Áp lực cho việc thoái vốn

Áp lực cho việc thoái vốn

(ĐTCK) Hơn 10.000 tỷ đồng là số vốn đầu tư ngoài ngành các tập đoàn, tổng công ty phải thoái trong 6 tháng cuối năm 2015. Chưa kể hàng nghìn tỷ đồng giảm bớt vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo các đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tài chính đặt mục tiêu, đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành thoái vốn 19.517 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thực hiện thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường đối với các khoản vốn đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh chính của DN là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu DN và cần được hoàn thành trước ngày 31/12/2015.

Còn trong cuộc họp diễn ra cuối tháng 7 mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2015, việc thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc... có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh thoái vốn.

Trong khi đó, phản ứng của thị trường đối với nguồn cung này ra sao? Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ bán được 300.000 cổ phiếu PVX trong hơn 14 triệu cổ phiếu chào bán. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà đầu tư cũng không hào hứng mua các dự án đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp ngoại trừ thủy điện…

Biến động bấp bênh và tăng trưởng thiếu bền vững của TTCK được nhận định là một trong những yếu tố khiến việc thoái vốn diễn ra chậm. Động thái tiếp tục giảm giá đồng nhân dân tệ cùng quyết định nới biên độ tỷ giá lên 2% của NHNN và diễn biến giá dầu giảm cực mạnh gần đây sẽ khiến TTCK Việt Nam còn biến động và ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Có thể thấy sức ép lên mục tiêu không tăng tỷ giá quá 2% trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước đang rất nặng nề trong bối cảnh làn sóng mất giá của nhiều đồng tiền khác trong khu vực bị kích hoạt khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam suy yếu và thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc sẽ diễn ra mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm.

Rủi ro tỷ giá do vậy đang hiện hữu và ở mức đáng kể. Điều này không chỉ tác động đến tâm lý nhà đầu tư nội mà sẽ tác động trực tiếp tới diễn biến dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, diễn biến tiêu cực của yếu tố tỷ giá đang chi phối tâm lý thị trường.

Trong bối cảnh thị trường và tâm lý nhà đầu tư biến động như vậy, chủ trương thoái vốn ngoài ngành đối với các DN là không thể lùi được, càng cần các DN thông tin rộng rãi về các khoản vốn cần thoái và các giải pháp để thực thi hiệu quả, thay vì “kín tiếng” và chưa thực sự quyết liệt như hiện nay.

Tin bài liên quan