quảng cáo về sản phẩm đã giảm rất nhiều, nhưng vẫn còn ở một số doanh nghiệp.

Về quản trị công ty, đây là một nội dung hiện nay được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đã được các công ty trình bày đầy đủ, công khai, nhưng vẫn còn một số báo cáo còn thể hiện sơ sài. Về tài chính, đa số không có nhiều nội dung nổi bật, rất ít công ty thực hiện so sánh với các công ty trong cùng ngành.

Đặc biệt, có một số báo cáo rất ấn tượng trong phân tích, có so sánh với các đối thủ cạnh tranh, có nêu những sự kiện trọng yếu của các công ty con và đưa ra giải trình chi tiết các vấn đề, cũng như đề ra kế hoạch thực hiện trong tương lai rất cụ thể.

Về Báo cáo Phát triển bền vững, số lượng công ty tham khảo các hướng dẫn của IFC và GRI nhiều hơn. Tuy nhiên, có sự hiểu biết không đồng đều giữa các doanh nghiệp về hướng dẫn G4 của GRI và nhiều báo cáo còn thiếu các phần cơ bản của một báo cáo theo GRI.

Đưa ra nhiều điểm mới trong cuộc thi năm nay, Ban tổ chức mong muốn nâng cao chất lượng Báo cáo thường niên, tăng cường sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khi và chỉ khi, doanh nghiệp thực sự chuẩn mực, minh bạch, chuyên nghiệp trong công bố thông tin, quản trị công ty, thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững, mới có thể tiếp cận được nguồn vốn lớn. Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên chính là giải thưởng giúp doanh nghiệp “ghi điểm” nhiều hơn trong mắt nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

Tin bài liên quan